Tài chính về đất đai: Những bước chuyển cơ bản

Thời gian qua, thực hiện Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, công tác tài chính về đất đai ngày càng được hoàn thiện, góp phần tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách, năm sau cao hơn năm trước; khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả và tạo sự công bằng giữa các chủ sử dụng đất; đồng thời góp phần nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ sử dụng đất. 

Theo Dự thảo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) do Bộ TN&MT xây dựng và đang lấy ý kiến cho thấy, chính sách tài chính về đất đai ngày càng hoàn thiện, nhất là chính sách thuế chuyển quyền sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất, việc chuyển từ giao đất có thu tiền sử dụng đất sang cho thuê đất đã góp phần tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách.

Theo đó, hàng năm, nguồn thu từ đất đóng góp từ 12 - 15% thu ngân sách nội địa. Hầu hết các địa phương đã ban hành cơ chế chính sách thu hút đầu tư, tạo môi trường pháp lý, môi trường kinh tế cho các doanh nghiệp, đầu tư cải tạo, mở rộng diện tích, xây dựng kết cấu hạ tầng, ban hành và tổ chức thực hiện cơ chế xây dựng và quản lý giá đất và giá một số loại bất động sản gắn liền với đất.

1(2)
 Nguồn thu từ đất đóng góp từ 12 - 15% thu ngân sách nội địa hàng năm)

Để khuyến khích hoạt động đầu tư sản xuất nông nghiệp, ngày 24/11/2010, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, thời hạn miễn, giảm được thực hiện từ ngày 1/1/2011 đến hết ngày 31/12/2020. Tiếp đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 107/2020/QH14 về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 ngày 11/11/2016 của Quốc hội. Theo đó, việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được kéo dài đến hết ngày 31/12/2025.

Với chính sách này, trung bình mỗi năm Nhà nước đã miễn giảm cho trên 11,2 triệu hộ nông dân với tổng số thuế miễn, giảm là 1,85 54 triệu tấn quy thóc, thành tiền là 2.837 tỷ đồng (tính bình quân theo giá thực tế), trên tổng diện tích trồng lúa của cả nước khoảng 3,8 triệu ha.

Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi về thuế được rà soát nhằm bảo đảm công bằng, thống nhất, đơn giản, thuận tiện, chống thất thu thuế. Có chính sách, mức thu hợp lý để nuôi dưỡng nguồn thu, khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả. Pháp luật đã có quy định về biện pháp tài chính đối với các dự án đầu tư chậm hoặc bỏ hoang không đưa đất vào sử dụng đúng thời hạn theo quy định của pháp luật.

Về giá đất, việc định giá đất phải bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường; giá đất do Nhà nước xác định gồm: khung giá đất, Bảng giá đất và giá đất cụ thể; quy định các trường hợp được áp dụng giá đất trong Bảng giá đất và các trường hợp phải xác định giá đất cụ thể theo thị trường để thực hiện. Đặc biệt, quy định cơ quan xây dựng giá đất, cơ quan thẩm định giá đất của Nhà nước và tổ chức tư vấn xác định giá đất.

Những nội dung đổi mới về giá đất đã tạo chuyển biến tích cực trong quản lý Nhà nước về đất đai, từng bước phát huy nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế - xã hội và là cơ sở để từng bước giải quyết tốt hơn quyền lợi của người có đất bị thu hồi, hạn chế tham nhũng trong quản lý, sử dụng đất. Thực tế, các địa phương đã thực hiện tương đối tốt quy định của pháp luật trong công tác giá đất.

Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức thực hiện việc xây dựng, ban hành Bảng giá đất, xác định giá đất cụ thể để áp dụng tại địa phương. Việc ban hành Bảng giá đất đúng thời gian, phù hợp với khung giá đất của Chính phủ quy định; việc xác định giá đất cụ thể về cơ bản đã được thực hiện theo quy trình chặt chẽ (điều tra, khảo sát xác định giá đất, thông qua hội đồng thẩm định giá đất, quyết định giá đất), kết quả xác định giá đất phù hợp với thực tiễn, góp phần bảo đảm quyền lợi của người có đất bị thu hồi, tăng thu cho ngân sách Nhà nước.