Mặc dù trải qua một năm đầy khó khăn do cả nước ứng phó dịch bệnh COVID-19, nhưng kim ngạch xuất khẩu năm 2021 của ngành chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam vẫn tăng trưởng vượt sự kỳ vọng của toàn ngành.
Đây chính là động lực để ngành chế biến và xuất khẩu gỗ tiếp bước, theo đà để phát triển trong năm 2022, với mức dự kiến hơn 20% so với năm 2021.
Khai thác tốt các hiệp định thương mại tự do
Trong năm vừa qua, sự tiếp nối có hiệu lực của các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-châu Âu (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP),… đã tạo điều kiện cho các phân ngành của nông nghiệp Việt Nam phát triển, thêm nhiều lợi thế trong tiếp cận các thị trường khó tính, cũng như gia tăng sức cạnh tranh đối với nhiều mặt hàng cùng loại của các quốc gia khác. Trong những ngành hàng này, ngành chế biến và xuất khẩu gỗ cũng không ngoại lệ.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, trong năm 2021, hầu hết các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu vào thị trường Anh đều tăng mạnh. Dẫn đầu là mặt hàng đồ nội thất phòng khách và phòng ăn. Tiếp theo là mặt hàng đồ nội thất phòng ngủ, ghế khung gỗ.
Với điều kiện thuận lợi của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ đã tăng trưởng nhập khẩu vào thị trường này, đạt kim ngạch 5,24 tỷ USD, tăng hơn 15% so với năm 2020.
Hiệp định UKVFTA chính là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam khai thác và mở rộng thị trường, đa dạng sản phẩm để tăng thêm sự lựa chọn cho người tiêu dùng tại thị trường này.
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương), cho biết đối với Việt Nam, Anh là đối tác quan trọng hàng đầu, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 trong số các nước trên thế giới, thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 trong số các nước châu Âu-châu Mỹ.
Mặc dù vậy, hiện lượng hàng hóa của Việt Nam vào thị trường này chỉ chiếm 1% so với tổng số hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia khác vào Anh. Chính vì vậy, Vương quốc Anh vẫn còn rất nhiều dư địa cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam; trong đó có ngành chế biến và xuất khẩu gỗ.
Nhìn từ bức tranh nhập khẩu đồ gỗ Việt Nam vào thị trường Anh cho thấy những nỗ lực của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam trong năm 2021 qua. Ngành chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam đã nhanh chóng, linh hoạt trong việc ứng phó dịch bệnh COVID-19, đảm bảo các đơn hàng được hoàn thành theo yêu cầu của khách hàng quốc tế.
Cụ thể, theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam năm 2021 vào châu Mỹ đạt 9,3 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2020, riêng thị trường Mỹ chiếm 8,7 tỷ USD, tăng hơn 22% so với năm 2021. Tiếp theo là thị trường châu Á, đạt 4,4 tỷ USD, tăng 16%. Đặc biệt là tốc độ tăng trưởng nhanh sang thị trường châu Mỹ đã góp phần thúc đẩy ngành chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam có kết quả ấn tượng.
Nỗ lực vượt mọi thách thức
Theo diễn biến ứng phó dịch bệnh COVID-19 của các quốc gia trên thế giới, các chuyên gia kinh tế dự báo kinh tế toàn cầu sẽ dần phục hồi, tăng trưởng trở lại trong năm 2022. Sức tiêu thụ hàng hóa của các quốc gia tăng lên, vốn FDI vào Việt Nam cũng ngày càng tăng, cộng với sự chủ động về công nghệ sản xuất và nguyên liệu gỗ đầu vào sẽ là động lực cho hoạt động chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam.
Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế cũng kéo theo nhiều yếu tố khác tác động lên ngành chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam.
Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định chia sẻ, trải qua thời gian ứng phó với dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ Bình Định nhận nhiều đơn hàng những cũng đối mặt với nhiều khó khăn như nguyên liệu gỗ, phụ kiện, dầu màu bị thiếu hụt và giá tăng đột biến, trong khi giá dăm gỗ và viên nén giảm mạnh.
Một khó khăn lớn nhất trong năm 2021 được dự báo có thể kéo dài đến hết quý 1/2022 là tình trạng thiếu tàu vận tải biển, thiếu container, giá cước phí vận tải đường biển tăng quá cao dẫn tới đứt gãy chuỗi cung ứng hoàng hóa đầu vào và đầu ra của các doanh nghiệp.
Nguyên liệu gỗ nhập khẩu từ các nước cung cấp chính đang gặp rất nhiều khó khăn, thiếu nguồn cung hoặc gián đoạn chuỗi cung, đẩy giá nguyên liệu tăng cao. Điều này ảnh hưởng nhiều đến việc nhận đơn hàng mùa mới. Các nhóm hàng vật tư, phụ kiện như ốc vít, pát, thanh trượt, hóa chất, bao bì vừa tăng giá vừa khan hiếm nguồn cung.
Do đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cùng cộng đồng các doanh nghiệp ngành chế bến, xuất khẩu gỗ xác định sẽ phối hợp với cơ quan chức năng nhằm giảm thiểu rủi ro trong nguồn cung nhập khẩu nguyên liệu gỗ, tránh gian lận thương mại. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng kiến nghị cơ quan chức năng thực hiện rà soát kỹ nguồn đầu tư FDI mang tính rủi ro cao cho cộng đồng doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam.
Thêm vào đó, với những thay đổi trong việc ứng dụng công nghệ vào chế biến, xuất khẩu gỗ, các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam trong thời gian tới cũng sẽ nhanh chóng thay đổi phương thức sản xuất, đóng gói, giao hàng cho khách hàng sao cho thuận lợi nhất, rút kinh nghiệm từ việc ứng phó dịch bệnh COVID-19 trong thời gian vừa qua.
Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết việc đóng hàng hóa cồng kềnh, tốn diện tích container, làm tăng cước phí vận chuyển... sẽ thay bằng hình thức đóng rời từng bộ phận để có thể linh hoạt ứng phó các tình huống giá cước vận chuyển tăng cao hoặc tình trạng thiếu container rỗng cho vận chuyển hàng hóa giao cho các nhà nhập khẩu quốc tế./.