Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ tập trung đổi mới, hiện đại hóa quản trị doanh nghiệp

PV
Nỗ lực vượt qua năm 2021 - một năm đầy khó khăn với kinh tế Việt Nam và toàn cầu trong bối cảnh những tác động tiêu cực từ do dịch bệnh Covid-19 gây ra vẫn tiếp tục kéo dài, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước tiếp tục thể hiện tốt vai trò đầu tàu, dẫn dắt và tạo sức lan tỏa tới các lĩnh vực, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp. Nhân dịp năm mới 2022, đồng chí Nguyễn Hoàng Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch Ủy ban Qu...
null
Đồng chí Nguyễn Hoàng Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

 

PV: Thưa Chủ tịch, năm 2021, mục tiêu của Ủy ban và các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc đã được thực hiện như thế nào và đâu là kết quả nổi bật?

Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh:

Năm 2021, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy, nhiều thị trường bị thu hẹp…, làm ảnh hưởng rất nặng nề đến hoạt động của các Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Ủy ban. Tuy nhiên, do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ đầu năm, sự linh hoạt, chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành, kết thúc năm 2021 tổng doanh thu của 19 Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Ủy ban đạt 826.390 tỷ đồng, bằng 99% kế hoạch năm và tăng 107% so với năm 2020. Lợi nhuận trước thuế đạt 34.390 tỷ đồng, vượt 70% kế hoạch. Tổng nộp ngân sách Nhà nước đạt 62.870 tỷ đồng, vượt 27% kế hoạch.

Các doanh nghiệp thuộc Ủy ban cũng đã tham gia rất tích cực vào công tác phòng, chống dịch COVID-19 và bảo đảm an sinh xã hội, như: Đóng góp, ủng hộ Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19 với số tiền 2.565 tỷ đồng; tham gia tích cực và ủng hộ hàng trăm nghìn máy tính trong chương trình "Sóng và máy tính cho em" do Thủ tướng Chính phủ phát động; chủ động triển khai nhiều hoạt động từ thiện, chương trình an sinh xã hội; huy động cơ sở vật chất, kỹ thuật, hỗ trợ nhân lực, vật lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh của cả nước.

Như vậy, kết quả nổi bật nhất năm 2021 vừa qua chính là các Tập đoàn, Tổng công ty đã thực hiện thành công "mục tiêu kép" theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh; về cơ bản đã hoàn thành các nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh được giao, bảo toàn, phát triển vốn nhà nước. Đặc biệt là những nỗ lực nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, chủ động xây dựng nhiều kịch bản ứng phó linh hoạt với biến động của thị trường.

Những kết quả trên xuất phát từ nỗ lực, quyết tâm cao độ, biến "nguy" thành "cơ" của Ủy ban và các Tập đoàn, Tổng công ty, nhằm duy trì liên tục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thể hiện rõ vai trò đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội, là công cụ để Nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô.

Đặc biệt, Ủy ban đã làm tốt công tác tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ của đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước về: Chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban; thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan đại diện chủ sở hữu được Chính phủ giao; tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh Covid- 19.

Về công tác sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, trong năm 2021 Ủy ban đã quyết liệt: Chỉ đạo 4 Tập đoàn, Tổng công ty tiếp thu ý kiến của các cơ quan liên quan hoàn thiện Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021 - 2025 trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt, chỉ đạo hoàn thành: Cổ phần hóa Tổng công ty Phát điện 2; phương án thoái vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại Tổng công ty Phát điện 3; quyết toán cổ phần hóa Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Chỉ đạo việc tái cơ cấu, tăng, giảm, chuyển nhượng vốn đầu tư của Tổng công ty Hàng không Việt Nam và Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam tại các công ty thành viên. Hoàn thành phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ của Tổng công ty Hàng không Việt Nam. Thông qua chủ trương sắp xếp, tổ chức lại, thành lập các đơn vị hạch toán phụ thuộc của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng công ty Viễn thông MobiFone. Chỉ đạo các Tập đoàn, Tổng công ty thực hiện tái cơ cấu theo các đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chỉ đạo thoái vốn nhà nước tại 6 doanh nghiệp với tổng giá trị sổ sách 574,7 tỷ đồng, thu về 2.637,7 tỷ đồng (gấp 4,6 lần)…

