Tòa tuyên án sơ thẩm đối với công ty con của Tập đoàn F.I.T

Mới đây, ngày 25/11, Công ty CP Tập đoàn F.I.T (mã chứng khoán FIT) đã có văn bản thông báo về phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ xảy ra tại Bộ Y tế, Công ty CP Dược phẩm Cửu Long và các đơn vị liên quan”. Trong đó, Dược phẩm Cửu Long (công ty con của FIT) là bên liên quan trong vụ án.

Cụ thể, ngày 24/11, tại phiên tòa sơ thẩm, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Cao Minh Quang – nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế 30 tháng tù (hưởng án treo); bị cáo Dương Huy Liệu – nguyên Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế 24 tháng tù (hưởng án treo); bị cáo Phạm Thị Minh Nga – nguyên chuyên viên Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế, cựu Kế toán trưởng Ban quản lý thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch cúm A/H5N1 Bộ Y tế 15 tháng tù (hưởng án treo); bị cáo Nguyễn Nam Liên – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế, nguyên Phó Trưởng ban Ban quản lý thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch cúm A/H5N1 Bộ Y tế 24 tháng tù và bị cáo Nguyễn Việt Hùng – nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược Bộ Y tế 30 tháng tù về cùng một tội danh là: "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

a1-1669567639.jpg

Phiên tòa sơ thẩm vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ xảy ra tại Bộ Y tế, Công ty CP Dược phẩm Cửu Long và các đơn vị liên quan”.

Đồng thời, với tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, bị cáo Lương Văn Hóa – nguyên TGĐ Dược phẩm Cửu Long bị tuyên phạt 09 năm tù; bị cáo Nguyễn Văn Thanh Hải – nguyên Kế toán trưởng Dược phẩm Cửu Long bị tuyên phạt 06 năm tù và bị cáo Ngô Hữu Hiếu Nghĩa – nguyên GĐ chi nhánh TP HCM, kiêm GĐ điều hành phòng xuất nhập khẩu thuộc Dược phẩm Cửu Long bị tuyên phạt 05 năm tù.

Ngoài ra, Tòa yêu cầu Dược phẩm Cửu Long hoàn trả lại cho Bộ Y tế gần 3,3 tỷ đồng mà các bị cáo và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đã nộp thay cho các bị cáo để bồi thường cho Bộ Y tế và phải bồi thường cho Bộ Y tế số tiền hơn 58,4 tỷ đồng. Dược phẩm Cửu Long có quyền yêu cầu các bị cáo Lương Văn Hóa, Nguyễn Văn Thanh Hải, Ngô Hữu Hiếu Nghĩa và người thừa kế của ông Nguyễn Thanh Tòng, các pháp nhân có liên quan hoàn trả số tiền trên. Nếu có tranh chấp, các bên có quyền yêu cầu giải quyết bằng vụ án dân sự khác theo quy định. Đối với các khoản tiền bồi thường kể từ ngày bản án có hiệu lực, nếu có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án thì người phải thi hành án sẽ chịu thêm lãi trên số tiền chưa thanh toán theo mức lãi suất. Từ ngày bản án được thi hành theo Điều 2 Luật THADS thì các bên được thi hành án, bên phải thi hành án có quyền thỏa thuận thi hành án, có quyền yêu cầu thi hành án, quyền tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 6,7,9 Luật THADS, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo Điều 30 Luật THADS.

Về án phí dân sự sơ thẩm, Dược phẩm Cửu Long phải nộp số tiền là 166,4 triệu đồng.

a2-1669567639.png

Kể từ quý I/2015, Dược phẩm Cửu Long chính thức trở thành công ty con của Công ty CP Tập đoàn F.I.T.

Đối với bản án sơ thẩm đã nêu, FIT khẳng định: Trong ngắn hạn, bản án sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Dược phẩm Cửu Long. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo và toàn thể Cán bộ nhân viên của công ty sẽ nỗ lực để bảo đảm duy trì hoạt động kinh doanh ổn định, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng trong dài hạn. Trên tinh thần thượng tôn pháp luật, Dược phẩm Cửu Long cam kết sẽ thực hiện đúng các quy định pháp luật.

Thêm vào đó, FIT thông báo: Qua tra soát tài chính, kế toán, Dược phẩm Cửu Long phát hiện các sai phạm trong vụ án sản xuất thuốc Oseltamivir diễn ra trong khoảng năm 2006 – 2008 thuộc về trách nhiệm của các cá nhân tham gia Ban điều hành Dược phẩm Cửu Long giai đoạn trên. Trong đó, các bị cáo đã tiến hành hạch toán, sử dụng khoản tiền hơn 3,8 triệu USD (tương đương gần 61,7 tỷ đồng) do các cá nhân Ban Điều hành Dược phẩm Cửu Long giai đoạn 2006 – 2008 quyết định hạch toán giảm giá vốn trái nguyên tắc kế toán, từ đó sử dụng khoản tiền này vào thời điểm 2006 – 2008 cho các việc như chi trả cổ tức cho các cổ đông, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, chi trả thù lao thành viên HĐQT, Ban Kiểm Soát, thưởng và trích các quỹ đầu tư, phúc lợi xã hội của Dược phẩm Cửu Long. Vì vậy, công ty sẽ thực hiện các thủ tục kháng cáo cũng như các thủ tục pháp lý khác nhằm bảo vệ quyền lợi của các cổ đông, nhà đầu tư, các tổ chức liên quan.

Ban lãnh đạo FIT cũng xác định các nội dung liên quan đến vụ án là bài học để FIT siết chặt hơn công tác quản trị, điều hành trên toàn hệ thống. Với bài học kinh nghiệm này, FIT cam kết sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để phòng tránh mọi rủi ro pháp lý phát sinh cho hệ thống trong tương lai.

Kể từ quý I/2015, Dược phẩm Cửu Long chính thức trở thành công ty con của FIT, được FIT đầu tư mạnh cả về vốn và nhân lực. Tính đến Quý III/2022, tổng tài sản Dược phẩm Cửu Long đạt hơn 2.138 tỷ đồng, tăng trưởng đạt 174% so với thời điểm 31/12/2015 (giai đoạn SCIC thoái vốn). Vốn chủ sở hữu đạt hơn 1.443 tỷ đồng, tăng trưởng 154% so với 2015. Hiện tại, hoạt động kinh doanh của Dược phẩm Cửu Long vẫn đang diễn ra đúng theo kế hoạch kinh doanh mà Đại hội đồng cổ đông thông qua. Kết quả lũy kế 9 tháng năm 2022, doanh thu thuần trên báo cáo tài chính hợp nhất của Dược phẩm Cửu Long ghi nhận đạt 670,71 tỷ, tăng 161,86 tỷ so với cùng kì năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 69,081 tỷ đồng. Dự kiến trong năm 2022, doanh thu thuần ước đạt 955 tỷ và lợi nhuận trước thuế đạt 136 tỷ đồng (chưa tính yếu tố ảnh hưởng của bản án lên kết quả kinh doanh).