Theo các nghiên cứu về sự chú ý của trẻ em, sự chú ý tăng dần theo lứa tuổi. Một số chuyên gia cho rằng thêm một tuổi, khoảng thời gian chú ý của trẻ em sẽ tăng trung bình khoảng 2-5 phút hoặc nhiều hơn. Để khái quát, khoảng thời gian chú ý của trẻ em có thể như sau:
Thời gian chú ý trung bình của trẻ
Tuy nhiên, cần lưu ý những phạm vi trên không phải là tuyệt đối. Nó chỉ giúp chúng ta hiểu và đặt ra những kỳ vọng thực tế hơn trong những hoạt động của trẻ em. Khoảng chú ý của đứa trẻ có thể thay đổi hằng ngày, tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác như trẻ có đói hay mệt không, chúng có ngủ đủ giấc không, chúng quan tâm đến hoạt động này như thế nào, có bao nhiêu thứ gây xao nhãng trong môi trường xung quanh v.v.
Nếu một đứa trẻ thường xuyên có khoảng thời gian chú ý ngắn hơn bình thường, nó có thể là dấu hiệu đáng lưu tâm. Một đứa trẻ năng động có thể gặp khó khăn với các hoạt động tĩnh, hoặc trẻ em mắc các dạng khuyết tật học tập cũng có thể có thời gian chú ý ngắn.
Điều may mắn là có thể cải thiện khoảng thời gian chú ý của trẻ, trong chừng mực lứa tuổi và khả năng của từng cá nhân.
Vài cách để cải thiện khả năng tập trung của trẻ
Các nhà nghiên cứu cho biết, ở lứa tuổi nhỏ, trẻ em phát triển mạnh về thói quen. Do vậy, cha mẹ có thể tập cho trẻ dành ra một khoảng thời gian tại một thời điểm cố định trong ngày để làm các ‘nhiệm vụ tập trung’, biến chúng thành một phần liên tục trong đời sống.
Hãy chia nhỏ các nhiệm vụ. Nếu trẻ nghĩ rằng một nhiệm vụ quá khó khăn, chúng có thể xao nhãng và ngừng chú ý. Cha mẹ hoặc thầy cô có thể chia nhỏ các hoạt động đòi hỏi sự chú ý của trẻ thành những phần nhỏ, hướng dẫn từng bước thay vì giải thích dài dòng.
Ví dụ, thay vì bảo trẻ dọn dẹp đồ chơi trong phòng, hãy nói “Đầu tiên, con hãy nhặt tất cả khối gỗ vào trong giỏ. Sau đó cha/mẹ sẽ nói cho con bước tiếp theo”. Trẻ em thích sự thành công. Đó là một cảm xúc tích cực khiến chúng muốn thử lại. Do vậy, mỗi cấu phần cần đủ đơn giản để khiến trẻ dễ dàng thành công.
Hãy cho phép trẻ có những khoảng nghỉ ngắn giữa các nhiệm vụ. Một đứa trẻ 12 tuổi có thể tập trung gần 40 phút cho một dự án nếu nó được chia thành hai đoạn 20 phút và có thời gian nghỉ 5 phút ở giữa. Trong khoảng thời gian nghỉ, có thể khuyến khích trẻ tập thể dục, đi dạo hoặc chơi với một quả bóng - bất kì điều gì khiến chúng yêu thích và làm máu lưu thông. Tập thể dục là một cách tuyệt vời để kích hoạt não và tăng cường khả năng hiểu biết, ghi nhớ của trẻ.
Bởi vì nhiều trẻ em phải vật lộn để tập trung vào các nhiệm vụ mà chúng không muốn làm nên các bậc phụ huynh, thầy cô phải tìm cách khiến hoạt động đó trở nên thú vị hơn. Trong thời đại kỹ thuật số ngày nay có một thuật ngữ là "game hóa”, tức là biến các nhiệm vụ tẻ nhạt thành một trò chơi.
Các nhà giáo dục tiền tiểu học cho biết “học mà chơi” gần như là cách hữu hiệu nhất khiến trẻ tập trung để tiếp thu kiến thức. Trong khi ở những độ tuổi lớn hơn, một số nghiên cứu cho thấy các hoạt động trò chơi với nội dung và mức độ phù hợp có thể giúp cải thiện khả năng tập trung của trẻ và một số kỹ năng nhận thức khác.
Một đứa trẻ có thể cảm thấy choáng ngợp hoặc bối rối trước những nhiệm vụ khó khăn mà chúng phải làm và dễ dàng nản chí. Do vậy, người lớn cần thường xuyên kiểm tra chúng: “Con có gặp khó khăn gì không? Con có cần sự trợ giúp?”
Bên cạnh đó, hãy khen ngợi những nỗ lực của trẻ. Hệ thống khen thưởng rất có ích cho sự phát triển. Rất nhiều lần, chúng ta ca ngợi hoặc thừa nhận kết quả nhưng không để tâm mấy đến việc đứa trẻ đã nỗ lực thế nào trong nhiệm vụ đó. Thay vì nói “Con không viết đúng tên rồi”, cha mẹ có thể nói “Con đã cố gắng để giữ nét bút trong dòng kẻ, rất tốt”.
Nếu một đứa trẻ cảm thấy chúng có thể được hỗ trợ hoặc được khen thưởng kịp thời, chúng sẽ tự tin hơn trong việc hoàn thành nhiệm vụ, lặp lại hoặc mở ra các nhiệm vụ mới.
Và điều quan trọng là cha mẹ hãy làm gương. Họ phải dành thời gian khi yêu cầu con cái tập trung và chứng minh rằng họ cũng có thể tập trung và chú ý đầy đủ vào một hoạt động hiện tại.
Cách tốt nhất là hãy ở gần trẻ và tạo kết nối với trẻ. Đừng hét lên các yêu cầu với trẻ từ nhà bếp hay phòng bên - cha mẹ cần đứng trước mặt trẻ, giao tiếp bằng ánh mắt và cử chỉ, và nói cho trẻ biết, “Cha/mẹ cần con làm điều này ngay bây giờ”. Nếu trẻ từ chối, hãy tìm hiểu vì sao. Đôi khi điều này có nghĩa là các bậc phụ huynh phải gác điện thoại lại hoặc tắt tivi đi để ngồi xuống với con và thể hiện sự kiên nhẫn.