Do nguồn cung vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ vẫn còn hạn chế và số người mắc bệnh tiếp tục tăng, các bác sĩ và nhà nghiên cứu đang tìm đến thuốc kháng virus đậu mùa tecovirimat để tìm cách giảm gánh nặng bệnh tật. Ở động vật bị nhiễm bệnh đậu mùa khỉ, thuốc kháng virus này đã được chứng minh làm giảm số lượng virus trong cơ thể và giảm số lượng các tổn thương và mụn nước hình thành trên da.
Tecovirimat được Mỹ đầu tư phát triển từ năm 2001 do lo ngại bệnh đậu mùa bị vũ khí hóa. Khi virus đậu mùa xâm nhập vào tế bào chủ và nhân lên, các virus mới hình thành sẽ dùng một loại protein để thoát ra khỏi tế bào đã nhiễm bệnh và tiếp tục lây lan sang các tế bào khác. Tecovirimat ngăn không cho virus tạo ra protein này, làm virus bị mắc kẹt bên trong tế bào nhiễm bệnh, nhờ đó các kháng thể của hệ thống miễn dịch và tế bào T có cơ hội xử lý mầm bệnh.
Virus đậu mùa cùng họ với virus đậu mùa khỉ, đều là orthopoxvirus. Virus đậu mùa khỉ cũng sử dụng một loại protein tương tự, vì thế các nhà khoa học giả thuyết rằng loại thuốc kháng virus đậu mùa có thể chế ngự được bệnh đậu mùa khỉ.
Một thử nghiệm năm 2018 có sự tham gia của 450 người, 90 người trong số đó được dùng giả dược, cho thấy tecovirimat an toàn và ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, vì không thể chủ động lây nhiễm bệnh đậu mùa hay đậu mùa khỉ lên người, tác dụng của thuốc trong việc điều trị các orthopoxvirus ở người ít được nghiên cứu.
Khi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) xem xét phê duyệt tecovirimat cho điều trị bệnh đậu mùa thể nặng vào năm 2018, họ thừa nhận rằng việc thử nghiệm thuốc bằng cách cố tình lây nhiễm virus đậu mùa hoặc bất kỳ loại orthopoxvirus nào khác cho người là không khả thi và vô đạo đức. Thay vào đó, FDA đã đánh giá thuốc dựa trên dữ liệu hiệu quả từ các nghiên cứu trên động vật.
Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm tecovirimat trên động vật linh trưởng không phải người nhiễm virus đậu mùa khỉ và thỏ nhiễm virus đậu mùa. Trong cả hai trường hợp, những con vật được sử dụng tecovirimat 4 ngày sau khi nhiễm bệnh có cơ hội sống sót cao hơn nhiều, phát triển ít tổn thương trên da hơn và có tải lượng virus thấp hơn so với những con được dùng giả dược.
Nhưng chưa có bằng chứng trực tiếp trên người, và các báo cáo về khả năng điều trị đậu mùa khỉ của tecovirimat trong đợt bùng phát bệnh hiện nay vẫn chưa đủ quy mô và tính xác thực. Một vài nghiên cứu quan sát ở một số ít bệnh nhân đậu mùa khỉ cho thấy các tổn thương mới ngừng hình thành trong vòng một ngày sau khi dùng tecovirimat. Và một nghiên cứu đã sử dụng tecovirimat cho 14 người ở Cộng hòa Trung Phi cho thấy tải lượng virus của những người tham gia giảm đáng kể trong vòng 4 ngày. Những nghiên cứu này không thể hiện được hiệu quả của thuốc, vì chúng không có nhóm đối chứng để so sánh.
Đến nay, SIGA, công ty dược phẩm sản xuất tecovirimat có trụ sở ở Mỹ, mới chỉ nhận đơn đặt hàng từ 11 quốc gia, bao gồm Mỹ và Canada, người phát ngôn của công ty cho biết. (Họ từ chối tiết lộ các quốc gia khác.) Có nghĩa là phần lớn các quốc gia vẫn chưa thể tiếp cận loại thuốc này.
Các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng đầu tiên đang được thiết lập ở Canada, Cộng hòa Dân chủ Congo, Vương quốc Anh và Mỹ để thu nhận những người mắc bệnh đậu mùa khỉ nhẹ. Nếu phải nhập viện, họ sẽ có cơ hội nhận thuốc.
Ở một số quốc gia, các bác sĩ đã thử nghiệm sử dụng vaccine đậu mùa để chống lại đậu mùa khỉ, bằng cách tiêm vaccine ngay cho những người tiếp xúc gần với virus đậu mùa khỉ. Nhưng vaccine phải được tiêm hai liều và mất sáu tuần sau liều đầu tiên để đạt được hiệu quả cao nhất, có nghĩa là việc sử dụng vaccine sau phơi nhiễm có thể không hiệu quả lắm. Đây là tình huống mà một loại thuốc kháng virus hiệu quả có thể tạo ra tác động hơn nhiều so với vaccine, theo các nhà nghiên cứu.
Nguồn: