Sửa Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đổi mới chu kỳ điều hành giá

Được cho là điểm nghẽn mấu chốt dẫn đến những bất ổn của thị trường xăng dầu thời gian qua, chuyên gia cho rằng, sửa Nghị định về kinh doanh xăng dầu cần xem xét đổi mới chu kỳ điều hành giá…

Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là đầu mối chủ trì rà soát, sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu theo trình tự, thủ tục rút gọn, Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương để lấy ý kiến cho việc sửa đổi.

sua-nghi-dinh-kinh-doanh-xang-dau-2-1668652571.jpg

Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương để lấy ý kiến cho việc sửa đổi các Nghị định về kinh doanh xăng dầu – Ảnh minh họa: GIA NGUYỄN

Tại văn bản đã nêu, Bộ Công Thương đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 83/2014 và Nghị định 95/2021 thời gian qua ra sao, có ý kiến đề xuất sửa đổi gì? Thời gian tham gia ý kiến gửi về Bộ Công Thương trước ngày 20/11.

Đồng thời đề nghị các bộ, ngành cử đại diện tham gia ban soạn thảo và tổ biên tập việc sửa đổi các Nghị định này. Theo đó, có 8 vấn đề được Bộ Công Thương đề xuất, sửa đổi, đây là 8 đề xuất được Bộ Công Thương đưa ra sau khi đã rà soát cùng với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp.

Cụ thể: Một là vấn đề chu kỳ điều hành giá xăng dầu; Hai là quy định mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu; Ba là đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn; Bốn là quyền và nghĩa vụ của các thương nhân phân phối xăng dầu; Năm là quyền và nghĩa vụ của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; Sáu là việc thống nhất đầu mối quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu; Bảy là việc quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu; Tám là việc sửa đổi, bổ sung các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

8 đề xuất này của Bộ Công Thương được cho đều là những vấn đề đã được các chuyên gia, doanh nghiệp phản ánh, đề nghị sửa đổi từ trước đó.

Đặc biệt, với chu kỳ điều hành giá xăng dầu, nhiều ý kiến cho rằng, đây là điểm cần được đổi mới, phải rút ngắn hơn nữa để giá xăng dầu trong nước được cập nhật, tiệm cận hơn với giá xăng dầu thế giới, đồng thời giải quyết được tính “dị biệt” của thị trường này thời gian qua.

sua2-1668652571.jpg

Các chuyên gia đề xuất, cần đổi mới chu kỳ điều hành giá – Ảnh minh họa: GIA NGUYỄN

Thông tin với báo chí, góp ý sửa đổi các Nghị định về kinh doanh xăng dầu, chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa – Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, chu kỳ điều hành giá cần sửa theo hướng rút ngắn từ 10 ngày xuống 5 ngày (phù hợp với phương thức mua, bán 2-1-2); tránh tính giá thế giới bình quân gồm các ngày nghỉ, lễ, tết,… để phản ánh sát hơn biến động của giá thế giới, giảm sự “lệch pha” giữa giá trong nước với thị trường thế giới.

“Chỉ có như vậy mới giải quyết việc nhiều đơn vị găm hàng, chờ giá tăng, ảnh hưởng đến việc cung ứng trên thị trường”, ông Thỏa nhấn mạnh.

Bên cạnh những nội dung đã nêu, một những vấn đề khác cũng nhận được nhiều sự quan tâm đó là công thức tính giá. Trước đó, không ít ý kiến cho rằng, công thức tính giá đã lỗi thời, cần có những điều chỉnh theo những chi phí phát sinh hiện nay. Điều chỉnh cần theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ thực tế hiện nay bao gồm: Premium của nguồn nhập khẩu và mua trong nước theo đúng tập quán quốc tế; chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về đến cảng Việt Nam; tỷ giá; chi phí đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng và toàn bộ chi phí kinh doanh, định mức kinh doanh xăng dầu.

Góp ý sửa đổi các Nghị định về kinh doanh xăng dầu, ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho rằng, cần xem xét lại những quy định về điều chỉnh giá.

Theo ông Bảo, nhìn lại cơ chế giá hiện nay, và các cơ chế tính giá xăng dầu trong các văn bản trước, thì việc định giá hiện nay khiến giá xăng dầu vừa là giá sàn, vừa là giá trần. Còn trong Nghị định, doanh nghiệp chỉ được quyền bán buôn nhưng không được vượt giá cơ sở Nhà nước đề ra.

Từ đó, ông Bảo đề nghị, rà soát lại 1 Quyết định và 5 Nghị định liên quan đến xăng dầu.

“Cụ thể, Quyết định số 187/2003/QĐ-TTG ngày 15/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế quản lý kinh doanh xăng, dầu, trong đó quy định, Nhà nước sẽ đưa ra giá định hướng, doanh nghiệp sẽ tự quyết định giá bán trên cơ sở giá định hướng đó. Mức chênh lệch giữa giá bán của doanh nghiệp và giá định hướng của Nhà nước không vượt quá mức quy định ngưỡng 10% với xăng và 5% với mặt hàng khác.

Sau đó, là Nghị định 55/2007/NĐ-CP, Nghị định này có nhiều chế tài hơn nhưng giá vẫn theo tư tưởng thị trường hóa, cho phép doanh nghiệp điều chỉnh, xăng thả nổi và dầu bù lỗ.

Đến năm 2009, là Nghị định 84/2009/NĐ-CP, đây là Nghị định tính toán kỹ và tương đối tiên tiến, đã đưa ra giá định hướng, doanh nghiệp được quyền tăng, giảm từ 7 – 13% và được quyền quyết định 60%, còn lại lấy từ Quỹ bình ổn.

Tuy nhiên, đến năm 2014 Chính phủ bắt đầu ra Nghị định 83/2014/NĐ-CP, Nghị định này coi như áp giá cứng, doanh nghiệp không được quyền quyết định, vô hình chung, xuyên suốt thị trường giai đoạn này là giá bình ổn. Còn ở Nghị định 95/2021/NĐ-CP, sửa đổi một số điều của Nghị định 83/2014/NĐ-CP cũng tương tự”, ông Bùi Ngọc Bảo phân tích.

Từ những phân tích đã nêu, vị chuyên gia này kiến nghị, nên rà soát tất cả chi phí, để đặt ra giá trần, trên cơ sở đó, doanh nghiệp tự điều chỉnh mức giá dưới giá trần.