Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các Tập đoàn, Tổng công ty ủng hộ 100.000 máy tính cho Chương trình “Sóng và máy tính cho em"

PV
Tối ngày 12/9, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Đây là chương trình đặc biệt trong một năm học đặc biệt, có ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc, thiết thực với hàng triệu học sinh, sinh viên, hàng triệu gia đình trên cả nước, giúp các em học tập hôm nay vì tương lai đất nước.

Thủ tướng,Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương đã dự và chứng kiến lãnh đạo các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, tổ chức… trao máy tính tặng Chương trình ”Sóng và máy tính cho em”. Lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố tham dự Chương trình qua hệ thống hội nghị trực tuyến.

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh và đại diện các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước trực thuộc Ủy ban cũng đã tham dự buổi lễ và trao tặng máy tính cho Chương trình.

1tgg-1631515538.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Chính phủ phát động, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương tổ chức thực hiện

Đối với việc dạy và học trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chúng ta cần đánh giá tác động về nhiều mặt để có phương án giải quyết từng vấn đề căn cơ trước mắt và lâu dài. Một trong những vấn đề nảy sinh khi tổ chức dạy trực tuyến tại những địa phương bị ảnh hưởng dịch bệnh là thiếu thiết bị học và thiếu sóng. Điều này có thể dẫn đến hệ quả thiếu công bằng trong tiếp cận giáo dục, ảnh hưởng tới chất lượng dạy và học.Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Đảng và Nhà nước hiểu rất rõ và chia sẻ với các gia đình, các học sinh, sinh viên đang đối mặt với những khó khăn để thích ứng với việc học tập trong điều kiện dịch bệnh. Đảng, Nhà nước đang xây dựng những giải pháp trước mắt và lâu dài để thích ứng an toàn với dịch bệnh. Trong đó, Chính phủ rất quan tâm đến việc mở cửa an toàn trường học, thực hiện mục tiêu mở cửa lại trường học một cách an toàn, an toàn mới mở cửa. An toàn phải được đặt lên trên hết vì sức khỏe của các cháu, thế hệ tương lai của đất nước, học tập phải an toàn.

“Nhiều gia đình khó khăn, các cháu còn thiệt thòi hơn các bạn cùng trang lứa vì không có máy tính để học trực tuyến, nhiều nơi mạng chập chờn hoặc không có kết nối sóng. Tôi được biết, để thực hiện được chủ trương “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”, nhiều cháu ở miền núi, vùng sâu, vùng xa còn mang sách vở, dựng lán trên đỉnh đồi để có sóng học. Nhiều gia đình không có điều kiện mua máy tính cho con nên các cháu cũng không học trực tuyến được, thua thiệt, tủi thân với bạn bè”, Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng nhấn mạnh: Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Chính phủ phát động, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương tổ chức thực hiện có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc. Ngoài việc hỗ trợ cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn ở các vùng dịch thiết bị học trực tuyến, Chương trình “Sóng và máy tính cho em” góp phần để chúng ta tiến tới phủ sóng Internet ở những vùng còn chưa có sóng và nâng cao chất lượng sóng nhằm thực hiện mục tiêu ứng dụng, phát triển khoa học trong giáo dục, nâng cao dân trí, mở mang tri thức xã hội, góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số.

Mục tiêu chương trình nhằm mang đến băng thông Internet giá rẻ, với các nền tảng dạy học từ xa và với hàng chục triệu chiếc máy tính cá nhân hỗ trợ các cháu. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao các Bộ ngành, địa phương đã hưởng ứng Kế hoạch thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Thủ tướng cũng nhiệt liệt biểu dương các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân, mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh, nhưng với tinh thần “tương thân tương ái” đã sẵn lòng hỗ trợ Chương trình ngay lập tức.

chu-tich-1631515538.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu chứng kiến Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh đại diện các Tập đoàn, Tổng công ty trao máy tính tặng Chương trình ”Sóng và máy tính cho em"

“Tôi được biết nhiều doanh nghiệp đã hỗ trợ rất lớn cho Quỹ Vaccine và hôm nay tiếp tục hành trình nhân ái để kết nối tri thức, kết nối yêu thương, kết nối vùng miền, kết nối tinh thần đoàn kết để góp phần thực hiện khát vọng Việt Nam thịnh vượng, phát triển trong kỷ nguyên xã hội số, đặc biệt là đầu tư cho thế hệ trẻ”, Thủ tướng chia sẻ.

Một trong những mục tiêu ứng phó với dịch bệnh hiện nay là tiến tới mở cửa an toàn trường học để các cháu không phải học trực tuyến. Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành và các địa phương chủ động xây dựng kịch bản trở lại trường học an toàn ở những nơi an toàn, an toàn để học tập. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh việc tiêm vaccine cho trẻ em. 

Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông là đầu mối phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành liên quan và các địa phương phối hợp chặt chẽ để xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông, hiểu một cách đơn giản là “có sóng” cho các cháu, nhất là ở những vùng chưa có sóng hoặc sóng không đạt chất lượng. Đồng thời, xây dựng tiêu chí, điều kiện hỗ trợ máy cho các cháu đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng và sử dụng hiệu quả. Tiếp tục vận động các tổ chức và cá nhân thực hiện chương trình ý nghĩa này.

