“Nhiều doanh nghiệp phản ánh lãi suất rẻ nữa cũng không vay”

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, nhiều doanh nghiệp phản ánh lãi suất rẻ nữa cũng không vay vì vay không để làm gì…

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, khó khăn kép khó khăn nền kinh tế thế giới tác động và nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, nên những khó khăn của nền kinh tế tác động tình hình chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, xuất nhập khẩu khó khăn, đơn hàng sụt giảm, các nước gặp nhiều khó khăn, nguyên vật liệu khó khăn, tồn kho nhiều, nhiều doanh nghiệp đối mặt khó khăn, sản xuất cầm chừng, …Những điều đó là khó khăn lớn trong năm 2023.

ngan-hang-1-1697894407.jpg

Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên

“Đảng và Chính phủ có nhiều chủ trương giải pháp, chưa năm nào phải vật lộn với khó khăn như năm nay. Các bộ ngành, địa phương các tỉnh thành phố đang vất vả, tháo gỡ khó khăn. Trước hết phải bảo đảm sự ổn định cuộc sống người dân, không có sản xuất phải có tăng trưởng, có lợi nhuận, bảo đảm ngân sách, ổn định đời sống, xã hội.

Sự chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội quyết liệt vừa phải chống đỡ khó khăn giai đoạn trước và sự suy giảm kinh tế quốc tế. Sự vươn lên của bản thân các doanh nghiệp là đáng biểu dương. Các Tập đoàn lớn còn khó khăn, các doanh nghiệp năng lực tài chính không lớn nhưng đã có linh hoạt mềm dẻo chống chịu khó khăn, để nỗ lực phát triển”, ông Đào Minh Tú trao đổi tại hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên.

Ông Tú cho biết, thời gian tới, NHNN tiếp tục định hướng điều hành đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Các biến động tỷ giá thời gian qua vẫn luôn nằm trong biên độ điều hành của NHNN. Về lãi suất sẽ tiếp tục điều hành ổn định, có thể xem xét hạ lãi suất khi có điều kiện, đảm bảo kiểm soát lạm phát, đảm bảo nguồn vốn và thanh khoản cho các TCTD và nền kinh tế.

“Cần phải bảo đảm vốn cho nền kinh tế, thanh khoản các ngân hàng thương mại. Từ đầu năm dồi dào, ngân hàng thừa vốn, lượng vốn nằm ở các ngân hàng khá lớn, thanh khoản cho nền kinh tế nói chung là rất lớn.

Thời điểm này tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 7% trong khi năm 2022 là đạt 10%… Nhiều doanh nghiệp phản ánh lãi suất rẻ nữa cũng không vay vì vay không để làm gì. Hiện nay lãi suất thấp vậy nhưng có không ít doanh nghiệp chưa trả được nợ mà ngân hàng cố cho vay lúc đó sẽ bị xử lý sai phạm, gây hậu quả. Tiền gửi cũng là của doanh nghiệp, cá nhân gửi vào ngân hàng nên ngân hàng phải bảo toàn vốn – Phó Thống đốc Đào Minh Tú.

Trong thời gian tới là cơ chế buộc các ngân hàng phải cạnh tranh nhau. Các nước có hàng trăm ngân hàng lớn nhỏ gồm ngân hàng tư nhân, ngân hàng nước ngoài, các công ty tài chính cho vay tiêu dùng, không nhất thiết phụ thuộc một ngân hàng. Ngân hàng nào khó khăn hoàn toàn có thể chuyển ngân hàng khác NHNN nghiêm cấm ép khách hàng mua bảo hiểm để giải ngân vốn vay”, Phó Thống đốc cho biết thêm.

Thông tin tại hội nghị, bà Hà Thu Giang – Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế cho biết, đến cuối tháng 9/2023, tín dụng đối với nền kinh tế đạt trên 12,7 triệu tỷ đồng, tăng 6,92% so với cuối năm 2022, đạt mức tăng trưởng cao so với các tháng gần đây. Riêng khu vực Tây Nguyên, tính đến 30/9/2023, huy động vốn của các TCTD tại khu vực đạt 269.417 tỷ đồng, tăng gần 8%, tổng dư nợ tín dụng đạt 508.102 tỷ đồng, tăng 6,0% so với 31/12/2022, chiếm khoảng 4,01% tổng dư nợ nền kinh tế. Cơ cấu tín dụng chuyển dịch hỗ trợ đắc lực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, các động lực tăng trưởng của vùng.