Các Tập đoàn, Tổng công ty cũng đã tích cực triển khai các dự án đầu tư theo kế hoạch. Một số Tập đoàn, Tổng công ty có giá trị đầu tư thực hiện lớn là: Tập đoàn Điện lực Việt Nam ước đạt 18.194 tỷ đồng (90,1% kế hoạch), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam ước đạt 5.095 tỷ đồng (97,2% kế hoạch), Tổng công ty Viễn thông MobiFone ước đạt 6.245 tỷ đồng (79,1% kế hoạch), Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước ước đạt 6.895 tỷ đồng (70% kế hoạch), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam ước đạt 3.235 tỷ đồng (65% kế hoạch), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ước đạt 19.600 tỷ đồng (44% kế hoạch). Trong đó, có một số dự án trọng trọng điểm đã được triển khai như dự án nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Thủy điện Ialy mở rộng, Nhiệt điện Quảng Trạch I; các dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất, Nhà ga hành khách T2 Cát Bi, mở rộng, nâng cấp sân bay Điện Biên…

 

01-4-1643724620.jpg
Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh và đoàn công tác của Ủy ban khảo sát, kiểm tra thực tế tại Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình tháng 10/2021

PV: Vậy những vấn đề gì còn tồn đọng, hạn chế trong thời gian qua, cần tiếp tục được khắc phục trong năm 2022 này, thưa Chủ tịch?

Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh:

Bên cạnh các kết quả đạt được, vấn đề còn tồn đọng là việc giải quyết một số công việc thuộc quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước được thực hiện đầy đủ nhưng chưa bảo đảm thời hạn theo quy định.

Bên cạnh đó, một số dự án đầu tư còn chậm tiến độ triển khai và giải ngân, công tác thanh quyết toán các dự án xây dựng cơ bản kéo dài làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực. Tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư của hầu hết các tập đoàn, tổng công ty còn thấp hơn so với kế hoạch do phải giãn, hoãn tiến độ triển khai, thanh toán các dự án để tập trung nguồn lực ứng phó ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Việc tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn tại các tập đoàn, tổng công ty nhìn chung còn chưa theo kịp so với yêu cầu đề ra. Sắp xếp lại nhà, đất còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Một số tập đoàn, tổng công ty chưa thực hiện chế độ báo cáo theo đúng hạn định, đặc biệt là đối với các báo cáo tài chính và giám sát tài chính.

PV: Xin Chủ tịch chia sẻ về những ưu tiên trong kế hoạch năm 2022 của Ủy ban?

Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh: 

Trước tiên, Ủy ban tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền việc hoàn thiện, phát triển mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động để thực hiện tốt hơn chức năng cơ quan chuyên trách, chuyên nghiệp thực hiện thống nhất chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Rà soát, phát hiện và đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý còn bất cập, chưa đồng bộ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với tổ chức và hoạt động của Ủy ban và doanh nghiệp.

Nghiên cứu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các quy định cụ thể về: cơ chế, nội dung và trách nhiệm phối hợp giữa các Bộ, ngành với Ủy ban trong việc quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Ủy ban và các Bộ, ngành để nâng cao vai trò của Ủy ban trong việc thực hiện chức năng phản biện, đóng góp ý kiến với các Bộ, ngành trong quá trình hoạch định cơ chế, chính sách pháp luật và và xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành kinh tế - kỹ thật trung và dài hạn; Thực hiện đầy đủ, đúng quy định của pháp luật, bảo đảm thời hạn các công việc thuộc quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 Tập đoàn, Tổng công ty...

Ủy ban yêu cầu 19 Tập đoàn, Tổng công ty thực hiện nghiêm túc, bảo đảm thời hạn các quy định về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, giám sát tài chính, đánh hiệu quả hoạt động và công khai tài chính, công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước; Thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh Covid 19 vừa phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2022; nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; bảo toàn, phát triển vốn và các nguồn lực Nhà nước giao; đầu tư theo chiến lược, kế hoạch, phù hợp cơ chế kinh tế thị trường, bảo đảm hiệu quả, phát triển bền vững. Đồng thời, chú trọng xây dựng các phương án chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; bảo đảm an toàn, sức khỏe, tính mạng và đời sống cho người lao động;

Ủy ban cũng sẽ tập trung xây dựng Đề án cơ cấu lại Tập đoàn, Tổng công ty theo Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025 và Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước.

Đặc biệt, trong năm 2022, Ủy ban sẽ kiện toàn hệ thống kiểm soát nội bộ để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật. Nâng cao tính minh bạch, công khai và trách nhiệm giải trình, đặc biệt là về tài chính, đầu tư, mua sắm, sử dụng vốn nhà nước. Rà soát, phát hiện và kiên quyết xử lý dứt điểm các doanh nghiệp thua lỗ, dự án đầu tư không hiệu quả, hiệu quả thấp theo nguyên tắc thị trường. Tăng cường kiểm tra, giám sát, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình hoạt động kinh doanh và quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và quản lý, sử dụng vốn nhà nước…, nhằm khẩn trương đổi mới, hiện đại hóa quản trị doanh nghiệp theo cơ chế kinh tế thị trường và các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế.

Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch đã dành cho Cổng Thông tin điện tử Ủy ban cuộc trao đổi này!