Nghị định số 24/2024/NĐ-CP: Quy định về giá gói thầu và thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu

Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, trong đó quy định giá gói thầu và thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu.
quy-dinh-ve-gia-goi-thau-pld-1709389905.png

Giá gói thầu và thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu

1. Giá gói thầu được tính đúng, tính đủ toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu, kể cả chi phí dự phòng (chi phí dự phòng trượt giá, chi phí dự phòng phát sinh khối lượng), phí, lệ phí và thuế. Đối với gói thầu xây lắp áp dụng loại hợp đồng theo đơn giá cố định và đơn giá điều chỉnh, chi phí dự phòng bao gồm cả các khoản tạm tính (nếu có) và chỉ được sử dụng khi có phát sinh xảy ra. 

Đối với các gói thầu có thời gian thực hiện gói thầu ngắn, ít có khả năng phát sinh rủi ro, trượt giá thì chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá được tính bằng không. Chi phí dự phòng do chủ đầu tư xác định theo tính chất từng gói thầu nhưng không được vượt mức tối đa theo quy định của pháp luật (nếu có). 

Trường hợp pháp luật có quy định hàng hóa thuộc đối tượng được miễn thuế, miễn phí thì giá gói thầu không bao gồm các khoản thuế, phí được miễn. Giá gói thầu được cập nhật trong thời hạn 28 ngày trước ngày mở thầu nếu cần thiết. Trường hợp gói thầu gồm nhiều phần riêng biệt thì nêu rõ giá trị ước tính của từng phần.

2-Căn cứ xác định giá gói thầu

Giá gói thầu được lập căn cứ theo một trong các thông tin sau:

+ Dự toán gói thầu được duyệt (nếu có) trong trường hợp pháp luật có quy định về việc lập dự toán hoặc có hướng dẫn về định mức, đơn giá. Trường hợp chưa đủ điều kiện lập dự toán, giá gói thầu được xác định trên cơ sở các thông tin sau: giá trung bình theo thống kê của các dự án, gói thầu đã thực hiện trong khoảng thời gian xác định; tổng mức đầu tư hoặc ước tính tổng mức đầu tư theo suất vốn đầu tư, dự kiến giá trị dự toán mua sắm; định mức lương chuyên gia và số ngày công; các thông tin liên quan khác;

+ Nội dung và phạm vi công việc, số lượng chuyên gia, thời gian thực hiện, năng lực, kinh nghiệm của chuyên gia tư vấn, mức lương chuyên gia theo quy định của pháp luật (nếu có) và các yếu tố khác;

+ Kết quả lựa chọn nhà thầu đối với hàng hóa, dịch vụ tương tự trong thời gian tối đa 12 tháng trước ngày trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu, trong đó có thể điều chỉnh kết quả này theo các thay đổi về khối lượng mua sắm hoặc giá thị trường của hàng hóa hay dịch vụ cần mua sắm để xây dựng giá gói thầu. 

Giá thị trường tại thời điểm mua sắm có thể được xác định thông qua tham vấn thị trường quy định tại điểm b khoản 3 Điều 15 của Nghị định này. Trường hợp trong thời gian 12 tháng trước ngày trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu mà không có kết quả lựa chọn nhà thầu của hàng hóa, dịch vụ tương tự thì có thể xác định trên cơ sở kết quả lựa chọn nhà thầu của hàng hóa, dịch vụ tương tự của các năm trước đó, trong đó có thể điều chỉnh kết quả này theo các thay đổi về khối lượng mua sắm, giá thị trường của hàng hóa, dịch vụ cần mua sắm.

 Khi trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư đính kèm danh sách kết quả lựa chọn các hàng hóa, dịch vụ tương tự trích xuất từ Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (nếu có);

+ Tối thiểu 01 báo giá của hàng hóa, dịch vụ; khuyến khích thu thập nhiều hơn 01 báo giá; trường hợp có nhiều hơn 01 báo giá thì lấy giá trung bình của các báo giá.

Đối với gói thầu mua thuốc; hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế; linh kiện, phụ kiện, vật tư thay thế sử dụng cho thiết bị y tế: trên cơ sở yêu cầu chuyên môn, chủ đầu tư quyết định các tiêu chí kỹ thuật và tổ chức lấy báo giá. 

Chủ đầu tư đăng tải yêu cầu báo giá trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hoặc trên cổng thông tin điện tử hoặc Trang thông tin điện tử của chủ đầu tư hoặc Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế hoặc cổng dịch vụ công trực tuyến về quản lý thiết bị y tế trong thời gian tối thiểu 10 ngày kể từ ngày thông tin đăng tải thành công. 

