Chiều 5/1, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ, trả lời câu hỏi về tăng trưởng tín dụng năm 2024, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 đạt 13,71%, khối lượng tiền đưa vào nền kinh tế khoảng 1,5 triệu tỷ đồng.
“Chúng tôi cũng dự kiến cho năm 2024 tăng trưởng 15%. Như vậy, nếu tính trên cơ sở lượng tiền, dư nợ hiện nay là khoảng 13,56 triệu tỷ thì có nghĩa là gần 2 triệu tỷ sẽ được tăng thêm vào năm 2024”, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay.
Ông Tú cũng cho biết thêm, con số 15% là trong điều kiện tính toán hiện nay. Nếu giữa năm, cuối năm điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định, cho phép kiểm soát tốt lạm phát, bảo đảm được dòng vốn đối ứng và những đối tượng cần thiết cũng như an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, sẽ giao thêm cho các ngân hàng thương mại để tăng trưởng tín dụng.
Về cơ sở cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024, theo ông Tú, kinh tế năm 2024 có nhiều dấu hiệu cho thấy sự khởi sắc hơn trên cơ sở của năm 2023.
Bên cạnh đó là kỳ vọng không có những tác động khó khăn từ kinh tế thế giới như năm 2023 sẽ giúp nhu cầu đầu tư của nền kinh tế sẽ tăng lên và tất yếu phải có nguồn lực đáp ứng cho nhu cầu đầu tư, phát triển đó.
Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng cũng sẽ được hỗ trợ từ mức lãi suất đang rất thấp hiện nay. Mức lãi suất hiện nay thấp hơn trước dịch rất nhiều, thậm chí là thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Phó thống đốc cho rằng đây là một trong những yếu tố cơ bản để tăng trưởng tín dụng có thể tăng mạnh.
Năm nay, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nói với cơ chế, định hướng điều hành cùng mặt bằng lãi suất giảm sâu, tăng trưởng tín dụng năm nay dự báo sẽ khởi sắc hơn năm 2023.
Trước đó tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã trình bày báo cáo về công tác chỉ đạo, điều hành và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024.
Báo cáo chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế, bất cập cần tiếp tục tập trung khắc phục. Trong đó, tiếp cận tín dụng còn khó khăn. Thị trường bất động sản dù được cải thiện nhưng còn trầm lắng chủ yếu do bất cập về phân khúc và vướng mắc về pháp lý. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang được tháo gỡ và tăng cường công tác thanh tra, giám sát nhưng còn tiềm ẩn rủi ro.
Việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, dự án tồn đọng còn lại gặp nhiều khó khăn do phải thực hiện nhiều quy trình, thủ tục, trong đó có việc đánh giá, thẩm định chính xác giá trị tài sản đã qua nhiều năm.