Tết xưa - Tết nay

Mỗi khi những hạt mưa xuân lất phất bay và khẽ phủ lên vạn vật một lớp sương mù mờ ảo, đấy chính là thời khắc tết đã cận kề. Những ký ức ngọt ngào của tết xưa cứ vương vấn trong tôi khi đang sống trong những ngày Tết cận kề của hiện tại. Tết xưa – Tết nay luôn cùng nhau đan xen với bao điều thú vị.

Mỗi khi qua rằm tháng chạp, việc mà các bà, các mẹ quan tâm là rục rịch chuẩn bị sắm tết cho mỗi gia đình. Tôi là một đứa trẻ lớn lên từ vùng quê hương năm tấn và còn gọi là (vựa lúa) vùng đồng bằng bắc bộ. Bởi vậy, với tôi Tết được hiện hữu trong nhà khi mẹ tôi đi chợ mua những tập lá dong về gói bánh chưng và những gói quà Tết về đến nhà. Nhà tôi có 4 anh, chị em, chúng tôi thi nhau sán vào ngồi ngắm nghía từng món đồ mà mẹ bỏ ra. Trong những gói quà tết, tôi thích nhất là hộp mứt Tết màu hồng có vẽ hình ảnh của hoa đào. Trong cái hộp đó có ít mứt gừng cay cay, mứt bí, mứt cà rốt, và món không thể thiếu được đó là “chứng chim” bên ngoài bọc một lớp vỏ màu trắng, bên trong là nhân bằng lạc ăn rất bùi và thơm,…..Trong túi quà còn có cả thuốc lá, chè, rượu, kẹo, miến, hạt tiêu, mỳ chính. Mẹ tôi cẩn thận cất kỹ các món đồ đấy để dùng cho cái Tết đang tới gần, và mẹ cũng không quên nhắc chị em tôi là không được lấy ăn những món quà tết đó. Chị em chúng tôi năm nào cũng háo hức đến 29 tết được xem bố gói bánh chưng và đợi luộc xong để chúng tôi có những chiếc bánh nhỏ xinh mà mỗi năm tết đến bố đều gói cho mỗi chị em một cái bánh nhỏ, nhìn rất đẹp mắt.

Ngày nay, mỗi khi Tết đến các bà các mẹ không phải đi xếp hàng mua đồ Tết như trước nữa. Các loại rau xanh, thực phẩm, bánh, mứt, kẹo ngày càng nhiều và đa dạng hơn được bán rộng rãi trên thị trường và bán về cả các chợ ở miền quê. Giờ đây, nếu các bà các mẹ bận rộn không đi chợ trực tiếp được có thể mua sắm trực tuyến, đặt mua hàng trên mạng cũng rất tiện lợi và rất tiết kiệm được nhiều thời gian của mình.

Mỗi khi dọn nhà đón Tết luôn mang đến cho tôi cảm giác háo hức, bồi hồi. Gần Tết, mỗi khi nhà trường cho chúng tôi nghỉ học, mẹ tôi bố trí một ngày để cả nhà tập trung dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ để chuẩn bị chào đón năm mới tới. Một ngày thật vui và ý nghĩa. Anh trai tôi phụ bố pha vôi để quét lại toàn bộ các tường bên ngoài ngôi nhà và các bờ tường, cổng nhà cho mới mẻ, còn mấy chị em gái chúng tôi cùng mẹ rửa từng tầu lá dong để chuẩn bị gói bánh chưng, lau chùi và dọn dẹp nhà cửa, bếp cho gọn gàng và sạch sẽ tinh tươm.

anh-tet-anh-minh-hoa-1708309680.jpg

Ảnh minh hoạ

Sau này, khi đã lập gia đình rồi thì vợ chồng tôi cùng các con cũng có một ngày gần tết để dọ dẹp nhà cửa như trước kia còn bé mẹ dậy chúng tôi làm. Còn anh, chị tôi thì vì công việc bận rộn không có thời gian dọn nhà và gần tết đã gọi điện cho một Trung tâm giúp việc để thuê người đến dọn dẹp nhà cửa một cách nhanh gọn, chuyên nghiệp. Như vậy mới thấy được ngày nay thời đại 4.0 và kỹ thuật số thật thuận tiện và đơn giản.

