Bộ Tài chính "tuýt còi" 6 công ty chứng khoán, đưa 1 công ty vào diện kiểm soát

Chiều 5/1, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12. Đại diện Bộ Tài chính đã trả lời câu hỏi về kết quả xử lý, giải quyết vướng mắc cho thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán, kỳ vọng gì vào năm 2024, đặc biệt trong việc nâng hạng thị trường chứng khoán.

Mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn 238 nghìn tỷ đồng

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, năm 2023 thị trường trái phiếu có những điểm sáng. Trong năm 2023, Chính phủ ban hành Nghị định 08, trong đó có quy định về việc ngưng hiệu lực một số quy định của Nghị định 65 cũng như cho phép các doanh nghiệp đàm phán với các nhà đầu tư để xử lý trái phiếu đến hạn, đảm bảo nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi do chia sẻ. Nghị định 08 là một cái điểm sáng của pháp lý và có tác dụng rất lớn đến thị trường trái phiếu năm 2023.

Về tổ chức thị trường, tháng 7/2023 Bộ Tài chính đã chính thức đưa thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tập trung vào vận hành và đến hết 31/12, tổng giá trị giao dịch trên thị trường trái phiếu có tổ chức là 218.000 tỷ đồng, với giá trị giao dịch bình quân phiên tương ứng là 1.880 tỷ đồng/một phiên.

thu-truong-bo-tai-chinh-nguyen-duc-chi-pld-1704553357.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi. Ảnh: VGP

Hiện nay, có trên 887 mã trái phiếu của 249 tổ chức đăng ký trái phiếu đã được đăng ký và giao dịch trên thị trường tập trung này.

Đến hết năm 2023, có 81 doanh nghiệp phát hành với khối lượng là 269,5 nghìn tỷ đồng. Các doanh nghiệp cũng bố trí nguồn lực thanh toán trái phiếu đến hạn và đàm phán với các nhà đầu tư khi tái cơ cấu và gia hạn trái phiếu giảm áp lực trả nợ gốc và lãi trái phiếu.

Theo đó, khối lượng mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn của năm 2023 là 238 nghìn tỷ đồng và trái phiếu có hạn cũng đã gần 40%.

Về cơ cấu nhà đầu tư, nhà đầu tư, tổ chức tham gia vào thị trường sơ cấp mua trái phiếu năm 2023 chiếm đến 92,4% và nhà đầu tư cá nhân chỉ chiếm khoảng 7,6% thị trường trái phiếu sơ cấp. Điều này cho thấy có sự thay đổi rất lớn trong cách thức tiếp cận thị trường, kể cả tổ chức phát hành cũng như nhà đầu tư.

Đưa 1 công ty chứng khoán vào diện kiểm soát, 2 công ty vào diện cảnh báo

Về thị trường cổ phiếu, trong năm 2023 Bộ Tài chính đã tiến hành 67 đoàn kiểm tra, ban hành 412 quyết định xử phạt với tổng số tiền xử phạt là 37,2 tỷ đồng.

Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp kịp thời với Ủy ban Chứng khoán thực hiện kiểm tra nhiều công ty kiểm toán được chấp thuận tổ chức rà soát, báo cáo tài chính về kiểm toán, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các doanh nghiệp, các kiểm toán viên để đảm bảo chấn chỉnh thị trường.

Về công tác tái cấu trúc thị trường, Bộ Tài chính đã tiến hành thanh lọc các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ yếu kém không hiệu quả. Trong năm 2023 đã xử lý vi phạm 6 công ty chứng khoán, đưa 1 công ty chứng khoán vào diện kiểm soát và 2 công ty chứng khoán vào diện cảnh báo.

Hiện có trên 7 triệu tài khoản trên thị trường chứng khoán. Quy mô vốn hóa thị trường 6 triệu tỷ, tăng 9,5% so với 2022, tương đương 62% GDP 2022. Theo chiến lược phát triển thị trường chứng khoán 2030, Chính phủ đặt mục tiêu nâng hạng thị trường vào 2025.