Cũng tại hội nghị đại diện các doanh nghiệp, TCTD đã nêu các ý kiến thực tế về tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Tây Nguyên, các khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp, địa phương phải đối mặt trong giai đoạn vừa qua.

phuc-sinh-enternews-1697863761-1697894407.jpg

Đại diện các TCTD và các chi nhánh tại địa bàn của BIDV, Vietcombank, Agribank, HDBank… đã có những trao đổi, trực tiếp đối thoại, giải đáp và nêu các giải pháp cụ thể tháo gỡ những vướng mắc được nêu của doanh nghiệp; trong đó thúc đẩy các sản phẩm tín dụng đặc thù phù hợp nhu cầu doanh nghiệp, người dân như cho vay thu mua tiêu, cà phê… Ảnh: Lê Mỹ

Đại diện cho Công ty Xuất Khẩu Cà Phê Vĩnh Hiệp (Gia Lai), bà Trần Thị Lan Anh, cho biết cà phê là một trong 5 ngành mũi nhọn của ngành Nông nghiệp Việt Nam, chiếm khoảng 10% kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp. Ngành cà phê đóng góp trên dưới 30% GDP của các tỉnh Tây Nguyên, là nguồn sinh kế quan trọng của người dân khu vực này. Năm 2022 có hơn 200 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cà phê.

Dẫn thống kê niên vụ 2022 -2023 Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,7 triệu tấn cà phê với kim ngạch trên 4,2 tỷ USD, bà Lan Anh khẳng định doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay đang đóng vai trò quan trọng trong việc tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo cho những hộ nông dân ở vùng sâu vùng xa trên địa bàn Tây nguyên. Các doanh nghiệp tư nhân hiện đang phải hỗ trợ cho các hộ nông dân, hợp tác xã, … sản xuất cà phê trên địa bàn để họ có điều kiện phát triển sản xuất theo hướng bền vững. Đây là một hình thức hỗ trợ rất hiệu quả và thiết thực cho bà con nông dân, mà chỉ các doanh nghiệp tư nhân mới áp dụng và triển khai mô hình này.

“Tuy nhiên, hiện nay khối doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong vấn đề tiếp cận vốn vay của các ngân hàng. Các doanh nghiệp không có đủ nguồn vốn đảm bảo thu mua và điều tiết kế hoạch dẫn tới tình trạng bị ép giá do khối lượng lớn cà phê tập trung thu hoạch vào chính vụ được bán ra trong thời gian rất ngắn. Doanh nghiệp cần đảm bảo nguồn vốn để thu mua cà phê cho người nông dân để sản xuất và xuất khẩu cà phê ngay từ đầu niên vụ, điều tiết hoạt động kinh doanh cũng như hỗ trợ tốt cho người nông dân phát triển cà phê theo hướng bền vững”, bà nói.

Đại diện Công ty Cà phê Vĩnh Hiệp kiến nghị: Thứ nhất, đề nghị ngân hàng có chính sách cấp tín dụng theo từng nghành hàng, đặc biệt là nghành nông sản xuất khẩu trong đó có cà phê; Thứ hai, đề nghị cung cấp 1 gói tín dụng đặc thù riêng cho ngành cà phê, cho các doanh nghiệp đầu ngành và có tính bền vững về lãi suất, về room tín dụng, về chính sách tài sản đảm bảo (hàng hóa), để cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI; Thứ ba, đề nghị xem xét triển khai áp dụng các sản phẩm vay vốn, dựa vào phương án sản xuất kinh doanh gồm Hợp đồng, quyền phải thu, dòng tiền, hàng hoá, để doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay tín chấp tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động về vốn; Thứ tư, đề nghị xem xét cho vay dựa trên uy tín của doanh nghiệp+ uy tín người mua + bảo hiểm tiền phải thu; Thứ năm, đề nghị các tổ chức tín dụng, ưu tiên cấp hạn mức, mở rộng hạn mức, giải ngân cho các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu cà phê ngay từ thời điểm đầu vụ, từ tháng 10/2023 này…

BÀI LIÊN QUAN