Nghịch lý thừa điện mặt trời: Cần bỏ tư duy “thừa điện không đáng lo”

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhấn mạnh, điện không phải hàng hóa thông thường, do vậy không thể tư duy theo kiểu "chỉ sợ thiếu điện, thừa không lo".
Chiều ngày 15/6, tại Hà Nội, Báo điện tử VTC News đã tổ chức tọa đàm với chủ đề “Nghịch lý thừa điện mặt trời: Giải pháp nào đảm bảo quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp?” Tọa đàm có sự tham gia của ông Phạm Nguyên Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), TS Vũ Đình Ánh - Chuyên gia kinh tế và ông Lê Ngọc Hồ - Phó Giám đốc Ban Đầu tư Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn.

Còn lúng túng trong phát triển điện mặt trời

Ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, tính đến hết năm 2020, tổng công suất nguồn điện cả nước hiện khoảng 69.300 MW; trong đó, năng lượng tái tạo là 17.400 MW, chiếm 25,3% công suất trong hệ thống điện Việt Nam.

Hết năm 2020, cả nước có 148 hệ thống điện mặt trời quy mô lớn với hơn 8.000 MW công suất, trên 104.000 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất hơn 7.000 MW. Điện gió hơn 500 MW. Bên cạnh đó, còn nhiều dự án đang được gấp rút triển khai.

Anh 2
Ông Phạm Nguyên Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương).)

Ông Hùng khẳng định, trong bối cảnh tiềm năng thủy điện lớn đã cơ bản khai thác hết, nhiệt điện than khó thu xếp vốn quốc tế do cam kết chống biến đổi khí hậu toàn cầu, nhiệt điện khí giá cao và phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu thế giới, sự phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ và thị trường làm điện gió, điện mặt trời ngày càng cạnh tranh hơn với các nguồn điện truyền thống.

Tuy nhiên, sự phát triển ồ ạt các nhà máy điện mặt trời công suất lớn thời gian gần đây đã khiến nguồn cung dư thừa, phải cắt giảm sản lượng. Việc cắt giảm luân phiên buộc những doanh nghiệp đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào năng lượng tái tạo gặp nhiều khó khăn khi giải bài toán về doanh thu và lợi nhuận.

Theo ông Hùng phát triển năng lượng tái tạo là xu thế tất yếu để giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường... Tuy nhiên, do sự phát triển quá nóng của điện mặt trời thời gian qua đã dẫn đến tình trạng quá tải, phải giảm phát công suất.

Các nguồn điện năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió có đặc điểm chung đều là các nguồn năng lượng không liên tục, khả năng điều chỉnh rất hạn chế, khả năng lưu trữ không lớn do chi phí cao. Trong khi đó, việc đầu tư điện mặt trời lại diễn ra rất nhanh chóng trong khi lưới điện truyền tải, phân phối chưa kịp bổ sung.

Bên cạnh đó, đa số các dự án điện mặt trời lại tập trung chủ yếu tại một số khu vực có tiềm năng lớn như miền Nam, Nam Trung Bộ. Do đó khi lưới điện tại các khu vực này bị quá tải, dẫn đến tình trạng phải cắt giảm nguồn điện trong một số thời điểm khi điện mặt trời phát cao. Ngoài ra, tại một số thời điểm như ngày nghỉ cuối tuần, Tết, ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, khiến phụ tải giảm thấp hơn kế hoạch, dẫn đến tình trạng quá tải một số nguồn điện.

Chính bởi những lí do này, các nhà máy điện năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) đã phải điều chỉnh giảm công suất phát để đảm bảo vận hành an toàn lưới điện và an ninh hệ thống điện, nhất là trong giai đoạn 3 tháng cuối năm 2020.

Không thể tư duy “thừa điện không đáng lo”

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, Chuyên gia kinh tế TS Vũ Đình Ánh nhấn mạnh, điện không phải hàng hóa thông thường, do vậy không thể tư duy theo kiểu "chỉ sợ thiếu điện, thừa không lo".

Điện có tính hệ thống rất cao với yêu cầu cân đối giữa sản xuất và tiêu thụ. Chính vì vậy, phát triển điện mặt trời nói riêng, điện nói chung phải tuân thủ nguyên tắc cân đối nghiêm ngặt, cả về quy hoạch, dự phòng và điều độ theo sự biến thiên của cả phía cung và phía cầu.

Cũng theo ông Ánh, mặc dù Việt Nam có nhiều giờ nắng, nhưng thực tế các dự án năng lượng mặt trời lớn tập trung ở phía Nam Trung Bộ nên quy hoạch không chỉ thời gian, mà còn là vấn đề không gian, địa điểm...

Ông Ánh nhận định: “Điện mặt trời bùng nổ nhưng truyền tải điện không theo kịp. Để đầu tư đường dây 220KV phải mất 2-3 năm, còn đường dây 500KV phải mất 5 năm nên với 6 tháng cho dự án điện mặt trời mà lại phân bổ tập trung thì sẽ tạo ra thế khó”.