Đối với tôi, ký ức sâu đậm nhất và không bao gờ quên được đó là những ngày gói bánh chưng Tết. Tôi khắc sâu trong tâm trí tôi, những ngày cuối năm mưa phùn, rét đậm, mẹ tôi vo gạo, đãi đỗ và rửa sạch từng chiếc lá dong một, tay mẹ cóng đỏ trong giá lạnh. Nhớ bố tôi người gầy gò ngồi tước từng cái cuống lá dong và chẻ từng cái lạt và mẹ cùng đổ gạo, đổ đỗ, xếp thịt, hành làm nhân bánh cho bố gói. Bố tôi năm nào cũng đảm nhiệm vệc gói bánh chưng cho cả nhà, vì bố gói cẩn thận, chắc chắn mà không cần dùng đến khuôn. Gói bánh xong là đến khâu luộc bánh, cả nhà tôi đều quây quần bên nồi bánh chưng to và kể cho nhau nghe những câu truyện cười vui. Những cây củi to được bố mẹ tôi phơi khô trước đó được đưa vào bếp để luộc bánh chưng, chúng tôi ngồi vây quanh bếp vì trời lạnh, rét và cóng tay nên ngồi cho ấm và hơ tay cho khỏi cóng. Quay đi, quay lại đã đến sáng và chúng tôi háo hức đợi bố vớt bánh chưng ra mang ép để chúng tôi mỗi người có đồng bánh chưng nhỏ xinh mà bố đã gói cho.

Đã rất lâu rồi, tôi không còn được hưởng cái cảm giác gói bánh chưng tại nhà nữa. Vì cuộc sống mưu sinh và gây áp lực trong những ngày giáp Tết khiến cho quỹ thời gian của tôi rất hạn hẹp. Tôi thường hay đặt bánh chưng của một cửa hàng khá nổi tiếng. Thật lạ, tôi không thể tìm lại được hương vị của chiếc bánh chưng mà bố tôi gói ngày xưa nữa.

Ngày Tết, Dù chơi rất nhiều loại hoa, cậy cảnh đẹp nhưng phòng khách nhà tôi không thể thiếu một lọ hoa cổ truyền với sự kết hợp hài hoà, tinh tế , màu sắc như: Thược dược rực rỡ, lay-ơn cứng cáp, violet tím nhạt, hoa cánh bướm dịu dàng, hoa đồng tiền đơn đỏ thắm, đồng tiền kép vàng dịu,….Khi ngắm bình hoa thấy cả một mùa xuân hiển hiện trong nhà mình.

Ngày nay xã hội đã phát triển rất nhiều, có nhiều loại hoa từ các nước được nhập vào Việt Nam. Không chỉ mỗi hoa, các loại hoa quả, cậy trái tạo hình độc đáo cũng được bán rộng rãi vào dịp tết như: Dưa hấu khắc chữ, đào bonsai, bưởi thỏi vàng,…Cho dù như vậy nhưng tôi vẫn giữ nếp xưa, thấy hoa là thấy Tết.

Theo thời gian, mâm cỗ bây giờ đã đơn giản hơn nhiều vì một số món còn rất ít người biết nấu ngon. Theo phong tục, sáng mùng một còn gọi là ngày “Chính đán”, trẻ con chúng tôi xúng xính trong quần áo đẹp, đầu tóc gọn gang, lễ phép chúc tụng ông bà bố mẹ và được mừng tuổi từ những người lớn. Hàng xóm, anh chị em, bạn bè cùng đến nhà nhau chúc tụng trong mấy ngày tết vui vẻ, sum vầy. Sự phát triển của thời đại 4.0 đã thay đổi mạnh mẽ phong tục này. Thay vì đến nhà nhau thì mọi người gọi điện thoại gửi lời chúc mừng năm mới đến mọi người. Nhiều người ở xa, hoặc ở bên nước bạn vẫn cảm thấy ấm áp, gần gũi khi có thể gọi điện thoại nhìn thấy hình nhau để nói chuyện với người thân, gia đình vào ngày Tết.

Trước đây, khi đi chơi, chúng ta muốn chụp ảnh phải gọi người chụp ảnh ở địa điểm đó và nhận những bức ảnh kỷ niệm sau vài ngày hẹn trả. Bây giờ, thời đại 4.0 chỉ với chiếc điện thoại thông minh ai cũng có thể chụp được những kiểu ảnh đẹp của hiện tại và xem ảnh ngay sau khi chụp.

Mặc dù cho thời gian trôi đi rất nhanh, Tến nay đã có rất nhiều thay đổi và tiện ích hơn nhưng Tết xưa với phong tục truyền thống tốt đẹp của cha ông vẫn mãi lưu luyến và khắc ghi trong tim tôi với bao kỷ niệm khắc ghi mà tôi không bao giờ lãng quên.