Trường hợp có từ 02 báo giá trở lên, chủ đầu tư được lựa chọn báo giá cao nhất phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu chuyên môn. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm thu thập báo giá bảo đảm công khai, minh bạch. 

Đơn vị cung cấp báo giá chịu trách nhiệm cung cấp thông tin về giá của hàng hóa, dịch vụ phù hợp với khả năng cung cấp của mình và phải bảo đảm việc cung cấp báo giá không vi phạm quy định của pháp luật về cạnh tranh, bán phá giá hoặc nâng khống giá;

+ Kết quả thẩm định giá của hội đồng thẩm định giá hoặc của tổ chức có chức năng cung cấp dịch vụ thẩm định giá đối với các loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ phải thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá. Đối với các loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ phải thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá thì kết quả thẩm định giá là căn cứ bắt buộc để xác định giá gói thầu;

+ Giá niêm yết của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, đại lý, nhà phân phối, nhà cung ứng, doanh nghiệp;

+ Giá kê khai do cơ quan, đơn vị có chức năng, thẩm quyền công bố hoặc cung cấp.

3- Chủ đầu tư có thể xem xét các yếu tố đấu thầu bền vững theo quy định tại Điều 11 của Nghị định này, sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường khi xây dựng giá gói thầu. Trong trường hợp này, giá gói thầu bao gồm các chi phí cần thiết để thực hiện các yêu cầu về đấu thầu bền vững.

4- Đối với việc lựa chọn nhà thầu thuộc dự toán mua sắm, chủ đầu tư phải nêu các nội dung sau trong văn bản trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu:

a) Dự toán ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo niên độ ngân sách hoặc dự kiến dự toán ngân sách được cấp đối với trường hợp mua sắm cho năm tiếp theo hoặc mua sắm cho nhiều năm; dự kiến nguồn tài chính hợp pháp trong năm tài chính hoặc dự kiến nguồn tài chính hợp pháp cho các năm kế tiếp đối với trường hợp mua sắm cho năm tiếp theo hoặc mua sắm cho nhiều năm;

b) Giá trị phần công việc mua sắm đã thực hiện trong năm tài chính, năm ngân sách;

c) Phần kinh phí không dùng để mua sắm;

d) Dự toán mua sắm, được xác định bằng kinh phí quy định tại điểm a khoản này trừ kinh phí quy định tại điểm b và điểm c khoản này. Chủ đầu tư không phải thẩm định, phê duyệt dự toán mua sắm.

Trường hợp chủ đầu tư có sẵn kinh phí để mua sắm trong năm ngân sách, năm tài chính và không dùng nguồn thu dự kiến trong năm thì không phải xác định dự toán mua sắm theo quy định tại khoản này. Trong trường hợp này, dự toán mua sắm là khoản kinh phí có sẵn dùng để mua sắm trong năm ngân sách, năm tài chính.

Trường hợp gói thầu có thời gian thực hiện hợp đồng dài hơn 01 năm hoặc ngày hợp đồng có hiệu lực và ngày hoàn thành các nghĩa vụ hợp đồng không cùng một năm tài chính thì nêu rõ dự toán mua sắm của năm ngân sách, năm tài chính và dự kiến dự toán mua sắm của các năm tiếp theo. Người có thẩm quyền, chủ đầu tư chịu trách nhiệm bảo đảm bố trí đầy đủ kinh phí để thanh toán hợp đồng trong từng năm. Việc thanh toán theo từng năm được thực hiện sau khi dự toán chi trong năm được phê duyệt.

5. Đối với dự toán mua sắm, chủ đầu tư được tổ chức lựa chọn nhà thầu trong năm này để mua sắm cho các năm tiếp theo nhằm bảo đảm việc cung ứng hàng hóa, dịch vụ, xây lắp không bị gián đoạn; văn bản trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải dự kiến dự toán mua sắm cho các năm sau làm cơ sở lập giá gói thầu.

6. Căn cứ quy mô, tính chất, tiến độ của dự án, gói thầu, người có thẩm quyền quyết định thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với mỗi gói thầu là số ngày tính từ ngày phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đến khi có kết quả lựa chọn nhà thầu, bao gồm cả thời gian thẩm định. Trường hợp gói thầu có áp dụng thủ tục lựa chọn danh sách ngắn thì thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu tính từ ngày phát hành hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời quan tâm đến khi có kết quả lựa chọn nhà thầu. Trường hợp cần thiết, có thể ghi rõ thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, thời gian thẩm định.