Khoảng 7h ngày 9/8, nhiều người đang tập thể dục trong Công viên Tao Đàn trên đường Huyền Trân Công Chúa (quận 1, TPHCM). Lúc này, nhánh cây to bất ngờ bị gãy, rơi xuống trúng ít nhất 5 người đứng bên dưới, khiến 2 nạn nhân tử vong tại chỗ.
Trong số 3 bệnh nhân bị thương phải nhập viện, có 2 trường hợp được cấp cứu ở Bệnh viện Nhân dân 115 (một ca phải phẫu thuật) và một phụ nữ được theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Trao đổi với PV Pháp luật & Phát triển, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho hay, vụ tai nạn có nguyên nhân từ nhánh cây xanh gãy rơi xuống khiến 2 người tử vong, 3 người bị thương là nghiêm trọng.
Cơ quan chức năng sẽ xác minh nguyên nhân dẫn đến sự cố trên xảy ra, đồng thời xem xét để xác định trách nhiệm pháp lý của các tổ chức, cá nhân có liên quan, xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo quy định, cây xanh nơi công cộng sẽ có đơn vị tổ chức, cá nhân quản lý, chăm sóc và bảo vệ. Pháp luật có quy định, trong trường hợp cây xanh gãy đổ gây thiệt hại, đơn vị quản lý cây xanh phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 604 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Theo đó, nếu cây cối gây ra thiệt hại, người quản lý, sở hữu cây cối đó phải bồi thường. Pháp luật cũng quy định, trường hợp người quản lý cây xanh có lỗi, gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản của người khác thì phải bồi thường.
Các cơ quan chức năng sẽ làm rõ cây xanh này được trồng, chăm sóc, quản lý như thế nào, trước khi vụ tai nạn xảy ra, cây này có nguy cơ gãy đổ hay không, bằng mắt thường có thể quan sát được hay không. Pháp luật quy định, trong trường hợp có tai nạn liên quan cây xanh, dẫn đến có người tử vong mà có lỗi của người khác thì người có lỗi có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự, trường hợp người này không có lỗi chỉ đặt ra vấn đề bồi thường dân sự.
Vì vậy, trường hợp cây xanh có nguy cơ gãy đổ hoặc cán bộ được phân công, giao nhiệm vụ cắt tỉa để đảm bảo an toàn nhưng lại không thực hiện dù biết rõ có nguy cơ xảy ra hậu quả thiệt hại về người và tài sản, khi đó sẽ quy người này là có lỗi. Trường hợp cây xanh nhánh gãy có khiếm khuyết bên trong không thể hiện bên ngoài, cành tươi và lá xanh bình thường, mắt thường không nhận ra và không ai được giao nhiệm vụ cắt tỉa, trách nhiệm hình sự sẽ không được đặt ra. Tuy nhiên, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự có thể được đặt ra nếu như các bên dân sự có yêu cầu và tòa án giải quyết.
Được đền bù ra sao nếu ô tô bị cây đè trúng do mưa lớn?
Trước đó, nhiều trường hợp cây xanh trên các tuyến phố bị gãy đổ, đè trúng xe ô tô đỗ dưới lòng đường làm hư hại. Nhiều người dân cũng thắc mắc rằng ai sẽ là người bồi thường cho những thiệt hại đó.
Ngày 20/4, cơn mưa dông lớn kéo dài tại Hà Nội đã khiến nhiều cây xanh trên một số tuyến phố trung tâm Thủ đô bị gãy đổ, thậm chí bật gốc đè lên ô tô và xe máy, làm hư hỏng tài sản của người dân.
Ở khu vực phố Quán Sứ - Tràng Thi (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), một cây xanh lớn bật gốc đè vào hai chiếc ôtô đang dừng đỗ ven đường. Thân cây lớn đè lên chiếc xe Audi làm phần nóc và kính sau của chiếc xe bị hư hỏng nặng.
Tại khu vực đường Trần Phú (quận Hà Đông, Hà Nội), một chiếc xe ô tô bị hai cây lớn đè trúng, hư hại ở phần kính chắn gió và móp phần nắp capo.
Ở vụ việc khác, 6 người đã may mắn thoát nạn khi cây xanh trên đường Ngô Gia Tự (quận 10) bất ngờ gãy ngang thân, rơi xuống đường đè trúng chiếc ô tô, khiến phương tiện móp méo. Người dân sống 2 bên đường chạy ra ứng cứu, cạy cửa ô tô đưa 6 người trong xe thoát ra ngoài.
Chia sẻ với PV Pháp luật & Phát triển, Luật sư Nguyễn Doãn Hùng (Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam - Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho hay, Điều 604 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra”.
Như vậy, trong trường hợp trời mưa, cây xanh bật gốc gây ra thiệt hại mà người bị thiệt hại không có lỗi, sự việc không phải là bất khả kháng, việc đỗ xe là đúng nơi quy định thì người quản lý cây xanh phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do cây cối gây ra.
Thiệt hại sẽ bao gồm chi phí sửa chữa xe, chi phí điều trị cho người bị thương, tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút và các chi phí phát sinh trong quá trình sửa chữa chiếc xe này.
Phân tích sâu hơn về lý do đơn vị quản lý cây xanh phải bồi thường, luật sư Hùng cho rằng, đơn vị quản lý cây xanh có nhiệm vụ quản lý và chăm sóc cây xanh. Để bảo vệ cây xanh và phòng tránh những trường hợp cây đổ ngã có thể xảy ra thì đơn vị được giao quản lý phải có trách nhiệm tiến hành chặt, tỉa cành những cây có nguy cơ gãy đổ cao trước mùa thiên tai, mưa bão. Vì vậy, cơ quan này là đơn vị chịu trách nhiệm chính về bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra.
Luật sư Hùng lưu ý, trong một số trường hợp, dù thiệt hại có xảy ra nhưng chủ xe sẽ không được bồi thường nếu sự cố xảy ra do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng.
Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: "Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép".
Do đó, thiệt hại nếu được xác định là do sự kiện bất khả kháng hoặc bên bị thiệt hại có lỗi thì chủ xe sẽ không được bồi thường.
Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra".