Nhà nước nắm từ 65% vốn điều lệ trở lên tại Vietcombank, BIDV, VietinBank đến năm 2025

PV
Theo Quyết định mới ban hành, Nhà nước tiếp tục nắm giữ 65% vốn điều lệ những doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi sở hữu, thoái vốn, hoạt động trong 7 lĩnh vực, trong đó có ngân hàng.
 
 

Theo Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngân hàng nằm trong nhóm các doanh nghiệp mà Nhà nước sẽ nắm từ 65% vốn điều lệ trở lên theo tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025.

Trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Quyết định này quy định tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025 làm cơ sở rà soát kế hoạch duy trì công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; chuyển đổi sở hữu (bao gồm hình thức cổ phần hóa, bán toàn bộ doanh nghiệp, chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên); sắp xếp lại (bao gồm hình thức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản); thoái vốn đối với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước giai đoạn 2021-2025.

ngan hang 2
Nếu Nhà nước tiếp tục duy trì sở hữu từ 65% trở lên tại các ngân hàng này đến năm 2025, Vietcombank và BIDV vẫn còn dư địa để chào bán cho nhà đầu tư chiến lược)

Đáng chú ý, trong lĩnh vực ngân hàng, hiện Nhà nước đang sở hữu 64,46% tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank), 74,8% tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại Thương (Vietcombank) và 81% tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển (BIDV) và 100% Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank).

Như vậy, nếu Nhà nước tiếp tục duy trì sở hữu từ 65% trở lên tại các ngân hàng này đến năm 2025, Vietcombank và BIDV vẫn còn dư địa để chào bán cho nhà đầu tư chiến lược, trong khi với VietinBank là không thể.

Quyết định cũng nêu rõ, trong chức năng, nhiệm vụ được phân công, các Bộ có trách nhiệm chủ động sửa đổi hoặc đề xuất với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi các quy định có liên quan nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Quyết định này.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp, có ý kiến, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 trong quý 3/2021 trên cơ sở đề nghị của cơ quan đại diện chủ sở hữu và ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp và Bộ quản lý ngành.

Một số lĩnh vực cụ thể của Quyết định như sau:
Theo Quyết định này, những doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoạt động trong 13 ngành, lĩnh vực gồm:
1. Đo đạc bản đồ phục vụ quốc phòng, an ninh.
2. Sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp và cung ứng dịch vụ nổ mìn có phạm vi hoạt động trên toàn lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
3. Truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia và quản lý lưới điện phân phối, xây dựng và vận hành các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật về điện lực.
4. Quản lý, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị do Nhà nước đầu tư; điều hành giao thông vận tải đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị do Nhà nước đầu tư.
5. Dịch vụ không lưu, dịch vụ thông báo tin tức hàng không, dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn.
6. Bảo đảm hàng hải (không bao gồm nạo vét, duy tu luồng hàng hải công cộng).
7. Bưu chính công ích và hoạt động duy trì, quản lý mạng bưu chính công cộng.
8. Kinh doanh xổ số.
9. Xuất bản (không bao gồm lĩnh vực in và phát hành xuất bản phẩm); sản xuất phim khoa học, thời sự phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền, thông tin đối ngoại và nhiệm vụ an ninh tư tưởng, văn hóa.
10. In, đúc tiền, sản xuất vàng miếng và các vật phẩm lưu niệm bằng vàng.
11. Quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi, thủy nông liên tỉnh, liên huyện.
12. Tín dụng chính sách phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo hiểm tiền gửi và mua bán, xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng.
13. Ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế; tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí.
Những doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi sở hữu, thoái vốn, Nhà nước nắm giữ 65% vốn điều lệ trở lên thuộc ngành, lĩnh vực khác gồm:
1. Quản lý khai thác các cảng hàng không, sân bay; dịch vụ khai thác khu bay.
2. Dịch vụ thông tin dẫn đường, giám sát, dịch vụ khí tượng hàng không.
3. Quản lý, khai thác các bến cảng tại cảng biển đặc biệt theo quy định về phân loại cảng biển Việt Nam.
4. Khai thác khoáng sản quy mô lớn theo quy định hiện hành về phân loại quy mô mỏ khoáng.
5. Sản xuất phim hoạt hình phục vụ thiếu nhi do Nhà nước đặt hàng hoặc tài trợ.
6. Tài chính, ngân hàng (không bao gồm bảo hiểm, chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính).
7. Bán buôn lương thực có vai trò đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, bình ổn thị trường và thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Những DN thực hiện chuyển đổi sở hữu, thoái vốn, Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ, hoạt động trong 7 ngành, lĩnh vực:
1. Khai thác, sản xuất, cung cấp nước sạch và thoát nước đô thị, nông thôn.
2. Sản xuất hóa chất cơ bản.
3. Vận chuyển hàng không.
4. Đầu mối nhập khẩu xăng dầu chiếm thị phần từ 30% trở lên, có vai trò đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, bình ổn thị trường.
5. Sản xuất thuốc lá điếu.
6. Cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng có tầm quan trọng đặc biệt đối với hoạt động của toàn bộ cơ sở hạ tầng viễn thông quốc gia và ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
7. Những doanh nghiệp đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho phát triển sản xuất và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc ở miền núi, vùng sâu, vùng xa.