Nghị quyết 68 của Chính phủ: Mở rộng phạm vi, hình thức và đối tượng được hỗ trợ

Thùy Linh

27/07/2021 08:51

Theo dõi trên

Đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến sản xuất và thị trường lao động nước ta. Hàng trăm ngàn lao động bị mất việc làm, hàng triệu lao động phải tạm nghỉ và giảm thu nhập. Trước tình thế đó, Nghị quyết 68/NQ-CP đã được Chính phủ ban hành kịp thời, góp phần hạn chế những tác động tiêu cực của đại dịch, phục hồi sản xuất kinh doanh, duy trì mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế của Chính phủ.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Việt Nam đã phải đương đầu với đợt dịch COVID-19 lần thứ 3 và lần thứ 4 diễn ra liên tiếp. Đặc biệt, đợt dịch lần thứ 4 bùng phát từ cuối tháng 4/2021 đã và đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống không chỉ của các doanh nghiệp mà còn của cả người dân.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê về tình hình lao động việc làm trong quý 2 và 6 tháng đầu năm 2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch, so với quý 1, dịch bệnh đã làm tăng thêm 3 triệu lao động rơi vào tình trạng này. Cũng chỉ tính riêng trong 5 tháng đầu năm đã có gần 60.000 doanh nghiệp trên cả nước phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động, hoặc giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020.

Trước tình thế đó, ngày 1/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Khoản trợ cấp 26.000 tỷ đồng được Chính phủ xác định nhằm hỗ trợ cho người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động.

Anh 1
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại cuộc họp báo công bố Quyết định 68 của Thủ tướng Chính phủ)

So với gói hỗ trợ lần 1 (năm 2020), gói hỗ trợ lần này theo Nghị quyết 68 được mở rộng cả phạm vi, hình thức và đối tượng hỗ trợ.

Theo đó, 12 chính sách hỗ trợ gồm: Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng; hỗ trợ bổ sung và trẻ em; hỗ trợ tiền ăn đối với người phải điều trị nhiễm COVID-19; hỗ trợ một lần đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV, hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề bị ảnh hưởng bởi đại dịch; hỗ trợ hộ kinh doanh; cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất;  hỗ trợ đối với lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác.

Việc mở rộng phạm vi, đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 không chỉ thể hiện sự bám sát thực tiễn để đưa ra gói hỗ trợ đồng bộ của Chính phủ, mà còn thể hiện tính nhân văn của chính sách, minh chứng cho quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước là “Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào.

Chính phủ đã ban hành chính sách cho vay trả lương ngừng việc và cho vay trả lương phục hồi sản xuất. Đây là biện pháp góp phần giúp doanh nghiệp được vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi để trả lương cho người phải ngừng việc và hỗ trợ vốn tín dụng khi quay lại sản xuất kinh doanh.

Anh 2
Các địa phương cần khẩn trương triển khai kế hoạch cụ thể để gói hỗ trợ tới tay người lao động trong thời gian sớm nhất)

Nghị quyết 68 cũng đưa ra chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động với mức hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng/ người lao động/ tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng.

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ cụ thể, Nghị quyết 68 đã quy định rõ các nguyên tắc trong quá trình thực hiện, đó là: Bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; xây dựng các tiêu chí, điều kiện thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận chính sách; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện; phân cấp trách nhiệm hỗ trợ giữa ngân sách nhà nước Trung ương và ngân sách nhà nước địa phương (tỉnh, thành phố).

Tại cuộc họp báo công bố Quyết định 68 của Thủ tướng Chính phủ ngày 7/7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chia sẻ: “Hiện nay, người dân đang rất mong chờ, ngóng từng ngày gói hỗ trợ này. Vì vậy, cơ quan nào chậm triển khai hỗ trợ là có lỗi với dân, địa phương nào để tiêu cực, dẫn đến trục lợi là có tội với dân”, do đó “việc triển khai càng nhanh giờ nào càng tốt giờ đó”.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, điểm mới căn bản của các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 là tập trung vào 2 đối tượng chính là người lao động và người sử dụng lao động. Cụ thể, hỗ trợ tập trung vào những lao động trực tiếp bị ảnh hưởng sâu của dịch, nhất là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất và ở doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và những người lao động phải điều trị, cách ly trong đợt dịch lần thứ 4 này. Trong đó, hỗ trợ trẻ em và người đang điều trị COVID-19, cách ly y tế, là một trong những chính sách rất mới của lần này.

Một điểm mới nổi bật nữa là thủ tục đơn giản hơn rất nhiều, có thể nói là thông thoáng hết mức có thể. Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng trước đây có những tiêu chí chặt chẽ, nhiều thủ tục, thời gian xem xét có khi kéo dài cả tháng. Nhưng với chính sách hỗ trợ mới, chỉ còn 4 ngày xét thủ tục và thêm 3 ngày để giải ngân, tức là tối đa 7 ngày là tiền hỗ trợ sẽ đến tay người dân.

Trong 12 chính sách trong gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68, có 7 nội dung liên quan đến hỗ trợ trực tiếp tiền mặt cho các đối tượng là lao động ngừng việc, mất việc, F0, F1, trẻ em, viên chức hoạt động nghệ thuật, hướng dẫn viên du lịch và hộ kinh doanh.

Đặc biệt, trong các đối tượng được nhận gói hỗ trợ thì những người nghèo mà phần lớn là người lao động tự do, là đối tượng yếu thế dễ bị tổn thương nhất, nhưng lại khó tiếp cận kịp thời và đầy đủ gói cứu trợ (do họ luôn di chuyển ở các địa phương). Chính vì vậy các địa phương cần phải có những kế hoạch kịp thời, chủ động, sát sao với thực tế để đưa ra những bước triển khai cụ thể, từ đó gói hỗ trợ mới có thể đến tay người lao động sớm nhất.

Bạn đang đọc bài viết "Nghị quyết 68 của Chính phủ: Mở rộng phạm vi, hình thức và đối tượng được hỗ trợ" tại chuyên mục Pháp luật. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com