Thị xã Từ Sơn chính thức lên thành phố từ ngày 1/11

Thành phố Từ Sơn được thành lập trên cơ sở toàn bộ 61,08km² diện tích tự nhiên và quy mô dân số 202.874 người của thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 387 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thành phố Từ Sơn thuộc tỉnh Bắc Ninh.

Theo đó, thành phố Từ Sơn được thành lập trên cơ sở toàn bộ 61,08 km² diện tích tự nhiên và quy mô dân số 202.874 người của thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Thành phố Từ Sơn giáp huyện Tiên Du, huyện Yên Phong và thành phố Hà Nội.

5937_TX-Tu-Son-bacninh

 Thị xã Từ Sơn chính thức lên thành phố.

Sau khi thành lập, thành phố Từ Sơn thuộc tỉnh Bắc Ninh có 12 phường. Tỉnh Bắc Ninh có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 6 huyện và 2 thành phố; 126 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 89 xã, 31 phường và 6 thị trấn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng quyết nghị thành lập TAND thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh trên cơ sở TAND thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh; thành lập Viện KSND thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh trên cơ sở Viện KSND thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2021.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ, HĐND, UBND tỉnh Bắc Ninh và các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tổ chức thi hành Nghị quyết này; sắp xếp, ổn định bộ máy các cơ quan, tổ chức ở địa phương; ổn định đời sống của nhân dân địa phương, bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh trên địa bàn.

Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sắp xếp tổ chức bộ máy, quyết định biên chế, số lượng Thẩm phán, Kiểm sát viên, công chức khác và người lao động của TAND, Viện KSND thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh theo quy định của pháp luật.

“Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có tên gọi gắn với địa danh thị xã Từ Sơn phải hoàn thành việc đổi tên để hoạt động với tên gọi thành phố Từ Sơn kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành”, Nghị quyết nêu rõ.

Thẩm tra trước đó, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội lưu ý đến việc rút kinh nghiệm trong việc tổ chức phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính, xác định lộ trình thực hiện phù hợp, tránh sắp xếp liên tục, trong thời gian ngắn trên cùng địa bàn, gây xáo trộn đời sống, hoạt động của cơ quan nhà nước, người dân và doanh nghiệp./.