Ông Chakraborty sẽ chính thức đảm nhận vị trí này thay ông Andrew Jeffries từ hôm nay (24/7), với vai trò giám sát việc thực hiện chiến lược đối tác quốc gia giai đoạn 2023–2026, trong đó tập trung vào quá trình chuyển đổi của Việt Nam sang nền kinh tế xanh, khai thác khu vực tư nhân và thúc đẩy công bằng xã hội.
Theo giới thiệu của ADB, ông Chakraborty mang quốc tịch Ấn Độ, có bằng thạc sĩ quản lý tại Học viện Quản lý Ấn Độ ở Ahmedabad, bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh về tài chính của Trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York và bằng kỹ sư của Viện Công nghệ và Khoa học Birla, Pilani ở Ấn Độ.
Ông có gần 28 năm kinh nghiệm chuyên môn ở Nam, Trung và Tây Á, cũng như ở Hoa Kỳ, trong đó có 18 năm làm việc với ADB. Ông từng là Trưởng Ban Tài chính Cơ sở hạ tầng 1 và trước đó là Giám đốc Ban Hỗ trợ Giao dịch Khu vực Tư nhân trong Phòng Điều hành Khu vực Tư nhân (PSOD). Các vai trò trước đây của ông tại ADB bao gồm Cố vấn cấp cao cho Phó chủ tịch và Chuyên gia đầu tư chính trong PSOD.
Trước khi gia nhập ADB, ông Chakraborty đã có gần 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài trợ dự án và ngân hàng đầu tư ở Ấn Độ (Ngân hàng ICICI) và Hoa Kỳ (UBS Warburg và Landesbank Hessen Thuringen).
Theo Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập Ngân hàng Phát triển Châu Á vào năm 1996. Tuy nhiên, các hoạt động hợp tác đã bị ngừng lại trong giai đoạn từ 1979-1992 và được nối lại vào năm 1993.
Tổng số các khoản hỗ trợ kể từ khi ADB tái hoạt động tại Việt Nam bao gồm 78 khoản vay chính phủ trị giá 6,03 tỉ USD, 225 dự án hỗ trợ kỹ thuật trị giá 176,69 triệu USD và 23 dự án viện trợ không hoàn lại trị giá 135,6 triệu USD.
Đồng thời, ADB cũng phê duyệt 9 khoản vay phi chính phủ, 2 khoản bảo lãnh rủi ro chính trị và một khoản vay loại B với tổng trị giá 305 triệu USD. Ngoài ra, ngân hàng này còn tài trợ cho một số dự án hỗ trợ kỹ thuật khu vực trong khuôn khổ Tiểu vùng Mê-Kông mở rộng (GMS).