Trái phiếu doanh nghiệp: Cơ hội lớn nhưng rủi ro cũng nhiều

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian gần đây có sự tăng trưởng nhanh và vượt quy mô phát hành trái phiếu chính phủ, điều chưa từng xảy ra trước năm 2018. Nhưng các chuyên gia nhận định, đang có hiện tượng “vàng thau lẫn lộn”. Các nhà đầu tư tham gia đông nhưng đôi khi không nắm được thông tin và hiểu biết hạn chế, tạo ra nhiều rủi ro cho thị trường.

Tăng trưởng mạnh mẽ: Cơ hội lớn nhưng rủi ro cũng nhiều

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam đang có những bước phát triển ấn tượng. Theo dữ liệu công bố mới nhất của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, 7 tháng đầu năm 2021, có 376 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị phát hành đạt 235.094 tỷ đồng, tăng gần 31% so với cùng kỳ năm 2020.

Với hơn 10 năm hình thành và phát triển, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày càng khẳng định vai trò góp phần cân đối kênh dẫn vốn trên thị trường tài chính trong việc trợ giúp các doanh nghiệp huy động vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, giảm dần sự phụ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng.

Anh 1
Tọa đàm trực tuyến “Phát triển Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Cân bằng lợi ích giữa nhà phát hành và nhà đầu tư”)

Hai năm trở lại đây, sự phát triển đột phá của thị trường trái phiếu doanh nghiệp về mặt quy mô đã gây ra sự chú ý lớn đối với xã hội. Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử, trong hai năm liên tiếp 2019 - 2020, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công vượt tổng giá trị trái phiếu Chính phủ phát hành trên thị trường. Tính riêng năm 2020, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt mức kỷ lục 429,5 nghìn tỷ VND, tăng 28,3% so với năm 2019.

Mặc dù khung pháp lý về phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã bám sát sự chuyển động và phát sinh của thị trường, có những thay đổi căn bản theo hướng phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tuy nhiên, sự phát triển nóng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, cũng như các diễn tiến thực tiễn quá trình vận hành của thị trường trái phiếu hiện nay vẫn tồn tại một số bất cập, tiềm ẩn rủi ro đối với các chủ thể tham gia thị trường. trong đó có các nhà đầu tư cá nhân đang mua trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu theo "phong trào".

Ngày 16/8 vừa qua, Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy đã chủ trì tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Phát triển Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Cân bằng lợi ích giữa nhà phát hành và nhà đầu tư” với mục tiêu tái nhận diện bức tranh thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay. Từ đó bàn thảo và đề xuất các nhóm giải pháp nhằm cân bằng lợi ích giữa nhà phát hành và nhà đầu tư.

Anh 2
Ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch Hội đồng quản trị FiinRatings cho rằng sự tăng trưởng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đi kèm những rủi ro đáng báo động.)

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch Hội đồng quản trị FiinRatings nhận định, bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang mở ra cơ hội rất lớn, nhưng rủi ro cũng nhiều. Sức đại chúng của thị trường này bắt đầu lớn. Kênh trái phiếu doanh nghiệp giúp doanh nghiệp tiếp cận được vốn cho phát triển trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19 trong thời gian qua.

“Tính riêng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành, số dư trái phiếu tương đương khoảng 12% số dư nợ của hệ thống ngân hàng, nếu so với phần dư nợ trung và dài hạn thì trái phiếu doanh nghiệp chiếm khoảng 30%. Điều này chứng tỏ trong một số năm vừa qua, nếu không có kênh dẫn vốn trái phiếu doanh nghiệp thì nhiều doanh nghiệp đã phá sản và hệ thống ngân hàng cũng chịu nhiều gánh nặng. Vốn tự có của ngân hàng bây giờ không thể đáp ứng được nếu cộng phần trái phiếu doanh nghiệp vào bảng cân đối kế toán của ngân hàng”, ông Thuân nhìn nhận.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, cùng với sự tăng trưởng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp là những rủi ro đáng báo động.

