Sửa Luật Dầu khí: Rà soát kỹ lưỡng để có cơ chế ưu đãi phù hợp

PV

05/04/2022 09:31

Theo dõi trên

Tại dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) đã có sự điều chỉnh các mức thu hồi chi phí, thuế suất nhằm cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực này, khuyến khích khai thác tận thu, không bỏ phí tài nguyên. Tuy nhiên, tại phiên họp Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra dự án Luật này, nhiều ý kiến đề nghị, cần tiếp tục rà soát để quy định rõ ràng, khả thi hơn, thậm chí cần tính đến chính sách ưu đãi thu hút đầu tư mang tính dài hạn hơn.

pvn-01-04-04-1649125683.jpg

Điều chỉnh thuế suất là cần thiết

Tại dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), Chính phủ đề xuất quy định mức thuế thu nhập doanh nghiệp, tỷ lệ thu hồi chi phí và một số mức thuế khác để thu hút đầu tư hơn nữa vào lĩnh vực này, cũng là một mục tiêu được đặt ra khi sửa đổi toàn diện Luật Dầu khí hiện hành. Điểm mới trong nội dung này của dự án Luật là quy định tại các lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt sẽ được áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp là 25%, hiện Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp chưa quy định mức thuế suất này. Tại các lô dầu khí này, mức thuế xuất khẩu dầu thô là 5% và mức thu hồi chi phí tối đa 80% sản lượng dầu khí khai thác hàng năm (Điều 40 dự thảo Luật).

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc điều chỉnh sắc thuế, tỷ lệ thu hồi chi phí được đưa ra do Việt Nam đang đứng trước thực tế số lượng hợp đồng dầu khí được ký kết gần đây giảm. Hiện tượng này có nguyên nhân do các phát hiện mỏ mới ở nước ta trong những năm gần đây phần lớn có trữ lượng nhỏ, trong khi những diện tích được mở cũng được đánh giá tiềm năng hạn chế, chủ yếu là khí. Đồng thời, đòi hỏi phải đánh giá lại hiện trạng các điều khoản kinh tế - thương mại của hợp đồng dầu khí, cũng như các quy định pháp luật hiện hành so với các nước trong khu vực.

Các đề xuất về thuế suất và mức thu hồi chi phí tại các lô dầu khí được ưu đãi hay đặc biệt ưu đãi quy định tại dự án Luật này, theo Tờ trình của Chính phủ, dựa trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo chính sách của một số quốc gia trong khu vực có hoạt động dầu khí tương đồng với Việt Nam. Ví dụ như, mức thuế suất ưu đãi doanh nghiệp của Thái Lan là 20%, Malaysia là 25%, Trung Quốc là 25%, Myanmar là 30%. Mức thu hồi chi phí tối đa của Malaysia là 75%, Indonesia là 90%.

Từ quá trình trao đổi với một số chuyên gia dầu khí, doanh nghiệp trong lĩnh vực này, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn nhận thấy, việc từ năm 2019 đến nay hầu như không phát sinh hợp đồng dầu khí mới, trong khi các hợp đồng cũ sắp hết hạn có nhiều nguyên nhân. Trong đó, theo nhận định của một số doanh nghiệp, có thể do sắc thuế của chúng ta kém hấp dẫn hơn các quốc gia trong khu vực cùng có hoạt động khai thác dầu khí. Do vậy, ông Đậu Anh Tuấn tán thành với việc bổ sung quy định về dự án ưu đãi đầu tư dầu khí và bổ sung chính sách đặc biệt ưu đãi đầu tư, với trọng tâm là điều chỉnh thuế suất, mức thu hồi chi phí tại dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).

Ưu đãi theo nhu cầu nhà đầu tư? 

Đánh giá cao các mức thu hồi chi phí, thuế suất áp dụng đã được điều chỉnh tích cực tại dự án Luật nhằm cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí, song Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Lê Ngọc Sơn cho rằng, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định liên quan. Bởi, dự án Luật quy định mức thu hồi chi phí tối đa trong hợp đồng dầu khí tương ứng với các trường hợp thông thường, được ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt, thì chủ yếu thích hợp với các mô hình chia sản phẩm dầu khí. Trong khi đó, thực tế đã xuất hiện trường hợp các mỏ khai thác tận thu, không thể tiếp tục vận hành theo mô hình hợp đồng chia sản phẩm dầu khí, hay các mỏ được giao lại cho nước chủ nhà để khai thác tận thu. Với các dự án khai thác tận thu là tài sản của Chính phủ, ông Lê Ngọc Sơn đánh giá, hiện chưa có cơ chế phù hợp để có thể thực hiện tận thu như mong muốn, khiến hoạt động khai thác phải dừng sớm hơn. Do vậy, để khai thác tài nguyên, "cần xem xét quy định hợp đồng tận thu là một loại hợp đồng dầu khí có tỷ lệ thu hồi chi phí không giới hạn và do Thủ tướng Chính phủ quyết định", ông Lê Ngọc Sơn đề nghị.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đặt vấn đề, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã ra thông báo về một thỏa thuận toàn cầu nhằm bảo đảm các công ty lớn phải trả mức thuế tối thiểu là 15% đã được gần 140 quốc gia (chiếm 90% nền kinh tế toàn cầu) nhất trí. Điều này đánh dấu một sự thay đổi lớn đối với các nền kinh tế nhỏ, vốn thường thu hút các công ty quốc tế thông qua mức thuế thấp hơn. Như vậy, ưu đãi thu hút đầu tư dựa trên việc đưa ra mức thuế suất hấp dẫn có còn tác dụng trong lâu dài hay không là điều các cơ quan chức năng phải tính đến trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi luật.

Với sự thay đổi chính sách thuế toàn cầu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu đề nghị, cần nghiên cứu, rà soát để xây dựng cơ chế ưu đãi đặc biệt, được thiết kế theo hướng là một gói ưu đãi xây dựng theo nhu cầu của nhà đầu tư, mà ở đó hai bên tìm được lợi ích chung.

Những gợi mở mang tính dài hạn với chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực dầu khí nói riêng, cũng như thu hút đầu tư nước ngoài nói chung sẽ cần được các cơ quan chức năng nghiêm túc tiếp thu, có giải trình phù hợp khi trình dự án Luật ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho ý kiến. Tuy nhiên, ngay cả khi các chính sách ưu đãi đầu tư được giữ lại tại dự án Luật, thì với vị trí quan trọng của nội dung này, Ban soạn thảo vẫn cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu. Bởi, theo nhận định của đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Hội Dầu khí Việt Nam, vẫn còn một số quy định chưa rõ ràng về thẩm quyền quyết định, phê duyệt tại dự thảo Luật; mức thuế suất và thu hồi chi phí đối với dự án đặc biệt ưu đãi, tận thu tài nguyên chưa có tính khả thi cao.

Bạn đang đọc bài viết "Sửa Luật Dầu khí: Rà soát kỹ lưỡng để có cơ chế ưu đãi phù hợp" tại chuyên mục Pháp luật. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com