Việt Nam được biết đến là một đất nước nổi tiếng về các địa danh thiên nhiên, phong cảnh kỳ vĩ cùng những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp. Cảnh quan đa dạng cùng vô số khung cảnh đẹp mắt đã thu hút hàng triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới, trong đó, một số thắng cảnh nổi tiếng và hấp dẫn mà du khách không thể bỏ qua khi đến Việt Nam, hãng thông tấn Nga Sputnik cho biết.
Nói về nguyên nhân hạn chế du khách Nga vào Việt Nam, Anatoly Zubenko, Giám đốc phát triển của ITM Group cho biết: “Hiện nay, hạn chế chính là thiếu các đường bay thẳng. Do đó, chi phí đi lại cao và khối lượng vận chuyển hạn chế đã cản trở sự tăng trưởng của dòng khách du lịch đến Việt Nam. Ví dụ, vé đi du lịch dịp Năm Mới của Qatar Airways tuyến Moskva – Thành phố Hồ Chí Minh – Moskva nối chuyến qua Doha có giá khoảng 130.000 ruble (1.351 USD)”.
Chi phí cho chuyến đi 10 đêm tới Phan Thiết, ở khách sạn 4 sao vào tháng 11/2023 sẽ có giá từ 194.000 ruble cho hai người, bay qua Trung Quốc và dừng một chặng. Các chuyến tham quan kết hợp trên các chuyến bay của Emirates với kỳ nghỉ ở bãi biển của các khu nghỉ dưỡng Phú Quốc, Nha Trang hoặc Phan Thiết, cũng như thăm hai thành phố lớn nhất Việt Nam – Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, có giá 2.000 – 3.000 USD mỗi người, tùy theo chương trình. Theo ông Zubenko, lượng vé bán ra vẫn tăng nhẹ so với năm ngoái nhưng mức tăng không quá 15 – 20%.
“Chúng tôi đang chờ tin vui từ Việt Nam về việc nối lại các đường bay thẳng. Để tôi nhắc bạn rằng trước COVID-19, Aeroflot và Vietnam Airlines đã bay đến đó. Và chúng ta không chỉ nói về những khu nghỉ dưỡng suối Nha Trang hay Phan Thiết, đó còn là vịnh Hạ Long đẹp độc đáo, ruộng bậc thang của khu nghỉ dưỡng trên núi ở Sa Pa và thiên nhiên duyên dáng của Ninh Bình. Tất cả những địa điểm độc đáo này đều nhận được ít khách du lịch có tổ chức hơn từ Nga chính xác là do không có giá vận chuyển và hậu cần hợp lý”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Bà Maria Novikova, Phó Tổng Giám đốc Startour lưu ý, hiện nay chi phí đi du lịch Việt Nam gần như ngang bằng với Nhật Bản hay Hàn Quốc. Giá tăng từ gấp rưỡi đến hai lần so với thời kỳ trước đại dịch.
Cần lưu ý rằng đường bay thẳng đã được thiết lập giữa Việt Nam với thành phố Irkutsk của LB Nga. Tuy nhiên, tuyến này chỉ bay bằng máy bay có thể chở 85 người/chuyến và chưa có các chuyến bay thẳng từ thủ đô Moskva đến Việt Nam.
Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, giữ chân khách quốc tế
Bên cạnh yếu tố tác động từ bên ngoài, du lịch Việt Nam cũng có điểm thu hút du khách quốc tế trong đó có du khách Nga khi áp dụng chính sách visa mới. Tuy nhiên, bài toán giữ chân du khách vẫn luôn là thử thách với toàn ngành Du lịch Việt Nam.
Ngoài chính sách visa thông thoáng, các chuyên gia cũng cho rằng, để tăng chi tiêu cũng như cũng như trở thành “điểm đến nhiều lần” của khách du lịch quốc tế, cần sự chung tay của các đơn vị, từ lưu trú đến lữ hành để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.
Vì thời gian lưu trú dài hơn, chuyên gia cho rằng các đại lý du lịch phải bắt kịp xu hướng, thiết kế thêm các loại sản phẩm du lịch tăng trải nghiệm theo yêu cầu của du khách, tăng mức chi tiêu cho khoảng thời gian ở đây.
Ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: “Chúng ta có sản phẩm tốt hay không, dịch vụ có chuẩn hay không, chúng ta có hấp dẫn với họ không, kéo dài ngày họ ở lại không, hay là mình cứ mời người ta 100 ngày chỉ có 5 – 6 ngày người ta muốn về rồi thì sao, cho nên phụ thuộc vào chất lượng dịch vụ hoạt động du lịch của chúng ta”.
Song song với việc nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành kế hoạch chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 và Đề án phát triển một số mô hình du lịch đêm, nhằm quảng bá và định hướng cho các địa phương, doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách quốc tế, sớm phục hồi thị trường du khách Nga đầy tiềm năng.