“Chúng tôi có rà soát và thấy rằng, một số doanh nghiệp có thể phát hành với chi phí vốn lãi suất thấp hơn nhiều so với những doanh nghiệp dự án, do các dự án có tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, trong phương pháp luận cơ bản của xếp hạng tín nhiệm cũng như để bảo vệ trái chủ và nhà đầu tư, thì tài sản thế chấp không có giá trị, ngoại trừ trường hợp ngân hàng phát hành riêng lẻ”, ông Thuân chia sẻ.

Về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho biết, dù đa số các trái phiếu này đều có tài sản đảm bảo đảm khi phát hành, tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm 2021, chiếm 28 - 30% số lượng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành là không có tài sản đảm bảo.

Anh 3
TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia ngân hàng)

Còn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia ngân hàng, rủi ro của thị trường nằm ở chỗ rất nhiều trái phiếu được phát hành bởi các công ty bất động sản và không có tài sản bảo đảm nhưng lãi suất rất cao. Các nhà đầu tư phần lớn là cá nhân, ít có khả năng phân tích các chỉ tiêu tài chính, qua đó, nắm bắt được khả năng trả nợ của nhà phát hành. Ông Hiếu cho rằng, thị trường này mang tính rủi ro rất cao, đặc biệt là trái phiếu của các công ty bất động sản.

"Nếu trái phiếu phát hành được bảo đảm bằng cổ phiếu của các nhà phát hành thì rủi ro của việc này là khi nhà phát hành rơi vào tình cảnh mất khả năng trả nợ, đồng nghĩa với việc tài chính của doanh nghiệp gặp rủi ro cao thì giá cổ phiếu trên sàn sẽ giảm sâu hoặc không còn giá trị. Việc xử lý tài sản thế chấp là không thể, vậy nên các doanh nghiệp phát hành trái phiếu luôn cần một tổ chức trung gian giám sát để chịu trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư", ông Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

Ngoài ra, theo ông Hiếu, rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang tăng lên với những doanh nghiệp chưa niêm yết, doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, tình hình tài chính không quá tốt và nhất là không có xếp hạng tín nhiệm nhưng vẫn huy động vốn thành công.

TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính cho rằng, hiện nay có sự bất cân đối về thông tin giữa người bán và người mua. Người bán nắm nhiều thông tin hơn nhưng không công bố, minh bạch cho người mua biết. Từ đó dẫn đến sự sai lệch giữa giá cả và chất lượng, gây rủi ro cho các nhà đầu tư.

“2 năm gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, trong đó có sự gia tăng số lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia. Các nhà đầu tư này không nắm được nhiều thông tin và hiểu biết hạn chế, nên tạo ra nhiều rủi ro cho thị trường”, ông Độ chia sẻ.

Cần xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ hơn

Thực chất, trái phiếu doanh nghiệp là một khoản vay của doanh nghiệp, có thể được bảo lãnh phát hành bởi ngân hàng thương mại hoặc dựa vào uy tín của chính doanh nghiệp đó hoặc tài sản bảo đảm là cổ phiếu của chính doanh nghiệp phát hành. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn sẽ là rủi ro với các nhà đầu tư mua trái phiếu của những doanh nghiệp này.

Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển theo đúng mục đích và ý nghĩa, cân bằng lợi ích giữa nhà phát hành và nhà đầu tư, các chuyên gia cho rằng cơ quan quản lý cần đưa ra những giải pháp đồng bộ để thúc đẩy thị trường phát triển tốt; minh bạch hóa thông tin; chuẩn mực kế toán; kiểm toán; phát triển thị trường thứ cấp và gắn với kiểm soát rủi ro...

