Năm 2017, UBND TPHCM xác định có 14/474 chung cư xây dựng trước năm 1975 thuộc loại hư hỏng nặng, có nguy cơ sụt lún và có thể đổ sập bất cứ lúc nào hay còn gọi là chung cư cấp D). Thành phố có hướng chỉ đạo di dời các hộ dân tại đây khẩn cấp và thực hiện kế hoạch xây mới trong giai đoạn 2015 - 2020. Tuy nhiên, đã nhiều năm trôi qua nhưng công tác thực hiện di dời người dân cũng như xây dựng lại chung cư cũ vẫn chưa được thực hiện hoặc có nhưng không đồng bộ. Người dân tiếp tục sống trong nỗi lo sợ nguy hiểm rình rập ở các chung cư "hết đát".
Sống chung với tử thần
Nhiều năm nay, bà Nguyễn Thị Liên sống tại chung cư 137 Lý Thường Kiệt luôn trong trạng thái nơm nớp lo sợ khi phải sống trong căn nhà có nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào. Vừa bước vào tới cửa PV đã đụng ngay phải gạch vữa từ trên tường rơi xuống. Chỉ cần lấy tay vỗ nhẹ vào tường cũng có thể khiến một loạt gạch vữa cộng cát bụi rơi xuống. Do xây dựng theo lối kiến trúc chuồng cọp nên hầu như không gian khá bí và tối. Mặc dù đang trong thời tiết 40 độ nhưng không khí trong phòng rất ẩm ướt và có mùi hôi mốc khó chịu. Khi trời mưa, bà Liễu phải dùng tấm bạt nylon để che chắn trần nhà tránh tình trạng nước giọt từ trên trần xuống.
Hệ thống điện của chung cư không được ổn định. Cụ thể, phía ngoài hành lang một loạt các dây điện bao gồm dây wifi, dây điện cao áp quấn chồng chéo lên nhau. Theo ghi nhận của PV, từ tầng một tới tầng năm xuất hiện nhiều vết nứt lớn tưởng như có thể khiến căn nhà đổ sụp xuống. Bà Hương, cư dân tòa nhà thỉnh thoảng lại sửa chữa chắp vá bằng cách trát vữa xi măng lên các vết nứt. Tuy nhiên, cách làm này chỉ mang tính chất "tạm bợ" vì để qua một thời gian dài vết nứt sẽ càng lớn hơn. Vì là chung cư xây dựng từ trước những năm 1975 nên không có hệ thống phòng cháy chữa cháy, với kiến trúc không gian khép kín như vậy trong trường hợp có hỏa hoạn người dân sẽ khó chạy thoát.
Bà Hương chia sẻ: "Cư dân chúng tôi ở đây cảm thấy rất sợ hãi khi sống trong căn nhà có tuổi đời quá lâu, cứ động tới đâu là nứt tới đấy. Tháng trước khi đang ngồi trong nhà thì tấm gạch trên trần nhà rớt xuống trúng đầu chảy máu đến tận bây giờ vẫn chưa lành. Tôi già rồi thì không sao nhưng con cháu của chúng tôi lại khác, chúng còn trẻ cần một môi trường tốt để sinh sống và học tập chứ không phải sống trong tình trạng này".
Theo thông tin, chung cư 137 Lý Thường Kiệt quận Tân bình đã trải qua 2 lần sửa chữa nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề, tình trạng xuống cấp ngày càng nghiêm trọng hơn. Người dân đã gửi đơn kiến nghị lên tận UBND TP để phản ánh đồng thời mong muốn nhanh chóng rời khỏi chung cư.
Chị Nguyễn Thi Liễu cho hay: "Tôi sống trong sợ hãi tới nỗi đã phải bỏ hết công việc lên tận UBND TPHCM để kiến nghị TP cho người dân rời khỏi chung cư. Phía Thành phố thông báo trong tháng 8/2022 sẽ cho di dời. Tuy nhiên, tới nay đã gần hết tháng 8 rồi nhưng vẫn chưa có động tĩnh gì".
Cách đó không xa, chung cư cũ có địa chỉ 149 - 151 Lý Thường Kiệt cũng đang nằm trong hoàn cảnh tương tự khi tòa nhà xuống cấp từ ngoài vào trong, kết cấu mục, nứt, bong tróc nhiều chỗ, thấm dột nhiều nơi, không khí ngột ngạt nhưng 21 hộ dân ở đây vẫn chưa thể di dời.
Kế hoạch tổ chức di dời
Theo UBND quận Tân Bình, năm 2018 quận đã ban hành kế hoạch di dời các chung cư xuống cấp nghiêm trọng, xây dựng trước năm 1975 (chung cư cấp D). Cụ thể, quận đã tổ chức di dời 132 hộ dân về chung cư 47 Long Hưng (phường 7), 40/1 Tân Phước (phường 8) và 170-171 Tân Châu về tạm cư tại lô 5, chung cư Bàu Cát II và chung cư Tân Trụ.
Hai chung cư 137 và 149-151 Lý Thường Kiệt sẽ tiếp tục tổ chức di dời tới lô A chung cư Phú Thọ, phường 15, quận 11. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 công tác di dời phải tạm hoãn do sử dụng chung cư Phú Thọ làm bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19.
Đến tháng 1/2022, quận Tân Bình có văn bản báo cáo TP với nội dung kiến nghị bàn giao lại 55 căn hộ Phú Thọ cho người dân và khẩn trương sửa chữa để phục vụ tạm cư. Tới nay đã gần 1 năm trôi qua, người dân đang hằng ngày mong ngóng thoát khỏi "nhà ở tử thần" nhưng vẫn chưa được thực hiện.