Anh 3
TS Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế chia sẻ tại buổi tọa đàm.)

Mặt khác phụ thuộc vào thời gian phát sáng của mặt trời, nên nếu vào ban đêm và hay trời mây mù, phải có hệ thống bù đắp đi theo, hệ thống này chiếm khoảng 1/4 công suất. Ngành điện có đề xuất pin tích trữ năng lượng mặt trời để đảm bảo phát ổn định, nên lại thêm quy hoạch về biến động thời gian. Rõ ràng có thể thấy sự lúng túng, bị động trong phát triển năng lượng mặt trời. Đây là xu hướng tất yếu nhưng khi triển khai khá nhiều vấn đề bộc lộ, cần xử lý trong thời gian tới.

Đại diện cho tiếng nói của doanh nghiệp, ông Lê Ngọc Hồ - Phó Giám đốc Ban Đầu tư Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn chia sẻ, tình trạng dư thừa nguồn điện mặt trời dẫn tới thiệt hại to lớn cho các doanh nghiệp.

Nguồn vốn để triển khai dự án của công ty chủ yếu đều vay vốn từ ngân hàng, trong khi đó việc bán điện "phập phù" như hiện tại gây khó khăn cho việc vận hành nhà máy cũng như phải trả lãi và gốc cho ngân hàng.

Ngoài ra, việc cắt giảm công suất điện liên tục cũng ảnh hưởng lớn đến doanh thu và tốc độ thu hồi vốn, khiến nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn trong việc chi trả tiền gốc, lãi vay cho ngân hàng. Có công ty thậm chí phải lấy tiền từ các dự án khác bù vào để trả cho ngân hàng. Điều này làm đảo lộn toàn bộ kế hoạch về nguồn vốn và các dự án tiếp theo của công ty.

"Tình trạng cắt giảm công suất của các nhà máy điện mặt trời đang diễn ra thường xuyên, liên tục. Có nhà máy chưa từng có một ngày được hoạt động đúng công suất, ngay từ khi bắt đầu vận hành đã bắt buộc phải cắt giảm, một số đến 50% - 60%", ông Hồ cho biết.

Cũng theo ông Hồ, hiện nay vì sự an toàn chung của hệ thống truyền tải điện, các doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận việc bị cắt giảm, nhưng tình hình như hiện tại thì rất khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp. Việc cắt giảm không chỉ ảnh hưởng đến công ty mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của rất nhiều người lao động công ty.

"Bạn có thể tưởng tượng được không, có doanh nghiệp phải giảm phát, có ngày đến 50% công suất, thiệt hại từ 200 - 250 triệu đồng. Nếu tình hình cứ kéo dài, doanh nghiệp chắc chắn sẽ phá sản", ông Hồ chia sẻ.

Trước những chia sẻ về khó khăn mà các doanh nghiệp đầu tư dự án điện mặt trời đang gặp phải, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết Bộ đang lấy ý kiến hoàn thiện cơ chế cho doanh nghiệp trực tiếp bán điện.

Anh 1
“Nghịch lý thừa điện mặt trời: Giải pháp nào đảm bảo quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp?”)

Cụ thể, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu ban hành các chính sách thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo phù hợp với từng thời kỳ phát triển kinh tế xã hội, phù hợp với sự phát triển của thị trường điện, phù hợp với từng loại hình công nghệ năng lượng tái tạo như cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), cơ chế chứng chỉ năng lượng tái tạo (REC). Bên cạnh đó, thúc đẩy phát triển các hệ thống năng lượng tái tạo phân tán phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại chỗ như các hộ tiêu thụ như các khu công nghiệp, hộ tiêu thụ thương mại, dịch vụ, nhà dân... lắp đặt điện mặt trời mái nhà để cung cấp cho chính nhu cầu của mình kết hợp với điện mua từ lưới điện.

Đồng thời tăng cường đầu tư nâng cấp, mở rộng hạ tầng truyền tải kết hợp với các hệ thống lưu trữ (như thủy điện tích năng, hệ thống ắc quy BESS...) và tăng cường khả năng điều độ vận hành hệ thống điện, tăng cường kết nối lưới điện khu vực. Điều này sẽ giúp nâng cao khả năng hấp thụ nguồn điện năng lượng tái tạo, đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả hệ thống điện.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, nhận xét: "Tôi đánh giá cao đề xuất này. Về chính sách, cơ chế, cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp điện được bán cho các hộ gia đình nhu cầu sử dụng điện lớn, kèm theo biện pháp quản lý, giá điện trực tiếp giữa người mua - bán điện. Qua đó, chúng ta sẽ có được những kinh nghiệm rất tốt để phát triển thị trường điện trong thời gian tới, cùng với cả thị trường điện truyền thống".