Anh 4
 Ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, Quyền Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán VnDirect chia sẻ tại Tọa đàm)

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, Quyền Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán VnDirect cho rằng, để đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường trái phiếu nói riêng và thị trường vốn nói chung, đòi hỏi sự phát triển đồng bộ của tất cả các thành phần tham gia vào sự vận hành của thị trường. Dù ở góc độ nào, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư, đều phải đặt ra bài toán cân bằng giữa rủi ro và lợi ích. Đặc biệt, cần xử lý nghiêm những hành vi cố tình không minh bạch để lừa đảo nhà đầu tư, phải có cơ chế và hệ thống để phát hiện được kịp thời và xử lý những hành vi đó.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Đức Độ cho rằng, theo quy định hiện hành, phần lớn các chế tài xử phạt chỉ quy định mức xử phạt tối đa bằng tiền. Chỉ có 2 hành vi vi phạm là giao dịch nội gián và thao túng thị trường chứng khoán là được quy định xử phạt theo mức độ trục lợi và gây tổn hại với nền kinh tế.

“Cần chỉnh sửa, bổ sung chế tài để các mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng căn cứ theo mức độ trục lợi và gây thiệt hại thì các chế tài mới có tính răn đe cao...”, ông Nguyễn Đức Độ đề xuất.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Fiin Ratings, ông Nguyễn Quang Thuân lại cho rằng hiện nay Việt Nam đang thiếu thị trường trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sơ cấp quy mô đang lớn dần, nhưng chỉ phát triển dài hạn và bền vững khi hình thành thị trường thứ cấp.

Hiện tại thị trường thứ cấp giao dịch chủ yếu là OTC (thị trường tự do) thông qua nền tảng của các công ty chứng khoán hoặc giao dịch trao tay. Theo thông lệ quốc tế, thị trường trái phiếu thanh khoản sẽ không thể lớn như thị trường chứng khoán bởi vì nhà đầu tư mua trái phiếu là để giữ cho dài hạn thay cho tiết kiệm và tiền gửi.

“Nếu nhìn nhận 3 - 5 năm nữa rủi ro gì cho hệ thống tài chính Việt Nam, thì chúng ta cần phải tiếp tục theo dõi và hoàn thiện thị trường trái phiếu doanh nghiệp để tránh việc đổ vỡ. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp đứt dòng tiền nên sẽ nảy sinh 2 vấn đề. Một là, trái phiếu là điều kiện để doanh nghiệp tái cấu trúc dài hạn hơn, bởi mô hình kinh doanh của doanh nghiệp vẫn tốt, dòng tiền vẫn có, chỉ là bị lùi lại vài tháng do COVID-19. Hai là, một số doanh nghiệp hoặc ngành nghề sẽ bị đứt thanh khoản, việc này hệ lụy đang diễn ra”, ông Thuân nhận định.

Dưới góc độ quản lý, ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tín dụng (Bộ Tài chính) khuyến nghị, đối với trái phiếu có tài sản bảo đảm nhưng cổ phiếu chưa được niêm yết trên thị trường thì rủi ro đối với các nhà đầu tư ở đây là không thể xác định được giá tài sản bảo đảm của cổ phiếu đó. Nếu cổ phiếu đó không có tính thanh khoản trên thị trường, khi doanh nghiệp xảy ra vấn đề, nhà đầu tư sẽ mất vốn.

Các chuyên gia cho rằng cần có những chính sách tốt hơn về công bố thông tin để nhà đầu tư tránh được rủi ro. Đến năm 2023, các quy định về xếp hạng tín nhiệm mới thể hiện những ràng buộc mang tính pháp lý. Đây cũng là khoảng thời gian hợp lý để thị trường có thời gian làm quen và có những đánh giá ban đầu về chất lượng của các dịch vụ đánh giá xếp hạng tín nhiệm vẫn còn non trẻ của Việt Nam. Sự tiếp nối của các văn bản pháp lý mới sẽ góp phần tạo nền móng cho sự phát triển của thị trường này.