Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát toàn diện hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát toàn diện hoạt động của QTDND, thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch định kỳ hoặc đột xuất các Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) có quy mô lớn, có dấu hiệu không lành mạnh, phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Trên cơ sở số liệu báo cáo của hệ thống QTDND cho thấy, hệ thống nhìn chung vẫn hoạt động ổn định và đảm bảo có lợi nhuận. Đến ngày 30/9/2022, toàn hệ thống có 1.179 QTDND, hoạt động trên địa bàn 57 tỉnh, thành phố. Với tổng tài sản hệ thống QTDND đạt 166.674,5 tỷ đồng, tăng 4,9% so với 31/12/2021.

Trong đó, dư nợ cho vay 130.861,3 tỷ đồng, tăng 13,2%; tiền gửi tại Ngân hàng Hợp tác xã 28.128,8 tỷ đồng, giảm 21%; tiền gửi tại Tổ chức tín dụng khác 1.402,1 tỷ đồng, tăng 5,7% so với 31/12/2021.

a1-1671766302.gif

Hệ thống QTDND nhìn chung vẫn hoạt động ổn định và đảm bảo có lợi nhuận.

Về nguồn vốn, tiền gửi của khách hàng đạt 145.707,9 tỷ đồng, tăng 4,0%; vay Ngân hàng Hợp tác xã 4.342,6 tỷ đồng, tăng 27,3% so với 31/12/2021; vay từ Quỹ đảm bảo an toàn hệ thống QTDND 132,8 tỷ đồng; vay Tổ chức tín dụng khác 10,9 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh đạt 1.747 tỷ đồng.

Về nợ xấu ghi nhận 747 tỷ đồng, tăng 1%; khoản dự phòng rủi ro là 1.259,4 tỷ đồng, tăng 7,7%; vốn chủ sở hữu 11.826,8 tỷ đồng, tăng 13,1% so với 31/12/2021, trong đó, vốn điều lệ 6.283,7 tỷ đồng.

Vốn điều lệ trung bình của 01 QTDND là 5,3 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với quy định về vốn pháp định tại Nghị định số 86/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 ở mức từ 500 triệu – 1 tỷ đồng.

Có thể thấy, hoạt động của hệ thống QTDND đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, qua số liệu báo cáo và tình hình thực hiện nhiệm vụ của NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố đặt trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh nhiều khó khăn khó đoán trước, hệ thống QTDND vẫn còn một số vấn đề cần phải được kiểm tra, cảnh báo, khuyến nghị và xử lý kịp thời.

Cụ thể, số lượng các QTDND tiềm ẩn rủi ro vẫn có xu hướng tăng về quy mô và mức độ nghiêm trọng, giải pháp xử lý đối với các QTDND yếu kém, không còn nguồn tiền để chỉ trả cho người gửi tiền là hết sức khó khăn.

Hiện tại, chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ cho phép Ngân hàng thương mại, Ngân hàng Hợp tác xã được sáp nhập, nhận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của QTDND, chuyển giao bắt buộc QTDND yếu kém, được kiểm soát đặc biệt do có sự khác biệt về mô hình hoạt động.

NHNN theo thẩm quyền chỉ chấp thuận cho các Ngân hàng thương mại một số cơ chế như tăng trưởng tín dụng, cấp phép mở rộng mạng lưới. Các cơ chế hỗ trợ này về cơ bản là chưa đủ bù đắp ngay tổn thất của các Ngân hàng thương mại khi tham gia xử lý. Qua đây, đòi hỏi cần phải có các cơ chế mạnh mẽ hơn từ Chính phủ, Bộ Tài chính và đơn vị liên quan cho các Ngân hàng thương mại, Ngân hàng Hợp tác xã tham gia xử lý QTDND yếu kém, QTDND được kiểm soát đặc biệt.

Ngoài ra, chưa có cơ sở pháp lý cho phép sử dụng nguồn phí bảo hiểm tiền gửi để chi trả sớm cho người gửi tiền tại QTDND yếu kém, không có khả năng phục hồi để tăng cường vai trò Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tham gia xử lý QTDND yếu kém, ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.

