“Nỗi sợ kéo dài” trong đấu thầu trang thiết bị y tế đã chấm dứt?

Các chuyên gia nhận định, những vướng mắc trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các bệnh viện công lập phần lớn đã được giải quyết trong Thông tư 14/2023/TT-BYT mà Bộ Y tế ban hành mới đây…
thong-tu-14-pld-1688810816.jpg
Thông tư 14 là văn bản quan trọng hướng dẫn các bệnh viện thực hiện mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế. Ảnh minh họa

Theo đó, Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 14/2023/TT-BYT (Thông tư 14) về trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua hàng hóa, vật tư, trang thiết bị y tế tại cơ sở y tế công lập theo hướng “cởi trói” cho các bệnh viện.

Theo thông tư 14, khi xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế, chủ đầu tư xác định giá gói thầu theo một trong các phương pháp: Thu thập báo giá do các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế cung cấp; khảo sát giá trúng thầu của hàng hóa, dịch vụ tương tự; kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, doanh nghiệp thẩm định giá.

Thông tư này cũng quy định phương pháp được sử dụng đầu tiên là phương pháp thu thập báo giá của các nhà cung cấp. Trường hợp chủ đầu tư sử dụng từ 2 phương pháp xác định giá gói thầu trở lên thì có thể được lựa chọn giá cao nhất, phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu chuyên môn. Như vậy, khắc phục được tình trạng các cơ sở y tế phải mua trang thiết bị rẻ nhất nhưng không đáp ứng yêu cầu chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh.

Khi xây dựng giá gói thầu, chủ đầu tư quyết định việc thành lập Hội đồng hoặc đề nghị Sở Y tế hỗ trợ thành lập Hội đồng để lựa chọn danh mục, yêu cầu về tính năng và yêu cầu kỹ thuật cơ bản trên cơ sở yêu cầu về chuyên môn để đăng tải yêu cầu báo giá trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hoặc trên Cổng thông tin điện tử… trong thời gian tối thiểu 10 ngày kể từ ngày thông tin đăng tải thành công, chủ đầu tư căn cứ số báo giá nhận được (kể cả trường hợp chỉ nhận được 1 hoặc 2 báo giá) và quyết định giá gói thầu.

Trường hợp trên thị trường Việt Nam chỉ có 1 hoặc 2 nhà cung cấp hoặc để bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền hoặc cần triển khai ngay chủ đầu tư được phép gửi trực tiếp yêu cầu báo giá đến nhà cung cấp.

Đối với phương pháp xây dựng giá gói thầu theo kết quả khảo sát giá trúng thầu của hàng hóa, dịch vụ tương tự đã được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia tối đa không quá 120 ngày tính từ ngày trình phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Đối với phương pháp xây dựng giá theo kết quả thẩm định giá: Chủ đầu tư thực hiện lựa chọn đơn vị thẩm định giá, được sử dụng kết quả do cơ quan thẩm định giá cung cấp để xây dựng giá gói thầu và không phải chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định giá do đơn vị thẩm định giá cung cấp.

ve-lau-dai-van-can-thong-tu-mang-tinh-ben-vung-giai-quyet-can-co-hon-pld-1688810816.jpg
Về lâu dài vẫn cần thông tư mang tính bền vững, giải quyết căn cơ hơn. Ảnh minh họa

Nhận định về hiệu quả của Thông tư mới được ban hành nói trên, PGS.TS Đào Xuân Cơ – Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Thông tư 14 là văn bản quan trọng hướng dẫn các bệnh viện thực hiện mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế. Mặc dù chỉ có hiệu lực trong 6 tháng (hết năm 2023 khi Luật Đấu thầu có hiệu lực) nhưng Thông tư có ý nghĩa rất lớn bởi việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế không dừng một ngày, nhất là với bệnh viện công lập.

Lý giải sâu hơn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai phân tích: Trước đây, việc mua sắm thiết bị y tế thực hiện theo thông tư của Bộ Tài chính, tuy nhiên, đây lại là hàng hóa rất đặc thù của ngành Y tế, không thể thực hiện đấu thầu, mua sắm như hàng hóa khác, do đó, các bệnh viện đều gặp nhiều vướng mắc.

Để tháo gỡ khó khăn này, trong tháng 3/2023, Nghị quyết 30 của Chính phủ ban hành đã gỡ rối về việc xây dựng gói thầu trang thiết bị. Mặc dù vậy, các gói thầu hàng hóa dịch vụ liên quan đến trang thiết bị như linh kiện, phụ kiện, dịch vụ bảo hành, bảo trì vẫn chưa được huớng dẫn. Nhiều cơ sở y tế có máy móc, thiết bị hỏng nằm “đắp chiếu” vì gặp khó khăn trong mua sắm linh kiện thay thế. Hơn lúc nào hết, Thông tư 14 đã giúp giải quyết các vấn đề tắc nghẽn này.

Dễ nhận thấy, Thông tư 14 đã tạo giải pháp giúp các bệnh viện thuận lợi hơn trong việc lấy báo giá để xây dựng giá gói thầu. Nếu chủ đầu tư sử dụng từ 2 phương pháp xác định giá gói thầu trở lên thì có thể được lựa chọn giá cao nhất, phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu chuyên môn. Do đó, không nhất thiết phải lấy đủ 3 bảng báo giá và cũng không cần phải lấy giá thấp nhất như trước đây.

PGS.TS Đào Xuân Cơ cho biết thêm, thực tế, có những loại thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế của có một hãng phân phối, có một hãng sản xuất hoặc chỉ có một loại hóa chất phù hợp với máy đặt tại cơ sở y tế. Nếu ngày trước không có đủ 3 báo giá để đấu thầu thì bệnh viện rơi vào trạng thái chỉ định thầu. Không những thế, trước đây, nếu bệnh viện phải tìm nơi bán giá thấp nhất để mua, không mua được vật tư thuốc tốt nhất để dùng cho người bệnh. Giờ với Thông tư 14, các cơ sở y tế có thể mua được vật tư, thiết bị y tế với giá cao nhất.

Đồng quan điểm, tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Tiến – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cho rằng, về lâu dài vẫn cần những giải pháp căn cơ hơn.

“Dù Thông tư 14 ra đời đã tháo gỡ những khó khăn trong mua sắm, đấu thầu cho các cơ sở y tế. Tuy nhiên hiện chỉ hết năm 2023. Vì vậy về lâu dài cần thông tư mang tính bền vững, giải quyết căn cơ hơn. Cùng với đó, nếu muốn hạn chế tính rủi ro trong đấu thầu thiết bị y tế, đòi hỏi Ban giám đốc bệnh viện có quy định chặt chẽ trong đấu thầu”, ông Tiến nói.