Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn, tạm giữ rất nhiều phương tiện của người vi phạm. Sau đó, không ít trong số những người vi phạm đã bỏ lại xe vì giá trị của chiếc xe không bằng mức phạt phải nộp.
Vậy, việc bỏ lại xe khi bị CSGT tạm giữ sẽ ảnh hưởng như thế nào trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính sau này? Người vi phạm giao thông không nộp phạt, bỏ lại xe của mình sẽ bị xử lý như thế nào?
Bộ Công an cho biết, về trách nhiệm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người vi phạm, Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, kể từ ngày ra quyết định. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu nói trên được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.
Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020) cũng quy định: Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt.
Về xử lý phương tiện hết thời hạn tạm giữ mà người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận mà không có lý do chính đáng, tại Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định:
Trường hợp xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho họ 02 lần.
Lần thông báo thứ nhất phải được thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện.
Lần thông báo thứ hai được thực hiện trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo thứ nhất.
Hết thời hạn 01 tháng, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Quá tải các bãi trông giữ xe vi phạm giao thông
Theo thống kê, hiện cả nước có hàng triệu phương tiện giao thông bị tạm giữ tại các cơ sở trông giữ xe của cơ quan chức năng, chờ xử lý. Điều này đã dẫn đến sự quá tải nghiêm trọng tại nhiều bãi giữ xe, gây nguy cơ cháy nổ, nhất là tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng...
Nguyên nhân dẫn đến quá tải tại các bãi giữ xe vi phạm là do nhiều chủ phương tiện không đến cơ quan công an để giải quyết vi phạm, thậm chí bỏ luôn xe, trong đó chủ yếu là các xe không có hoặc bị mất giấy tờ đăng ký, xe dùng biển số giả, xe nhập lậu được mua trôi nổi trên thị trường. Không ít trường hợp vi phạm từ chối nhận xe vì thủ tục mất thời gian, giá trị thực của phương tiện thấp hơn mức xử phạt.
Nhiều ý kiến cho rằng, đối với những xe cũ nát, không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến giải quyết thủ tục để nhận lại xe thì các cơ quan chức năng có thể tiêu hủy phương tiện.
Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) đã có quy định cụ thể về xử lý xe vi phạm trong đó cho phép tiêu hủy phương tiện hoặc bán đấu giá.
Tuy nhiên, việc thực hiện các thủ tục để bán đấu giá xe vi phạm mất nhiều thời gian. Với một xe bị tịch thu, quy trình xử lý để thanh lý được phương tiện từ khi người vi phạm bỏ xe phải tuân thủ thời hiệu xử lý vi phạm hành chính là 12 tháng.
Ngoài ra, quy trình này phải trải qua các bước xác minh, thông báo, tịch thu, thẩm định giá, bán đấu giá mất khoảng 2 năm. Bên cạnh đó, không có quy định thu lệ phí trông giữ xe tạm giữ nên không có nguồn kinh phí tái đầu tư, cải tạo, sửa chữa kho bãi dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, vận hành, sửa chữa các bãi xe vi phạm để bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy.