Về tình hình buôn bán hàng lậu, hàng giả trong giai đoạn dịch COVID-19 hiện nay, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, từ khi dịch bùng phát vào năm 2020, những mặt hàng liên quan đến thiết bị y tế, khẩu trang, nước rửa tay… khan hiếm nên năm 2020, gian lận thương mại liên quan đến mặt hàng này rất nhiều.
Đến năm 2021, khi dịch bùng phát lần thứ 4, gian lận thương mại tương đối tinh vi hơn, mặt hàng đa dạng hơn. Đặc biệt, trong tháng 6, qua kiểm tra, kiểm soát, Tổng cục phát hiện một số lượng lớn các bộ kit test nhanh COVID-19 được nhập lậu vào Việt Nam. Các sản phẩm này đa dạng và được quảng cáo với nguồn gốc xuất xứ Hàn Quốc, Nhật Bản … được thẩm lậu vào nội địa qua đường xách tay.
Vừa qua, lực lượng QLTT Hà Nội và TP HCM đã kiểm tra, thu giữ vài nghìn bộ kit test nhanh COVID-19 và hầu hết là không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Theo ông Linh, hiện nay, bộ kit test nhanh COVID-19 có một công ty ở Việt Nam được Bộ Y tế cấp phép để sản xuất. “Do vậy, đề nghị người tiêu dùng hết sức lưu ý khi mua sản phẩm này, phải kiểm tra rõ ràng thông tin nguồn gốc sản phẩm và phải được cấp phép của Bộ Y tế ”, ông Trần Hữu Linh khuyến cáo.
Cũng theo lãnh đạo Tổng cục QLTT, với mặt hàng khẩu trang chống dịch, hiện nay, trên thị trường đã xuất hiện quảng cáo loại khẩu trang có khả năng chống virus Corona đến mức được 99%. Ông Linh cho rằng, người dân khi mua khẩu trang cần phải xem nguồn gốc xuất xứ và có được cấp phép đạt tiêu chuẩn hay không.
Thông tin từ QLTT cho hay, từ đầu đến nay, gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử rất cao, chủ yếu qua các sàn giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội như facebook và zalo. Lực lượng QLTT trên cả nước vẫn đang phối hợp với các cơ quan chức năng để “tấn công”, cũng như có phương án điều tra, xác minh và xử lý các hành vi vi phạm.
“Hầu hết các mặt hàng rất đa dạng, không chỉ là các thiết bị y tế mà các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm và những mặt hàng xa xỉ cũng đang được bán online rất nhiều. Vì vậy, người tiêu dùng cần có những cách thức kiểm tra cũng như tự cảnh giác để thẩm tra thông tin về xuất xứ nguồn gốc hàng hóa trước khi đặt mua hàng”, ông Trần Hữu Linh cho hay.
Mới đây, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Hà Nội) kiểm tra cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế thuộc Công ty Cổ phần Tổng hợp Lâm Khang tại số 151 C3 khu đô thị Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội do bà Đào Hồng Thắm là Giám đốc đã phát hiện 29 hộp test nhanh COVID-19 nhãn “Testsealabs COVID-19 Antigen Test Cassetle". Mặt sau vỏ hộp còn thể hiện nội dung "HANGZHOU TESTSEA BIOTECHNOLOGY CO.LTD CHINA".
Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được các hóa đơn chứng từ hợp pháp đồng thời khai nhận đã mua trôi nổi trên mạng internet không hóa đơn chứng từ. Đội QLTT số 1 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.
Đội QLTT số 13 (Cục QLTT Hà Nội) phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế (Công an quận Cầu Giấy) thực hiện khám xe 1 ô tô đang dừng đỗ tại toà nhà Tràng An complex, số 1 Phùng Chí Kiên, Cầu Giấy, Hà Nội. Tại thời điểm khám, lực lượng QLTT đã phát hiện trong xe ô tô có 400 hộp dụng cụ xét nghiệm COVID-19 Q Standard Covid-19 Ag Home Test loại 2 bộ/hộp có nhãn bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Do chủ lô hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ hợp pháp của số hàng hóa trên nên đội QLTT số 13 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Lợi dụng tâm lý lo lắng về dịch COVID-19 của người dân, nhiều đối tượng đã rao bán bộ kit test nhanh COVID-19 của Hàn Quốc với giá khoảng 700.000-1 triệu đồng/kit. Một số tiểu thương còn rao bán hàng nhập từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hong Kong (Trung Quốc)... Đại diện Tổng cục QLTT cho biết, dù được bán phổ biến tại nước sở tại, song các mặt hàng này chưa được cơ quan y tế Việt Nam công nhận, cấp giấy phép, nên phần lớn hàng rao bán là hàng xách tay, không hóa đơn, chứng từ.
Trước sự việc nhiều đối tượng rao bán bộ test nhanh COVID-19 tràn lan trên mạng, đại diện Tổng cục QLTT cho biết, mặt hàng kit test nhanh thuộc nhóm các mặt hàng trang thiết bị vật tư y tế, nên đã được Tổng cục QLTT đặc biệt quan tâm và chỉ đạo xuyên suốt đến các Cục QLTT trực thuộc tăng cường kiểm tra kiểm soát.
Đặc biệt, Tổng cục đã chỉ đạo các Cục QLTT phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát trên các sàn giao dịch thương mại điện tử để kiểm tra, xác minh thông tin.
Trong trường hợp phát hiện hiện tượng kinh doanh bộ kit test không phải do Bộ Y tế cấp phép hoặc bộ kit test không được kinh doanh tại cơ quan, tổ chức được cấp phép, lực lượng QLTT sẽ tiến hành kiểm tra, xử lý, ngăn chặn kịp thời. Trường hợp sử dụng bộ kit test giả, không rõ nguồn gốc, QLTT sẽ kết hợp lực lượng chức năng như công an, hải quan để phát hiện nguồn đưa hàng vào Việt Nam và xử lý các đối tượng kinh doanh trái phép.
Không nên mua các bộ thử nhanh COVID-19 về tự xét nghiệm
PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết các sinh phẩm, kit xét nghiệm SARS-CoV-2 muốn nhập khẩu Việt Nam phải được Hội đồng thẩm định, Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) thẩm định và cấp phép mới được lưu hành. Việt Nam đã quy định, kể cả các test (xét nghiệm) nhanh cũng phải được sử dụng ở phòng thí nghiệm và phải bảo đảm an toàn sinh học.
Theo GS. Trần Đắc Phu, kit xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 rao bán tràn lan có thể là giả, khi thử có thể cho kết quả không đúng. Như vậy, khi xét nghiệm không những không phát hiện ra bệnh mà còn có nguy cơ phát tán và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân không nên mua các bộ thử nhanh COVID-19 về tự xét nghiệm.