Nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) đang là chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm trên thị trường hiện nay, với kỳ vọng giúp chúng ta có thể sớm đón dòng vốn từ 8-10 tỷ USD và tạo thuận lợi cho sự phát triển của TTCK Việt Nam trong thời gian tới.
Tiến sát cánh cửa nâng hạng thị trường
Theo bà Phạm Thị Thuỳ Linh, Phó vụ trưởng vụ Phát triển TTCK, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, mục tiêu nâng hạng TTCK đến năm 2025 được xem là công tác trọng tâm của Bộ Tài chính. Theo đánh giá của các tổ chức xếp hạng, các tiêu chí của thị trường Việt Nam đã đạt được 7/9 tiêu chí và chỉ còn 2 tiêu chí cần cải thiện đó là vấn đề về ký quỹ trước giao dịch và tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ nhất, đối với ký quỹ trước giao dịch, UBCKNN đã trình Bộ Tài chính để có các đề xuất sửa đổi, bổ sung một số văn bản, trước tiên là không yêu cầu ký quỹ 100% của các nhà đầu tư nước ngoài, đảm bảo hoạt động của nhà đầu tư cũng như hoạt động thanh toán.
Thứ hai, về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, UBCKNN cũng đã đề nghị rà soát các ngành nghề và công bố thông tin minh bạch bằng tiếng Anh, để các nhà đầu tư có thể tiếp cận được thông tin tại các doanh nghiệp một cách dễ dàng. Đồng thời kiến nghị đến Bộ Kế hoạch & Đầu tư phối hợp với các Bộ, ngành khác, rà soát những ngành nghề có thể mở rộng tỷ lệ sở hữu, nhất là những ngành nghề không thiết yếu.
“Ngoài ra, chúng tôi dự kiến báo cáo Bộ Tài chính sửa đổi một số quy định về công bố thông tin bằng tiếng Anh và định kỳ, trong đó, áp dụng với các công ty đại chúng, công ty niêm yết từ ngày 1/1/2025; các thông tin bất thường từ ngày 1/1/2026. Sau đó áp dụng cho tất cả các công ty đại chúng, cũng như hoạt động công bố thông tin chung từ năm 2028”, bà Phạm Thị Thuỳ Linh nói.
Từ góc nhìn của thành viên tham gia thị trường, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường CTCK VPBankS đánh giá, chúng ta đang ở trong một năm khá quan trọng, là năm bản lề gần sát với cánh cửa nâng hạng. Việc thay đổi về chất và vấn đề rất quan trọng là nền tảng pháp lý đang có sự chuyển mình rõ nét, đảm bảo đủ tiêu chí của các tổ chức quốc tế đối với Việt Nam, cũng như hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin giao dịch.
Ông Sơn phân tích, thực tế hệ thống giao dịch của Việt Nam đã rất cũ, trong nhiều thời điểm thị trường “nóng’ đã xảy ra tình trạng nghẽn lệnh, nên sự thay đổi về hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin sẽ đảm bảo nhà đầu tư giao dịch một cách thông thoáng, nhanh và tích cực hơn.
“Từ trước đến nay, mỗi khi TTCK Việt Nam có sự thay đổi mới, thì thanh khoản thị trường đều tăng lên và bứt tốc mạnh mẽ. Điển hình như giai đoạn năm 2012-2013, khi chúng ta kéo dài thời gian giao dịch thì tự nhiên thanh khoản của thị trường cũng tăng cao. Hay giai đoạn áp dụng sản phẩm phái sinh, thị trường cũng bùng nổ vượt lên trên 1.000 điểm.
Với hệ thống công nghệ thông tin được kỳ vọng áp dụng trong năm nay là sự mong mỏi của nhà đầu tư từ rất lâu và tôi nghĩ sẽ tạo động lực quan trọng đối với các nhà đầu tư nói chung và bản thân các thành viên thị trường nói riêng. Khi có giao dịch thông thoáng thì doanh số, thị phần của các công ty chứng khoán bán lẻ sẽ có diễn biến tích cực”, ông Trần Hoàng Sơn bày tỏ.
Kinh nghiệm quốc tế
Như vậy, chúng ta đang có một mốc quan trọng là năm 2025 sẽ nâng hạng TTCK từ cận biên lên thị trường mới nổi và mục tiêu dài hơi hơn nữa là đưa thị trường đạt ở mức cao.
Vừa qua, các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp để làm sao Việt Nam sớm đạt được mục tiêu, trong đó có một giải pháp đáng chú ý đó là áp dụng sản phẩm cổ phiếu không có quyền biểu quyết, nếu được áp dụng có thể giúp nâng tỷ lệ sở hữu nhưng không ảnh hưởng đến quá trình điều hành.
Giám đốc chiến lược tại VPBankS nhấn mạnh, để thay đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài của các công ty niêm yết, đặc biệt là các ngân hàng, thì chúng ta phải sửa rất nhiều văn bản pháp luật, do đó, việc áp dụng sản phẩm cổ phiếu không có quyền biểu quyết là khá phù hợp. Nhìn kinh nghiệm từ thị trường Thái Lan, sản phẩm này đã được áp dụng rất thành công, giải quyết được ngay lập tức câu chuyện nhu cầu giao dịch, nhất là của nhà đầu tư nước ngoài.
“Sau một thời gian, tôi nghĩ đây chính là yếu tố giúp Thái Lan nâng hạng TTCK lên mới nổi. Đặc biệt, bản thân chứng chỉ quỹ không có quyền biểu quyết cũng tăng lên 20% tổng giá trị giao dịch của toàn thị trường, riêng khối ngoại đạt tỷ trọng khoảng 40% giao dịch.
Với điều kiện như Việt Nam hiện nay, chúng ta đang rất gấp rút triển khai nâng hạng thị trường trong ngắn hạn, thì cổ phiếu không có quyền biểu quyết sẽ là một giải pháp hữu hiệu và hoàn thiện dần các yếu tố về mặt pháp lý, đạt chuẩn sớm theo yêu cầu của các tổ chức xếp hạng”, ông Trần Hoàng Sơn giải thích.
Ở góc độ cơ quan quản lý, theo bà Phạm Thị Thuỳ Linh, UBCKNN đang phối hợp với các chuyên gia của World Bank để nghiên cứu và đảm bảo sản phẩm đưa ra phù hợp với thị trường. Sản phẩm này phải dựa trên những quy định pháp lý như Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, vì vậy hiện tại vẫn đang trong công tác nghiên cứu và xem xét.