Đối với các QTDND yếu kém, vi phạm nghiêm trọng, hầu hết không còn cán bộ quản trị, điều hành do vướng vào vụ án công an thụ lý, do đó cần thiết phải bổ sung ngay nhân sự tham gia để xây dựng phương án xử lý các QTDND.

a2-1671766302.jpg

Mới đây, Công an tỉnh Thái Bình đã khởi tố và bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Hà – Giám đốc QTDND Thị trấn Đông Hưng, tỉnh Thái Bình do có hành vi lập “khống” tổng cộng 49 hợp đồng vay vốn với tổng số tiền hơn 20,6 tỷ đồng từ QTDND.

Hầu hết các vụ án liên quan đến QTDND có hành vi phạm tội thường kéo dài, xảy ra từ nhiều năm trước khi bị phát hiện, do đó các đối tượng có thời gian tẩu tán số lượng lớn tiền và tài sản chiếm đoạt được bằng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau, nên việc xác minh, làm rõ để thu hồi rất khó khăn; việc phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm liên quan đến QTDND còn hạn chế.

Tại một số địa bàn, các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra tại QTDND đang được các chức năng trên địa bàn xử lý theo quy định. Tuy nhiên, tiến độ một số nơi còn chậm, không tạo sức ép răn đe để các cá nhân có hành vi vi phạm khắc phục hậu quả, khách hàng chây ì, không trả nợ, ảnh hưởng đến quá trình xử lý.

Đặc biệt, tại một số địa phương, việc thi hành bản án của Tòa án đã có hiệu lực chậm, dẫn đến chất lượng tài sản bị giảm giá trị và khó bán nên giá trị còn lại không đáng kể, tiền thu hồi của các cá nhân bị tuyên phạt khắc phục hậu quả rất thấp.

Nhân sự làm việc tại một số QTDND đang được kiểm soát đặc biệt xin nghỉ vì thu nhập thấp hoặc không có thu nhập để trang trải cuộc sống. Thêm nữa, tại các QTDND được kiểm soát đặc biệt vẫn phải nợ các khoản BHXH, thuế và các nghĩa vụ tài chính, khó khăn trong việc thuê trụ sở hoạt động do không có nguồn thu. Do vậy, để duy trì tồn tại và hoạt động của các QTDND này là hết sức khó khăn.

Dựa trên tình hình khó khăn, hạn chế của hệ thống QTDND, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo NHNN, các Bộ, Ngành trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu NHNN tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát toàn diện hoạt động của QTDND, thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch định kỳ hoặc đột xuất các QTDND có quy mô lớn, có dấu hiệu không lành mạnh, phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để có giải pháp kịp thời phát hiện những tồn tại, yếu kém, sai phạm, đảm bảo ổn định hoạt động của QTDND và đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội.

Tổng kết, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Bảo hiểm tiền gửi trong đó có quy định điều chỉnh tổ chức, hoạt động của loại hình tổ chức tín dụng là hợp tác xã theo đúng tôn chỉ, mục đích; các phương án xử lý QTDND yếu kém, QTDND được kiểm soát đặc biệt; cơ chế hỗ trợ các tổ chức tín dụng tham gia xử lý các QTDND này.

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan để thực hiện xử lý pháp nhân các QTDND được kiểm soát đặc biệt không có khả năng phục hồi đảm bảo đúng quy định, chặt chẽ, thận trọng và công khai; thống nhất về chủ trương, hình thức, biện pháp xử lý...; hạn chế tối đa tác động tiêu cực và các vấn đề phát sinh sau khi phương án xử lý pháp nhân các QTDND này được các cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện.

Thủ tướng nhấn mạnh, NHNN phải phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Ngành trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thường xuyên trao đổi thông tin và kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, luôn đảm bảo an toàn, lành mạnh, từng bước củng cố phát triển hệ thống QTDND theo mô hình hợp tác xã có hiệu quả, phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế.