#kỷ nguyên mới

Triển lãm trực tuyến về chợ xưa Hà Nội

Triển lãm giới thiệu nhiều hình ảnh về chợ Đồng Xuân, chợ Bưởi, chợ hoa tết, các phiên chợ truyền thống, những gánh hàng rong trên khắp phố phường Hà Nội xưa từ thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX.

Với mong muốn đưa công chúng trở về với những ký ức xưa về chợ xưa của Hà Nội trong dòng chảy của lịch sử qua những tư liệu, hình ảnh sinh động về chợ và phố chợ, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) tổ chức triển lãm tài liệu trực tuyến “Ký ức chợ xưa”. Triển lãm bắt đầu diễn ra từ ngày 25/4/2022.

Theo ban tổ chức, “kinh đô Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay là một trung tâm kinh tế - văn hóa lớn của cả nước, chợ vẫn luôn đóng vai trò quan trọng tất yếu trong sự phát triển của vùng đất này. Nền kinh tế của thành phố dựa trên một mạng lưới chợ hình thành giữa khu phố cổ Hà Nội và các vùng lân cận. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội còn được gọi là Kẻ Chợ - nơi hội họp buôn bán đông đúc của cả vùng”. Chợ không chỉ có ở các phường nghề mà còn họp ở cửa thành, cửa sông, bến đò... Ngoài những chợ lớn, Thăng Long - Hà Nội còn vô số những chợ nhỏ, chợ lưu động, không tên mà ở đó những người bán hàng rong, những người tự sản xuất mang sản phẩm của mình ra bán, chẳng cần hàng quán và họp ở tất cả những nơi nào đông người qua lại.

Có thể hình dung cảnh tượng tấp nập này qua những dòng mô tả của Labarthe (tác giả của cuốn “Hanoi, capitale du Tonkin” - Hà Nội, thủ phủ xứ Bắc Kì): “Đột nhiên ở đầu phố, theo bước chân chạy đều của hai lính mặc quần áo đỏ và trong tiếng trống, người ta thấy giãn ra một lối đi. Ngay lập tức mọi tiếng động ngừng hẳn. Những người bán hoa quả, thịt lợn... cùng với hàng hóa biến mất như có phép lạ...Viên quan đi qua, chợ trở lại bình thường...”.

Những hình ảnh chợ xưa như chợ Đồng Xuân, chợ Bưởi, chợ hoa tết, các phiên chợ truyền thống, những gánh hàng rong trên khắp phố phường Hà Nội xưa từ thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX sẽ được tái hiện qua hai chủ đề chính của triển lãm: Chuyện quy hoạch và Những ký ức xưa.

Để xem triển lãm, khách tham quan có thể nhấp vào đây

Một số hình ảnh tại triển lãm:

cho-xua-hn-anh1-1651140405.jpg
Hà Nội đã đổi khác khi chính thức trở thành nhượng địa của Pháp vào năm 1888. Chính quyền quản lý xã hội theo luật của Pháp quốc. Trong giai đoạn này, thuế chợ là nguồn thu chính của ngân sách nên Hội đồng thành phố quyết định cho tăng số phiên ở các chợ, áp thuế môn bài và thuế chợ đối với người bán hàng trong phạm vi thành phố, kể cả người bán hàng rong. Trong ảnh là Nghị định ngày 01/01/1894 của Đốc lý Hà Nội quy định người bán hàng rong phải có được Đốc lý cấp phép và giấy phép có thời hạn tối đa là 3 tháng. Nguồn: TTLTQG I
cho-xua-hn-anh2-1651140348.jpeg
Để đảm bảo đường phố được thông thoáng, sạch đẹp, chính quyền cũng ban hành những quy định về việc sử dụng vỉa hè để bán hàng. Theo đó, việc bán hàng trên vỉa hè sẽ được cấp phép theo từng năm và chỉ được diễn ra trên các phố trong khu buôn bán (khu phố cổ ngày nay). Người bán hàng rong cũng phải chịu các thuế phí theo quy định của thành phố. Chính vì thế nguồn thu từ những gánh hàng rong cũng chính là một trong hai nguồn thu lớn của ngân sách. Trong ảnh là Nghị định số 4490 ngày 27/11/1906 của Đốc lý Hà Nội quy định việc sử dụng vỉa hè trên các phố để bán hàng. Nguồn: TTLTQG I
cho-xua-hn-anh3-1651140348.jpeg
Chợ phố Hàng Tre. Xưa kia, phố ở sát ngay bờ sông Hồng, thuận tiện cho việc bốc dỡ tre nứa nên đã có những "sạp" bán tre nứa tại đây, từ đó thành tên. Nguồn: Flickr
screen-shot-2022-04-26-at-30719-pm-1651140348.png
Bản đồ Hà Nội năm 1880, có thể thấy bốn chợ: Marché de la rue du Riz (Chợ phố Hàng Gạo - chợ Đồng Xuân),Marché de la rue des Bambous (Chợ phố Hàng Tre), Marché de la rue de la Citadelle (Chợ phố Đường Thành - chợ Hàng Da), Marché de la rue des Cartes (Chợ phố Hàng Bài). Nguồn: TTLTQG I
cho-xua-hn-anh5-1651140543.jpg
Một số thông tin trong triển lãm về chợ Đồng Xuân xưa. Nguồn: TTLTQG I
2cho-xua-hn-anh6-1651140575.jpg
Để được bán tại chợ hoa bờ hồ, người dân phải tham gia đấu thầu chỗ ngồi trong "quán bán hoa" của thành phố tại góc đại lộ Đinh Tiên Hoàng và phố Anh Quốc (nay là phố Hàng Khay). Nguồn: TTLTQG I