Thủ đô Hà Nội không chỉ nổi tiếng với các công trình kiến trúc cảnh quan độc đáo, món ăn nổi tiếng, mà còn được biết đến với nhiều sản phẩm thủ công tinh xảo được tạo ra từ những đôi bàn tay tài hoa, khéo léo, óc sáng tạo phong phú của các nghệ nhân làng nghề.
Trên địa bàn thành phố Hà Nội, tập trung hơn 1.350 làng nghề với khoảng 176 nghìn hộ làm nghề, chiếm 45% tổng số làng nghề trong cả nước; có khoảng 500 làng có nghề đang hoạt động. Các sản phẩm của làng nghề khá đa dạng, với nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt.
Không chỉ dẫn đầu cả nước về số lượng làng nghề, Hà Nội cũng là địa phương đứng đầu về số lượng sản phẩm OCOP. Từ năm 2019 đến nay, thành phố đã đánh giá, phân hạng được 2.711 sản phẩm, trong đó có 6 sản phẩm 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.473 sản phẩm 4 sao và 1.220 sản phẩm 3 sao.
Có thể kể tới những làng nghề giàu tiềm năng như Làng Vạn Phúc (quận Hà Đông) với sản phẩm như dệt lụa; làng gốm Bát Tràng với những sản phẩm gốm độc đáo; làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) với những nếp nhà cổ được lưu giữ qua nhiều thế hệ, cùng đặc sản gà Mía, bánh tẻ Phú Nhi; hay Hồng Vân - ngôi làng ven sông Hồng thuộc huyện Thường Tín, với trà thảo mộc 4 sao OCOP…
Trong thời gian qua, Trung ương và thành phố Hà Nội luôn quan tâm, hỗ trợ các làng nghề, các chủ thể OCOP trong phát triển sản phẩm thủ thông qua các chương trình Khuyến công, Xúc tiến thương mại, du lịch nhằm phát triển kinh tế, tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu của các địa phương và doanh nghiệp. Các sản phẩm của làng nghề, của chủ thể OCOP đa dạng chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt và có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Cuối năm 2023, Sở Công Thương Hà Nội đã công nhận 10 mô hình trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các xã: Bát Tràng (huyện Gia Lâm), Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên), Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ)…
Mục tiêu của các trung tâm này là nâng cao giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP, làng nghề, xây dựng chuỗi liên kết từ thiết kế sáng tạo, sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các làng nghề gắn với hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn trong kinh tế tuần hoàn.
Quyền giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, việc thành lập các Trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch sẽ giúp kiến tạo môi trường triển khai các hoạt động hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn, chủ thể sản xuất kinh doanh làng nghề hình thành và phát triển hoạt động thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với phát triển các hình thức du lịch trải nghiệm góp phần tái cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn trên địa bàn Thành phố.
Bên cạnh đó, sẽ nâng cao giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP, làng nghề, xây dựng chuỗi liên kết từ thiết kế sáng tạo, sản xuất - chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các làng nghề gắn với hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn trong kinh tế tuần hoàn, góp phần xây dựng thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời, tạo môi trường liên kết giữa nghệ nhân, đội ngũ thiết kế trẻ với tinh thần khởi nghiệp; các Viện nghiên cứu, Trường Đại học chuyên ngành, tổ chức quốc tế phát huy ưu thế văn hóa địa phương, khát vọng phát triển kinh tế của cộng đồng tại làng nghề truyền thống trên địa bàn các huyện, thị xã.
Về phía Sở Công Thương Hà Nội, bên cạnh việc xây dựng và ban hành bộ tiêu chí đánh giá, hướng dẫn, phát triển mô hình Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch trên địa bàn Thành phố, Sở sẽ hướng dẫn các quận, huyện, thị xã trong phát triển mô hình Trung tâm, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức vai trò của hoạt động Trung tâm này.