#kỷ nguyên mới

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp lãnh đạo chủ chốt

Chiều 12/6, tại trụ sở Trung ương Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp lãnh đạo chủ chốt để đánh giá về tình hình và kết quả công việc tháng 4, 5/2024 và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Tham dự cuộc họp, có đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.

vna-potal-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-chu-tri-cuoc-hop-lanh-dao-chu-chot-7427153-742jpg-1718340902.jpg

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Tại cuộc họp, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đánh giá, 2 tháng qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã nỗ lực cố gắng đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực: Phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, công tác cán bộ và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Nổi bật là chúng ta đã tổ chức thành công Hội nghị Trung ương 9; tổ chức Kỳ họp thứ 7 (đợt 1), Quốc hội khóa XV với nhiều nội dung quan trọng, đặc biệt là công tác cán bộ đã được thực hiện đồng bộ, kịp thời, được dư luận cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình cao; đã kiện toàn chức danh Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026; Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026 và chức danh Thường trực Ban Bí thư khóa XIII; Trung ương đã bầu bổ sung 4 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII; đã kiện toàn nhân sự các tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng, Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ ở Trung ương và một số ban chỉ đạo; kiện toàn và cho chủ trương kiện toàn các chức danh lãnh đạo một số cơ quan đảng, nhà nước.

Tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực; kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm; thu ngân sách nhà nước tăng, tình hình tài chính-ngân sách nhà nước tiếp tục được cải thiện. Sản xuất công nghiệp duy trì được đà tăng trưởng; sản xuất nông nghiệp phát triển tốt; an ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm.

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hoá; thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài; tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực. Chính phủ đã hoàn thành, phê duyệt Quy hoạch 6 vùng kinh tế-xã hội; có nhiều giải pháp quyết liệt để tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy các công trình, dự án quan trọng quốc gia, phát triển nhà ở xã hội, bình ổn thị trường vàng, thị trường tín dụng. Cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 về "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Công tác an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm.

Bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch, thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh với nhiều dấu ấn tốt, đặc biệt là các hoạt động và Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024); công tác phòng, chống dịch bệnh, thiên tai được tích cực triển khai... Các lĩnh vực kiểm tra, kỷ luật, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Hoạt động đối ngoại diễn ra thiết thực, hiệu quả, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam.

vna-potal-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-chu-tri-cuoc-hop-lanh-dao-chu-chot-7427171-1371jpg-1718340902.jpg

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp lãnh đạo chủ chốt. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Về một số công việc trọng tâm trong thời gian tới, lãnh đạo chủ chốt nhấn mạnh, bên cạnh những thời cơ và thuận lợi, chúng ta đang và sẽ đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức do tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn, xung đột leo thang; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh tác động nặng nề..., vì vậy các cấp, các ngành tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, thống nhất; phối hợp nhịp nhàng, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ có hiệu quả. Cụ thể là:

1. Thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Có giải pháp ổn định thị trường, giá cả, nhất là đối với xăng, dầu, các hàng hóa thiết yếu, nhà ở và lương thực, thực phẩm. Thực hiện các giải pháp đồng bộ, hiệu quả quản lý chặt chẽ thị trường vàng gắn với giữ vững tỷ giá, ổn định kinh tế vĩ mô. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, các công trình, dự án, hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia.

Khẩn trương triển khai các quy hoạch đã ban hành, nhất là Quy hoạch Điện VIII, các vùng, các tỉnh; tập trung hoàn thành việc phê duyệt các quy hoạch còn lại. Chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch phù hợp, bảo đảm đủ điện, nước, xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt.

Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật, nhất là đối với các luật mới có hiệu lực; bảo đảm hiệu quả, đồng bộ, kịp thời. Thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, thực hiện Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030". Tăng cường các biện pháp phòng, chống thiên tai, cháy nổ, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn; bảo đảm an toàn giao thông, an ninh, an toàn thực phẩm.

2. Tập trung làm tốt các công việc để chuẩn bị chỉ đạo đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng; tập trung hoàn thiện dự thảo các văn kiện Đại hội XIV của Đảng để trình Hội nghị Trung ương 10 theo kế hoạch, rà soát, bổ sung quy hoạch các cấp để chuẩn bị cho đề án nhân sự đại hội đảng các cấp.

Tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi.

Chỉ đạo, đôn đốc các tổ chức đảng khắc phục những vi phạm, khuyết điểm đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng kết luận. Tích cực tuyên truyền, giáo dục, kịp thời định hướng tư tưởng, dư luận về công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...

3. Bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Triển khai có hiệu quả công tác đối ngoại, tăng cường quan hệ với các nước, các đối tác quan trọng, ưu tiên, thúc đẩy và tổ chức chu đáo các sự kiện đối ngoại trong và ngoài nước, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước.

4. Làm tốt công tác cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ; đẩy mạnh đấu tranh, xử lý hiệu quả thông tin xấu, sai sự thật, thông tin chống phá của các thế lực thù địch... Chấn chỉnh tình trạng một số cơ quan báo chí chấp hành không nghiêm quy định thông tin, tuyên truyền; đưa các tin, bài thiếu kiểm chứng, hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, gây hoang mang, ảnh hưởng tiêu cực trong xã hội.

5. Thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, công tác dân tộc, tôn giáo nhằm hạn chế những tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

BÀI LIÊN QUAN