PVcomBank thực tế lỗ gần 500 tỷ đồng thay vì lãi hơn 70 tỷ đồng năm 2020?

Công ty kiểm toán AASC vừa đưa ra một loạt ý kiến ngoại trừ trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 của Ngân hàng PVcomBank. Trong báo cáo PVcomBank báo lãi 75,772 tỷ đồng, nhưng đáng chú ý trong Báo cáo kiểm toán độc lập lại cho thấy, ngân hàng này có thể đã bị lỗ hàng trăm tỷ đồng trong năm 2020?.
Trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 đã kiểm toán, Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) nhận một loạt ý kiến kiểm toán ngoại trừ. Năm qua, PVcomBank báo lãi trước thuế gần 76 tỷ đồng với tổng tài sản đến ngày 31/12/2020 đạt 181.394 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty kiểm toán AASC nêu ra loạt ý kiến ngoại trừ với PVcomBank về phân loại nợ, trích lập dự phòng, các khoản phải thu, tài sản đảm bảo để cấn trừ nợ...

Theo BCTC năm 2020 đã được kiểm toán, hoạt động chính của Ngân hàng sụt giảm, chỉ đem về gần 1,640 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, giảm 6% so với năm 2019. Trong khi đó, một số nguồn thu ngoài lãi tăng trưởng so với năm trước như thu từ dịch vụ (+27%), lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh (gấp 2.6 lần), lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư (+26%)... Dù chi phí dự phòng giảm nhẹ 1% so với năm trước (378 tỷ đồng), PVcomBank vẫn báo lãi trước thuế năm 2020 giảm 64%, chỉ còn gần 76 tỷ đồng.

PVcombank 1

Tại ngày 31/12/2020, tổng nợ xấu của Ngân hàng tăng 27% so với đầu năm, ghi nhận gần 2,627 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh nhất đến 45%, nợ có khả năng mất vốn tăng 26%. Kết quả kéo tỷ lệ nợ xấu trên dự nợ vay tăng mạnh từ 2.63% lên 3.12%.

PVcomBank chưa thực hiện phân loại nhóm nợ, trích lập dự phòng và thoái lãi dự thu đầy đủ đối với các khoản cho vay của khách hàng theo quy định hiện hành

Tại ngày 31/12/2020, ngoại trừ các khoản cho vay được giữ nguyên nhóm nợ theo Đề án tái cơ cấu Ngân hàng giai đoạn 2016-2020 (Đề án tái cơ cấu) và các khoản cho vay được giữ nguyên nhóm nợ, thu hồi nợ, trích lập dự phòng thoái thu lãi theo phương án cơ cấu lại của PVcomBank đến năm 2030 (Phương án cơ cấu lại), số dự phòng rủi ro cho vay và lãi thoái thu cần ghi nhận bổ sung tại ngày 31/12/2020 lần lượt là 821.49 tỷ đồng và 1,215 tỷ đồng.

Nếu Ngân hàng thực hiện theo đúng quy định thì trên Bảng cân đối kế toán hợp nhất tại ngày 31/12/2020, chỉ tiêu “Dự phòng rủi ro cho vay và ứng trước khách hàng” sẽ tăng lên 821.49 tỷ đồng, chỉ tiêu “Các khoản lãi, phí phải thu” và “Lợi nhuận chưa phân phối” sẽ giảm đi 1,215 tỷ đồng và 2,037 tỷ đồng, “Lợi nhuận trước thuế” sẽ giảm đi 541.189 tỷ đồng.

pvcombank 2
Kết quả kinh doanh năm 2020 của PVcomBank. Đvt: Tỷ đồng - Nguồn: BCTC kiểm toán 2020 của PVcomBank)

Ngân hàng chưa thực hiện phân loại nhóm nợ, trích lập dự phòng và thoái lãi dự thu đầy đủ đối với các khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết theo quy định

Tại ngày 31/12/2020, ngoại trừ các trái phiếu được giữ nguyên nhóm nợ theo Đề án tái cơ cấu và các trái phiếu giữ nguyên nhóm nợ, thu hồi nợ, trích lập dự phòng, thoái thu lãi theo Phương án cơ cấu lại, số dự phòng rủi ro chứng khoán kinh doanh, dự phòng rủi ro chứng khoán đầu tư và lãi thoái thu cần ghi nhận bổ sung tại ngày 31/12/2020 lần lượt là 25.76 tỷ đồng; 109.361 tỷ đồng và 27.213 tỷ đồng.

Nếu Ngân hàng thực hiện theo đúng quy định thì chỉ tiêu “Dự phòng rủi ro chứng khoán kinh doanh” và “Dự phòng rủi ro chứng khoán đầu tư” sẽ tăng lên lần lượt 25.76 tỷ đồng và 109.361 tỷ đồng. “Các khoản lãi, phí phải thu” và “Lợi nhuận chưa phân phối” sẽ giảm đi lần lượt 27.213 tỷ đồng 162.334 tỷ đồng, “Lợi nhuận trước thuế” sẽ tăng lên 64.541 tỷ đồng.

pvcombank 3
Chất lượng nợ vay của PVcomBank tại ngày 31/12/2020. Đvt; Tỷ đồng – Nguồn: BCTC kiểm toán 2020 của PVcomBank)

Ngân hàng chưa thực hiện trích lập dự phòng rủi ro cho các tài sản có nội bảng khác đầy đủ theo quy định. Ngoại trừ các khoản phải thu, tài sản có được xử lý theo Đề án tái cơ cấu và các khoản phải thu, tài sản có được thu hồi, trích lập dự phòng, thoái thu lãi theo Phương án cơ cấu lại, số dự phòng rủi ro cho các tài sản có nội bảng khác cần trích lập tại ngày 31/12/2020 là 253.924 tỷ đồng. Nếu Ngân hàng thực hiện theo đúng quy định thì chỉ tiêu "các khoản dự phòng rủi ro cho các tài sản Có nội bảng khác” sẽ tăng lên và “Lợi nhuận chưa phân phối” sẽ giảm đi cùng số tiền là 253.924 tỷ đồng. ‘Lợi nhuận trước thuế” sẽ giảm đi 130.262 tỷ đồng.

