Nga tuyên bố rời Trạm vũ trụ quốc tế ISS sau năm 2024

Việc rút khỏi trạm sẽ chấm dứt hai thập kỷ hợp tác trong không gian sau Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Nga
nga-rut-khoi-iss-1659064293.png
Quyết định rời Trạm Vũ trụ Quốc tế của Moscow được đưa ra trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine vẫn đang căng thẳng. Ảnh: Reuters

Truyền thông Nga đưa tin, ông Yuri Borisov, người mới được bổ nhiệm chức vụ điều hành Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos), vừa thông báo Nga sẽ rút khỏi Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) sau năm 2024 và tập trung vào việc xây dựng một trạm vũ trụ của riêng mình.

Tuyên bố của ông Borisov tái khẳng định những tuyên bố trước đây của người tiền nhiệm - ông Dmitry Rogozin - về ý định rút khỏi trạm sau năm 2024. Cách đây vài tháng, ông Rogozin từng thẳng thừng tuyên bố sẽ chấm dứt quan hệ hợp tác trừ khi Mỹ, EU và Canada dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp vũ trụ Nga.

Vào ngày 2/11/2000, phi hành đoàn Expedition 1 bay đến trạm ISS với sứ mệnh tạo ra một phòng thí nghiệm khoa học trên quỹ đạo thấp của Trái đất. Ba nhà du hành - gồm William Shepherd của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) và Yuri Gidzenko, Sergei Krikalev của Roscosmos - đã cập bến ISS sau hai ngày trên tàu Soyuz. Kể từ đó, con người đã sống và làm việc trên ISS trong suốt 20 năm qua.

ISS là dự án hợp tác giữa Mỹ, Canada, Nhật Bản, Nga và 11 quốc gia châu Âu. Những module đầu tiên của trạm ISS được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa Proton của Nga vào tháng 11/1998. Trạm vũ trụ thực chất là khu phức hợp có chiều dài tương đương một sân bóng đá, sải cánh rộng 109m và nặng 450 tấn. Nó bay cách mặt đất khoảng 400km với vận tốc trung bình 28.000km/h.

Trạm được coi là biểu tượng của mối quan hệ hợp tác thời hậu Chiến tranh Lạnh giữa hai siêu cường không gian là Nga và Mỹ. Phát biểu vào năm 2001, cùng với Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là George W Bush, Putin ca ngợi ISS là một ví dụ điển hình về mối quan hệ song phương “rất thành công” giữa hai nước.

Tại thời điểm đó, các phi hành gia NASA cần được đào tạo để bay bằng tên lửa Soyuz của Nga - cách duy nhất để lên được trạm ISS. Còn hiện tại, Mỹ không phụ thuộc vào Roscosmos để chở phi hành gia lên ISS - kể từ năm 2020, SpaceX đã phụ trách chở phi hành gia của NASA lên trạm.

Nga đã nhiều lần ra tín hiệu rằng họ sẽ không gắn bó lâu dài với ISS, điều này đồng nghĩa với việc Mỹ phải tìm cách vận hành trạm mà không có sự trợ giúp của đối tác lâu năm. Điều đó không hẳn là bất khả, nhưng sẽ rất khó. ISS ban đầu được thiết kế để Roscosmos và NASA kiểm soát các bộ phận quan trọng trong hoạt động của trạm vũ trụ. Ví dụ, hiện tại, Nga kiểm soát hệ thống điều khiển động cơ đẩy của trạm vũ trụ, hệ thống này giúp giữ cho trạm ISS thẳng đứng và ngăn trạm rơi ra khỏi quỹ đạo. Nếu không có sự trợ giúp của Nga, hệ thống đó sẽ được chuyển cho NASA hoặc được thay thế.

nga-rut-khoi-iss-287-anh1-1659064293.png
Các phi hành gia NASA thường bay lên trạm ISS bằng tên lửa Soyuz của Nga. Ảnh: Bill Ingalls / NASA via Getty Images

Tin vui là ISS không phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng ngay lập tức, bởi ông Borisov cam kết Nga sẽ đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ hiện tại của mình đối với trạm. Bên cạnh đó, NASA đã có kế hoạch phá hủy ISS trong thời gian tới. Trong tương lai, tất cả các hoạt động trong quỹ đạo Trái đất tầm thấp (LEO) sẽ do các nhà khai thác thương mại tiến hành, cho phép NASA tập trung vào các dự án trong không gian sâu. Tuy nhiên, quyết định của Nga vẫn gây lo ngại rằng trong tương lai, không gian có thể không còn mang tính hợp tác hoặc quốc tế như trước đây.

Roscosmos cũng đã công bố hình ảnh bản thiết kế trạm vũ trụ của Nga trên các kênh truyền thông xã hội. Trạm vũ trụ có thể chứa hai phi hành gia Nga, về sau sẽ được mở rộng để đủ cho bốn người.

Một quan chức cấp cao của NASA chia sẻ với Reuters hôm 26/7 rằng Nga chưa thông báo chính thức về ý định rút khỏi ISS. Cho đến hiện tại, bất chấp những căng thẳng xoay quanh xung đột Ukraine - Nga, không gian vẫn là một trong những sợi dây liên kết cuối cùng biểu thị sự hợp tác giữa Moscow và phương Tây.

Ông Teaseal Muir-Harmony, người phụ trách bộ sưu tập Apollo tại Bảo tàng Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Smithsonian, cho rằng, vẫn luôn có khả năng Roscosmos sẽ quay lại hòa giải với NASA. Xét cho cùng, Liên Xô và Hoa Kỳ đã cố gắng làm việc cùng nhau trong phạm vi không gian trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, ngay cả khi hai nước vẫn cố gắng vượt mặt nhau. “Giữa Mỹ và Nga luôn có sự kết hợp giữa cạnh tranh và hợp tác trong không gian”, ông nói. “Nó sáp lại rồi tàn lụi. Đó là một điều hấp dẫn ”.