Tháng 6 nhộn nhịp từ Bắc vào Nam, khởi công 8 công trình giao thông liên tỉnh

Trong danh sách 8 dự án ấn định thời gian khởi công trong quý 2/2023 có 2 tuyến đường Vành đai ngàn tỉ ở 2 thành phố lớn nhất cả nước và 3 dự án cao tốc liên vùng: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 có tổng chiều dài khoảng 53,7 km kết nối 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu. Dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 17.837 tỷ đồng, chia thành 3 dự án thành phần.

huong-tuyen-du-an-cao-toc-bien-hoa-vung-tau-pld-1678895412.jpg
Hướng tuyến dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Trong đó dự án sẽ khởi công sớm nhất là thành phần 3 thi công 19,5 km trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Hiện công tác chuyển bị đã gần như hoàn thành, dự kiến khởi công vào 18/6 tới đây.

Còn lại Dự án thành phần 1 do Ban QLDA thuộc tỉnh Đồng Nai và Dự án thành phần 2 do Ban QLDA 85 (thuộc Bộ GTVT) thi công đoạn tuyến đi qua Đồng Nai và đoạn nối 2 tỉnh dự kiến sẽ khởi công trước ngày 30/6.

Nếu khởi công đúng kế hoạch, dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào khai thác đồng bộ năm 2026.

Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột

Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài 117,5km, qua 2 tỉnh Khánh Hòa (khoảng 32,7km) và tỉnh Đắk Lắk (khoảng 84,8km) với quy mô 4 làn xe. Tổng mức đầu tư Dự án là 21.935 tỉ đồng chia thành 3 dự án thành phần.

cao-toc-khanh-hoa-buon-ma-thuot-pld-1678895412.jpg
Ảnh minh họa

Đến nay công tác thẩm định đã hoàn thành, các khâu phê duyệt đang được triển khai các bước cuối để để khởi công trước ngày 30/6/2023.Dự kiến sẽ tập trung thi công các đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn để hoàn thành vào năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 có tổng chiều dài khoảng 188,2 km, tổng mức đầu tư là 44.691 tỷ đồng.

Dự án đi qua địa bàn 4 tỉnh: An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và TP.Cần Thơ. Các địa phương sẽ làm chủ đầu tư đoạn tuyến đi qua địa phương. Đến nay dự án đang trong giai đoạn chọn nhà thầu thi công, dự kiến sẽ khởi công trước ngày 30/6.

huong-tuyen-cao-toc-chau-doc-can-tho-soc-trang-pld-1678895412.jpg
Hướng tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

Tương tự, dự án sẽ tập trung thi công các đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.

Đường Vành đai 3 - TP.HCM

Tuyến Vành đai 3 ở phía Nam đi qua TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An với tổng chiều dài hơn  76 km. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 76.000 tỉ đồng được chia thành 8 dự án thành phần (4 dự án xây lắp và 4 dự án GPMB).

huong-tuyen-duong-vanh-dai-3-tphcm-pld-1678895412.jpg
Hướng tuyến Đường Vành đai 3 - TP.HCM

Đến nay, 4/4 dự án thành phần xây lắp đã được phê duyệt, đang tập trung triển khai công tác khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật, dự toán. Dự kiến hạn cuối để khởi công là ngày 30/6. Dự án sẽ triển khai trong vòng 3 năm, dự kiến hoàn thành trong năm 2027.

Đường Vành đai 4 – vùng Thủ đô

Dự án Vành đai 4 đi qua địa phận TP.Hà Nội và 2 tỉnh Bắc Ninh. Hưng Yên với tổng chiều dài 112,8km, kinh phí đầu tư hơn 85.000 tỉ đồng. Dự án đặt mục tiêu khởi công đồng bộ trong tháng 6/2023 và hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

huong-tuyen-duong-vanh-dai-4-vung-thu-do-pld-1678895412.jpg
Hướng tuyến Đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô

Dự án được chia thành 7 dự án thành phần (4 dự án thành phần xây lắp, 3 dự án thành phần GPMB) do các địa phương có đoạn tuyến đi qua làm chủ đầu tư. Hiện TP.Hà Nội là địa phương duy nhất đảm bảo tiến độ GPMB, tiến tới khởi công đúng kế hoạch vào tháng 6 tới đây.

2 tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh đang gặp một số vướng mắc tuy nhiên vẫn cam kết sẽ bàn giao 70% mặt bằng sạch trước 30/6 để có thể khởi động thi công dự án.

Xây 2 bắc qua sông Đuống

Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống sẽ xây dựng 2 cây cầu mới bắc qua sống đuống, tách riêng đường sắt với đường bộ, thay thế cầu Đuống hiện hữu. Dự án sẽ kết nối với tuyến quốc lộ 1A cũ, nối trung tâm Hà Nội với các tỉnh phía Bắc.

Cụ thể, Cầu đường sắt Đuống mới sẽ xây dựng về phía thượng lưu sông Đuống, cách cầu hiện nay khoảng 16,5m, trùng vị trí xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1. Chiều dài cầu dự kiến khoảng 330m, với thiết kế đường sắt khổ ray lồng 1.000mm và 1.435mm.

Cầu Đuống đường bộ mới dự kiến xây dựng cách cầu hiện hữu 100m về phía hạ lưu, chiều dài khoảng 472m và chiều rộng 16m.

phoi-canh-cau-song-duong-moi-pld-1678895411.jpg
Phối cảnh cầu sông Đuống mới

Sau khi có cầu mới, cầu Đuống hiện nay sẽ được phá bỏ để tạo luồng đường thủy cho tàu thuyền qua lại dễ dàng. Dự án có 2 gói thầu xây lắp đang trong quá trình mời thầu, dự kiến sẽ khởi công vào tháng 6/2023.

Nâng cấp QL8C đoạn từ Thiên Cầm - QL1 và đoạn từ QL8 đến đường Hồ Chí Minh
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng thi công tổng chiều dài 28km trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Hiện nay, công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn bước thiết kế bản vẽ thi công đang được thực hiện. Dự kiến, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán sẽ được phê duyệt trong tháng 5/2023, lựa chọn nhà thầu thi công, khởi công trong tháng 6/2023. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành năm 2025.

Xây đường tránh phía Đông TP. Đông Hà

Dự án xây dựng tuyến đường trái TP. Đông Hà (Quảng Trị) với tổng chiều dài khoảng 13,3km. Dự án sẽ lựa chọn nhà thầu thi công và khởi công trong tháng 6/2023. Theo kế hoạch, dự án được hoàn thành vào năm 2024.