Trong năm 2017, Ngân hàng ghi nhận một số khoản thu nhập từ bán một số khoản đầu tư chứng khoán vốn và khoản đầu tư dài hạn chưa thỏa mãn các điều kiện ghi nhận doanh thu theo Chuẩn mực kế toán.

Trong năm 2020, Ngân hàng đã thu hồi một khoản đầu tư dài hạn đã bán trên và hạch toán lãi phát sinh từ giao dịch này trong năm 2017 vào chi phí hoạt động khác. Nếu Ngân hàng thực hiện đúng theo quy định thì tại ngày 31/12/2020, chỉ tiêu “Chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán” và “Đầu tư dài hạn khác”, “Dự phòng giảm giá đầu tư dài hạn” tăng lên lần lượt 51.421 tỷ đồng, 11.5 tỷ đồng và 2.33 tỷ đồng. Chỉ tiêu “Các khoản phải thu” và “Lợi nhuận chưa phân phối” sẽ giảm đi tương ứng 160.102 tỷ đồng và 100.511 tỷ đồng. “Lợi nhuận trước thuế” sẽ tăng lên 37.556 tỷ đồng.

Nếu hạch toán đúng theo các ý kiến trên, hợp nhất năm 2020, PVcomBank sẽ lỗ gần 493.6 tỷ đồng thay vì con số lãi trước thuế gần 76 tỷ đồng trên báo cáo.

Tại Thuyết minh số 15.2 – Các khoản phải thu, trong năm 2017 Ngân hàng thực hiện chuyển nhượng khoản đầu tư góp vốn mua cổ phần cho một đối tác theo phương án trả chậm (chia làm 3 đợt và đã được gia hạn thanh toán đợt 2) với tổng giá trị phải thu là 727.872 tỷ đồng. Tại thời điểm lập báo cáo tài chính, đối tác đã thanh toán 6 tỷ đồng và Ngân hàng đã trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi theo thời gian quá hạn hợp đồng với số tiền 161 tỷ đồng. Kiểm toán chưa thể xác định được khả năng thu hồi đầy đủ của khoản phải thu này, do đó kiểm toán không thể xác định liệu có cần thiết phải điều chỉnh các số liệu này hay không.

Trong năm 2019, Ngân hàng nhận bàn giao tài sản đảm bảo để cấn trừ nợ của một khoản trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết với tổng giá trị tài sản đảm bảo được cấn trừ nợ là 736.68 tỷ đồng và ghi nhận thu nhập phát sinh từ giao dịch này là 240.204 tỷ đồng. Kiểm toán cũng chưa thể xác định được giá trị lợi ích kinh tế sẽ thu được từ giao dịch này cũng như chưa khẳng định được việc ghi nhận thu nhập này có đảm bảo nguyên tắc thận trọng theo quy định không.

PVcomBank thành lập năm 2013 trên cơ sở hợp nhất giữa Tổng công ty Tài chính Dầu khí Việt Nam (PVFC) và Ngân hàng TMCP Phương Tây (Western Bank). Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020, lợi nhuận ngân hàng là gần 76 tỷ đồng năm qua, giảm 64% so với 2019. Ngân hàng này cũng là một trong những ngân hàng thuộc nhóm có hiệu quả kinh doanh thấp trong hệ thống các tổ chức tín dụng dù tổng tài sản đạt hơn 180.000 tỷ đồng và vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng, tương đương một số nhà băng ở nhóm giữa.
Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (Pvcombank) Chi nhánh tỉnh Đồng Nai. Theo đó, Trưởng phòng dịch vụ khách hàng Pvcombank chi nhánh Đồng Nai cùng với nhân viên, khách hàng và một giám đốc công ty xuất nhập khẩu có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt hơn 70 tỉ đồng của 2 khách hàng khác.
Hay như trường hợp vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn (46 tuổi, ngụ Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội) gửi 52 tỷ đồng tiền tiết kiệm vào ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) nhưng không được rút là chuyện không hiếm xảy ra trong thời gian gần đây. Theo thông tin trên Thanh niên, 2 năm trước vợ chồng ông Toàn có gửi vào ngân hàng PVcomBank tại phố Ngô Quyền, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội số tiền 52 tỷ đồng, chia làm 3 sổ tiết kiệm. Trong đó ông Toàn đứng tên 1 sổ, vợ ông Toàn đứng tên 2 sổ.
Đó chính là vụ gây xôn xao dư luận xã hội, khi 17 cán bộ ngân hàng bị cáo buộc tiếp tay 'siêu lừa' 433 tỷ đồng, liên quan đến Nguyễn Thị Hà Thành từ năm 2016 đến 2018 câu kết với 17 người để thực hiện 26 vụ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 433 tỷ đồng của ba ngân hàng và khách gửi tiền.
Đó là những cán bộ thuộc Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc Dân (NCB), Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á (VietABank), Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Chúng VN (PVcomBank).