Bộ Giáo dục và Đào tạo là đầu mối phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng chương trình học đảm bảo thống nhất về nền tảng dạy và học, các tài liệu học để dùng chung, hoặc đáp ứng được yêu cầu hình thức truyền tải kiến thức thông qua việc kết hợp giữa phương pháp học trực tuyến và sử dụng phương tiện truyền thông đại chúng như truyền hình, phát thanh. Đồng thời, các bộ ngành cần thiết kế chương trình thi, đánh giá kết quả gắn với học trực tuyến để đảm bảo chất lượng và tạo tâm lý yên tâm cho các cháu và phụ huynh.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, chương trình “Sóng và máy tính cho em" gồm ba cấu phần chính: Có sóng, có Internet đến tất cả các hộ gia đình; có máy tính cho các em thuộc các hộ nghèo; có giá cước phù hợp cho các máy tính này.

Bộ trưởng cho biết, ngày 7/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với ông về ý tưởng của chương trình theo tinh thần “vừa là học trực tuyến vừa là xây dựng xã hội số”. Tới 9h sáng cùng ngày, Văn phòng Chính phủ đã ra thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng chương trình.

“Một chương trình lớn, có thể nói là rất lớn, liên quan đến toàn quốc, liên quan đến hàng chục triệu học sinh, cần đến sự hỗ trợ giá trị hàng chục ngàn tỷ đồng của rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức và người dân, nhưng do chủ trương đúng, do tính nhân văn của nó, nên chỉ trong vòng chưa đến 5 ngày, bằng sự vào cuộc nhanh chóng, tích cực của rất nhiều bên mà hôm nay, chúng ta đã có mặt ở đây để chứng kiến sự ra mắt của chương trình, chứng kiến những đóng góp đầu tiên lên tới 1 triệu máy tính cho em. Những gì đúng và động đến trái tim thì luôn đi xa và đi nhanh! Một lời hiệu triệu là cả triệu người theo!”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, hiện nay cả nước có gần 20 triệu học sinh phổ thông. Trong đó có hơn 7.350.000 học sinh, thuộc 26/63 tỉnh thành phố trong cả nước  đang triển khai học trực tuyến. Tuy nhiên, theo thống kê ban đầu, tính tới ngày 12 tháng 9, có khoảng hơn 1,5 triệu học sinh (thuộc 213 quận huyện) không thể tham gia lớp học cùng các bạn do thiếu thiết bị. Việc tổ chức dạy học trên truyền hình cho lớp 1 và lớp 2, dạy học bổ trợ cho các lớp khác trên truyền hình cũng gặp những khó khăn lớn về thiết bị, sóng và đường truyền.

Trong bối cảnh đó, Chương trình “Sóng và máy tính cho em” có ý nghĩa lớn để hạn chế bớt sự ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh tới ngành giáo dục, hạn chế khó khăn cho các em học sinh, thể hiện tinh thần nhân ái, chia sẻ tương trợ của toàn xã hội đối với lứa học sinh bị thiệt thòi lớn trong thời dịch bệnh, chăm lo cho thế hệ tương lai, thể hiện một thái độ của cả nước quan tâm tới giáo dục.

1toan-canh-1631515538.jpg
Chương trình “Sóng và máy tính cho em” được kết nối với 63 điểm cầu tỉnh, thành phố qua hệ thống hội nghị trực tuyến

Theo Kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình đặt mục tiêu phủ sóng toàn bộ 283 điểm chưa có kết nối Internet di động tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg và thực hiện học trực tuyến (thời hạn hoàn thành trong tháng 9 năm 2021); phủ sóng toàn bộ 1.910 điểm chưa kết nối Internet di động trên toàn quốc (thời hạn hoàn thành trong năm 2021). Kinh phí dự kiến cho việc này là 3.000 tỷ đồng.

Về hỗ trợ máy tính phục vụ học trực tuyến, chương trình đặt mục tiêu Giai đoạn 1 (trong năm 2021) huy động 1 triệu máy tính cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn quốc; trước mắt ưu tiên cho các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg và thực hiện học trực tuyến. Kính phí dự kiến Giai đoạn 1 khoảng 2.500 tỷ đồng.

Giai đoạn 2 (từ năm 2022 - 2023), tiếp tục phát động Chương trình để huy động mọi nguồn lực trong xã hội, hướng tới mục tiêu 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn quốc được trang bị máy tính để có thể thực hiện học trực tuyến.

Chương trình cũng sẽ có một số hỗ trợ khác cho các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg và tổ chức dạy, học trực tuyến, như miễn phí 100% việc sử dụng các nền tảng dạy, học trực tuyến Việt Nam đã được công bố; miễn phí 4Gb/ngày cho 1 triệu học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo khi được tặng máy tính trong thời gian 3 tháng để học tập trực tuyến; hỗ trợ các gói cước, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ việc dạy và học trực tuyến bao gồm: máy chủ, chỗ đặt máy chủ, đường truyền Internet bảo đảm việc dạy, học trực tuyến. Kinh phí dự kiến 645 tỷ (thời gian trong 3 tháng).

Tính đến cuối buổi lễ, Chương trình đã huy động ủng hộ được hơn 1 triệu máy tính với tổng trị giá khoảng 2.575 tỷ đồng. Trong đó, các Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Ủy ban ủng hộ 325 tỷ đồng gồm: Tập đoàn Dầu khí (Petrovietnam) 60 tỷ đồng; Tập đoàn Điện lực (EVN) 60 tỷ đồng; Tập đoàn Than khoáng sản (TKV) 40 tỷ đồng; Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex) 30 tỷ đồng; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) 30.000 máy tính = 75 tỷ đồng; Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) 30 tỷ đồng; Tổng công ty Viễn thông Mobifone 4.000 máy tính = 10 tỷ đồng,  Tổng công ty Thuốc lá (Vinataba)10 tỷ đồng; Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) 20 tỷ đồng.