Giảm ô nhiễm nước thải tại làng nghề

Trong quá trình phát triển, khá nhiều làng nghề ở nước ta đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, rác thải, nhất là nước thải… ngày một gia tăng. Ô nhiễm đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân tại khu vực này.

Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2016-2020 cho thấy: Cả nước có 4.575 làng nghề, trong đó có 1.951 làng nghề được công nhận (1.062 làng nghề mới và 889 làng truyền thống).

Các làng nghề được công nhận tập trung nhiều tại các tỉnh, thành phố như: Hà Nội (313 làng), Thái Nguyên (263 làng), Thái Bình (117 làng), Ninh Bình (75 làng), Nam Định (72 làng)... Hoạt động sản xuất chủ yếu tại các làng nghề sản xuất mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt, may, sợi, thêu ren, cơ khí nhỏ, điêu khắc, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản.

van-hanh-he-thong-giam-sat-tai-nha-may-xu-ly-nuoc-thai-lang-nghe-cau-nga-pld-1690815766.jpg
Vận hành hệ thống giám sát tại Nhà máy xử lý nước thải làng nghề Cầu Ngà, huyện Hoài Đức, Hà Nội. (Ảnh MINH HÀ)

Thực tế cho thấy công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề ở nước ta chưa được quan tâm đúng mức, rất ít làng nghề có hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn, nước thải. Theo báo cáo công tác bảo vệ môi trường của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2020, mới có 16,1% làng nghề có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường; tỷ lệ làng nghề có điểm thu gom chất thải rắn công nghiệp chỉ đạt 20,9%...

Đáng lo ngại, nước thải từ làng nghề thường thải trực tiếp ra hệ thống kênh, rạch chung, tác động xấu tới cảnh quan và nhất là gây ô nhiễm môi trường. Nhiều làng nghề có lưu lượng nước thải lớn, xả ra các kênh, mương vốn làm nhiệm vụ tiêu thoát nước mưa, dẫn đến nước thải không lưu thông, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Kết quả khảo sát tại một số loại hình làng nghề cho thấy, các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm, sản xuất tinh bột, nấu rượu, nuôi và giết mổ gia súc thường có độ ô nhiễm rất cao. Trong khi đó, các làng nghề dệt, nhuộm sử dụng một lượng lớn nước, ô nhiễm chủ yếu là từ nước thải sản xuất có hàm lượng hóa chất, thuốc nhuộm cao, với gần 90% lượng hóa chất sử dụng xả vào đường ống chung.

Nước thải tại nguồn thải trong dây chuyền sản xuất có độ màu rất cao đã gây ô nhiễm nước mặt nặng nề. Ngoài ra, mặc dù các làng nghề tái chế kim loại như: gia công cơ khí, đúc, mạ, tái chế... có lượng nước thải không lớn, nhưng lại chứa nhiều chất độc hại như kim loại nặng, dầu mỡ công nghiệp... và nguồn nước thải này chủ yếu được xả trực tiếp ra môi trường chung quanh.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do đặc thù sản xuất, khu vực làng nghề chỉ quan tâm, chú trọng đầu tư vào phát triển sản xuất, nhiều nơi chưa quan tâm tới vấn đề bảo vệ môi trường. Trong khi hầu hết các hộ làm nghề trên cùng diện tích sinh sống của gia đình, xen kẽ trong khu dân cư cho nên mặt bằng hạn chế, dẫn đến việc phân khu sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng chưa được đồng bộ, việc thực hiện các biện pháp xử lý chất thải ra môi trường còn gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, cơ sở hạ tầng nông thôn như đường, cống, rãnh thoát nước thải không đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất…, dẫn đến nhiều làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Kim Chi (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam) cho biết: Ô nhiễm môi trường tại các làng nghề là hình thái ô nhiễm tập trung trên phạm vi một khu vực (thôn, làng, xã...) ở nông thôn. Khu vực này bao gồm nhiều nguồn ô nhiễm dạng điểm (hộ gia đình, cơ sở sản xuất) gây tác động trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng sống tại khu vực đó.

Trong khi đó, nhà xưởng thường chật hẹp, trang thiết bị lạc hậu chắp vá, ý thức bảo vệ môi trường của người lao động còn rất hạn chế. Đáng lo ngại, nước thải trong quá trình sản xuất tại không ít làng nghề không qua xử lý đã xả trực tiếp ra các ao, hồ, mương và sông dẫn đến chất lượng sông, ao, hồ giảm sút… gây tác động xấu tới đa dạng sinh học và chất lượng môi trường sống; ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng dân cư sinh sống ở khu vực này, với các bệnh: đường ruột, ngoài da, ung thư...

Các chuyên gia bảo vệ môi trường cho rằng, để giảm thiểu ô nhiễm tại các làng nghề, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề, trong đó cần quy định rõ trách nhiệm của địa phương, các ngành, lĩnh vực hoạt động làng nghề.

Đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào hoạt động xử lý nước thải tại các làng nghề; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật, chuyển giao công nghệ sạch, công nghệ xử lý nguồn nước thải cho các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ theo hướng vận hành đơn giản, ổn định, tiết kiệm chi phí và xử lý ô nhiễm môi trường nước đạt hiệu quả.

Các địa phương tuân thủ đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường theo luật định đối với các dự án, kế hoạch đầu tư phát triển làng nghề để bảo đảm rằng các đầu tư này theo hướng thân thiện môi trường...

Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng, bên cạnh việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề, các đơn vị chuyên môn, chính quyền các cấp cần chú trọng công tác truyền thông về bảo vệ môi trường, xử lý nguồn nước thải tại các làng nghề để thay đổi nhận thức, thói quen, tập quán sản xuất, sinh hoạt của người dân, các hộ sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động xử lý nước thải tại làng nghề, bảo đảm các nguồn lực về tài chính cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý nước thải ở khu vực nông thôn nhất là các làng nghề.

Đồng thời, phát hiện, khen thưởng và nhân rộng các mô hình trong hoạt động xử lý nước thải làng nghề; đưa nội dung xử lý nguồn nước thải vào cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, gắn với xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trên cả nước.