Thời gian qua, Đảng, Nhà nước cũng như cả hệ thống chính trị đã vào cuộc mạnh mẽ để bảo vệ tốt hơn cho trẻ em trên môi trường internet. Có thể thấy, hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã được Việt Nam quan tâm xây dựng, tạo cơ sở pháp lý quan trọng, như: Luật Trẻ em, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Tiếp cận thông tin...
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số văn bản quan trọng nhằm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, như: Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030; Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, Việt Nam và các nước ASEAN đã thống nhất thông qua Tuyên bố về Bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bóc lột và lạm dụng trực tuyến trong ASEAN (năm 2019) và Tuyên bố về xóa bỏ bắt nạt trẻ em trong ASEAN trong đó có bắt nạt trẻ em trên môi trường trực tuyến (năm 2021).
Tuy nhiên, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, internet bên cạnh những lợi ích mà trẻ em nhận được qua việc học tập, giải trí..., thì trẻ em cũng đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Một trong những nguy cơ đó là việc trẻ em bị xâm hại qua môi trường mạng nguy hiểm không kém đời thực, những nội dung, hình ảnh được phát tán trên môi trường mạng có thể hiện hữu bất cứ lúc nào, gây tổn thương dai dẳng cho trẻ em.
“Theo ước tính trên thế giới, theo bất kỳ thời điểm nào trong ngày thì có khoảng 750 nghìn đàn ông đang tìm kiếm tình dục trực tuyến với trẻ em, con số này bằng 4 lần dân số của quận Ba Đình (Hà Nội) và hơn 3 triệu tài khoản đang được đăng ký trên 10 trang web lạm dụng tình dục trẻ em nguy hiểm nhất trên các trang web đen. Đây là con số đáng sợ. Do đó cần có hành động khẩn cấp” - Đây là thông tin đáng báo động được bà Lesley Miller, Phó Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam chia sẻ tại hội nghị Hội thảo “Trẻ em trong thế giới số - Giải quyết rủi ro và thúc đẩy cơ hội” do Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) phối hợp với UNICEF tổ chức mới đây.
Theo báo cáo của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111, năm 2022, Tổng đài tiếp nhận gần 420 cuộc gọi về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và 18 lượt thông báo về các kênh/video clip có nội dung độc hại đối với trẻ em. Còn riêng năm tháng đầu năm 2023, Tổng đài tiếp nhận 128 cuộc gọi về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và 3 lượt thông báo về các kênh/video clip có nội dung độc hại đối với trẻ em. Trong 128 cuộc gọi về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng có 124 cuộc gọi tư vấn, chiếm 3,6% trong số cuộc gọi tư vấn chuyên sâu của Tổng đài và 4 ca kết nối, can thiệp cho trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng. Đáng chú ý, trong 124 cuộc gọi tư vấn, có tới 30 cuộc gọi liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng, chiếm 24,2%...
Chia sẻ về những giải pháp nhằm bảo vệ, giải quyết các rủi ro mà trẻ em có thể gặp phải và thúc đẩy cơ hội phát triển lành mạnh cho trẻ em trong thế giới số, ông Nguyễn Ngọc Anh, chuyên gia Chương trình Bảo vệ trẻ em, Quỹ UNICEF tại Việt Nam cho biết: Qua đại dịch Covid-19, các gia đình và trẻ em phụ thuộc internet nhiều hơn để duy trì việc học tập, kết nối với cộng đồng, xã hội, kéo theo đó thì tình trạng trẻ em bị ảnh hưởng tiêu cực cũng cao hơn.
Những gì xảy ra trong môi trường trực tuyến phản ánh xã hội nói chung, cũng như những mối nguy hiểm mà trẻ em phải đối mặt trong gia đình, trường học, cộng đồng - những nơi đáng lý phải là môi trường an toàn cho trẻ em. “Vì vậy, các chiến lược giải quyết vấn đề bắt nạt trực tuyến, xâm hại và bóc lột trên mạng phải là một hợp phần của các chiến lược bảo vệ trẻ em rộng hơn nhằm giải quyết các hành vi bạo lực, xâm hại và bóc lột khác đang diễn ra thông qua các phương thức khác nhau” - ông Nguyễn Ngọc Anh nhấn mạnh. Bên cạnh đó, hợp tác và điều phối giữa các bên liên quan là chìa khóa thành công.
Nhấn mạnh cách tiếp cận đa bên rất quan trọng, theo ông Nguyễn Ngọc Anh, để bảo vệ trẻ em một cách hiệu quả, nhiều bên liên quan cần phải tham gia hành động: Chính phủ, xã hội dân sự, các chuyên gia làm việc với trẻ em, cha mẹ và bản thân trẻ em, cơ quan truyền thông. Hiện nay, UNICEF và Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) xây dựng Hướng dẫn bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng dành cho doanh nghiệp, trong đó, đề ra các giải pháp mà các doanh nghiệp có thể thực hiện để bảo vệ và tôn trọng trẻ em, cũng như để các em sử dụng internet lành mạnh, sáng tạo.
Để bảo vệ và giảm thiểu những nguy cơ mà trẻ em có thể đối mặt trên môi trường internet, Cục trưởng Trẻ em Đặng Hoa Nam cho rằng, cần chung tay để tạo lập cuộc sống, môi trường thế giới số ngày càng an toàn, lành mạnh hơn với trẻ em. Thời gian tới, cần đánh giá nhanh và ở tầm chiến lược, dự báo, những kinh nghiệm, bài học của Việt Nam và quốc tế để có các giải pháp cụ thể hơn, thiết thực hơn nhằm bảo vệ trẻ em an toàn trên môi trường mạng, cũng như thúc đẩy các cơ hội để trẻ em có thể tham gia tích cực hơn trên môi trường mạng...