Thuế thu nhập cá nhân – Cấp thiết nâng mức giảm trừ gia cảnh

Để giải quyết phần nào những bất cập đã và đang tồn tại của thuế thu nhập cá nhân, nhiều ý kiến cho rằng, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là việc làm cấp thiết trong bối cảnh hiện nay…

Theo đó, trong văn bản gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh mới đây trả lời cho phản ánh mức giảm trừ gia cảnh hiện đã quá lạc hậu của cử tri, Bộ Tài chính cho biết, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay đã cao hơn nhiều so với thu nhập bình quân đầu người.

quy-dinh-ve-muc-giam-tru-gia-canh-pld-1691396369.jpg
Quy định về mức giảm trừ gia cảnh được cho là một trong những bất cập về thuế thu nhập cá nhân hiện nay – Ảnh minh họa: ITN

Cụ thể, dẫn Báo cáo khảo sát mức sống dân cư năm 2021 của Tổng cục Thống kê với mức thu nhập bình quân đầu người/tháng của Việt Nam trong năm 2021 (theo giá hiện hành) là 4,2 triệu đồng và nhóm hộ có thu nhập cao nhất (nhóm 20% dân số giàu nhất) là 9,184 triệu đồng/tháng/người, Bộ Tài chính cho rằng, mức giảm trừ thuế thu nhập cá nhân hiện nay đã bằng hơn 2,6 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người. Con số này, theo Bộ Tài chính là cao hơn nhiều so với mức phổ biến các nước đang áp dụng (từ 0,5 đến 1 lần).

Đồng thời, mức giảm trừ gia cảnh cũng cao hơn mức thu nhập bình quân của nhóm 20% dân số có thu nhập cao nhất, mức giảm trừ đối với người phụ thuộc (4,4 triệu đồng/tháng) cũng tương đương mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay.

Với các mức giảm trừ như trên, thì người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc), sau khi trừ đi các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… cũng chưa phải nộp thuế thu nhập cá nhân…

nhieu-y-kien-cho-rang-viec-dieu-chinh-muc-giam-tru-gia-canh-pld-1691396369.jpg
Nhiều ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là yêu cầu cấp thiết hiện nay – Ảnh minh họa: ITN

Thế nhưng, xoay quanh vấn đề về mức giảm trừ gia cảnh, nhiều ý kiến lại cho rằng, quy định về mức giảm trừ gia cảnh trong thuế thu nhập cá nhân hiện nay đã lạc hậu.

Cụ thể, Luật Thuế thu nhập cá nhân được ban hành vào năm 2007 và đến nay đã hai lần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Sau lần điều chỉnh gần đây nhất vào tháng 7/2020 (Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14), mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm), và với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng – Mức giảm trừ này không còn phù hợp.

Bởi lẽ, dù lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát song hiện mức sống của dân cư đã ngày càng tăng cao, trong đó chi phí giáo dục, y tế vốn là những khoản chi phí lớn trong cơ cấu chi tiêu của các hộ gia đình và cũng đã tăng mạnh thời gian qua. Đơn cử, tháng 10/2022, chỉ số giá nhóm giáo dục tăng cao nhất với 2,35% so với tháng 9, trong đó dịch vụ giáo dục tăng 2,64% do một số địa phương thực hiện tăng học phí theo Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh về việc quy định mức thu học phí, các khoản thu dịch vụ phục vụ và hỗ trợ hoạt động giáo dục từ năm học 2022 – 2023 tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn. Bộ Y tế cũng đang dự kiến đến cuối năm 2024, giá dịch vụ khám chữa bệnh tăng 9%, trong đó chi phí do điều chỉnh lương cơ sở kết cấu vào giá chiếm 5%, còn lại là chi phí quản lý…

Thực tế, một khảo sát của Numbeo (trang phân tích dữ liệu về chỉ số chi phí sinh hoạt, chất lượng cuộc sống) công bố tháng 8/2022 cho thấy, chi phí sinh hoạt hàng tháng cho gia đình 4 người tại Việt Nam (không tính tiền thuê nhà) là hơn 37,6 triệu đồng. Đặc biệt, chi phí sinh hoạt hàng tháng cho một người là khoảng 10,5 triệu đồng, riêng tại TP. Hồ Chí Minh, chi phí sinh hoạt trung bình cho gia đình 4 người là khoảng 40 triệu đồng/tháng (không tính tiền thuê nhà) và chi phí trung bình của một người không tính tiền thuê nhà ở mức khoảng hơn 11 triệu đồng/tháng, cao nhất cả nước. Trong khi đó, theo quy định, tổng giảm trừ gia cảnh cho mục đích tính thuế với một gia đình 4 người gồm 2 vợ chồng và 2 con chỉ 30,8 triệu đồng/tháng. Mức này thường được cố định trong một khoảng thời gian dài, trong khi chi phí của người dân có xu hướng tăng qua các năm.

Liên quan đến vấn đề này, thông tin với báo chí, bà Bùi Thị Lệ Phương – Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Tài chính kế toán thuế Centax cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người lao động và đặc biệt với người phụ thuộc cần được điều chỉnh tăng lên, bởi mức 4,4 triệu/người/tháng đối với người phụ thuộc không thể đủ để trang trải chi phí cho một em nhỏ đang học tập. Hoặc, nếu chúng ta không tăng được mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc thì có thể cho giảm trừ các khoản chi phí có hóa đơn chứng từ, chứng minh chi phí cho người phụ thuộc hợp lý, hợp lệ như chi phí khám bệnh, chữa bệnh, chi phí học tập… với mức phù hợp.

Nếu các chi phí hợp lý được khấu trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân sẽ góp phần hạn chế việc trốn thuế, đồng thời tạo thói quen cho người dân lấy hóa đơn chứng từ khi mua bán hàng hóa, từ đó tạo thói quen không dùng tiền mặt.

“Hiện quy định mức giảm trừ gia cảnh đang mang tính cào bằng, trong khi chi phí sinh hoạt ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh rõ ràng cao hơn những nơi khác, thậm chí tiền lương tối thiểu vùng cũng cao hơn, nhưng mức giảm trừ gia cảnh ở các vùng lại giống nhau; đó là bất cập cần nhanh chóng thay đổi…”, bà Phương bày tỏ.

Còn theo GS.TS Hoàng Văn Cường – Ủy viên Ủy ban Tài chính của Quốc hội, những năm qua, CPI mỗi năm tuy chỉ tăng ở mức 3 – 4% nhưng ngay lập tức ảnh hưởng ngay đến đời sống, thu nhập của người dân. Vì vậy, khi CPI có biến động bất thường, phải lập tức điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp chứ không nên để cộng dồn qua các năm, khi nào đạt 20% thì mới điều chỉnh.

Hơn nữa, CPI không phải là tiêu chí duy nhất để điều chỉnh giảm trừ gia cảnh, mà phải căn cứ vào các tiêu chí khác như mức thu nhập bình quân, mức chi tiêu, chi phí cuộc sống người dân đã biến động thế nào.

“Do vậy, tôi cho rằng điều chỉnh mức khởi điểm chịu thuế và mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc là cần thiết lúc này”, vị chuyên gia này bày tỏ.