Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong Công an nhân dân hiện nay

Tóm tắt: Kế thừa những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng đảng kiểu mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhân tố quan trọng hàng đầu, quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Trong di sản tư tưởng của Người, kiểm tra, giám sát là biện pháp hữu hiệu góp phần tạo thành sức mạnh, năng lực, uy tín của Đảng; sửa đổi lề lối làm việc của cán bộ; tạo dựng niềm tin của nhân dân. Những quan điểm này vẫn còn nguyên vẹn giá trị thời đại đối với toàn hệ thống chính trị, trong đó có lực lượng Công an nhân dân.

Trên cơ sở nghiên cứu những quan điểm của Người, bài viết chỉ rõ luận cứ khoa học và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng trong Công an nhân dân hiện nay.

Từ khóa: Công an nhân dân; Kiểm tra, giám sát; Xây dựng chỉnh đốn đảng; Tư tưởng Hồ Chí Minh; Xây dựng Đảng.

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về kiểm tra, giám sát của Đảng

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến xây dựng Đảng. Đã có nhiều thống kê cũng như công trình khoa học đề cập đến tư tưởng của Người. Trong đó, kiểm tra, giám sát là phương thức hữu hiệu của các cơ quan lãnh đạo. Nói đến vị trí, vai trò của kiểm tra, giám sát, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Làm mà không kiểm tra thì không biết kết quả ra sao, không hiểu sai lệch thế nào để kịp thời sửa chữa"[1]. Người đánh giá rất cao ý nghĩa, tác dụng của công tác kiểm tra, giám sát và cho rằng: "chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra, giám sát"[2] và "nếu tổ chức kiểm tra, giám sát chu đáo thì công việc của chúng ta nhất định tiến bộ gấp mười, gấp trăm"[3], nếu tổ chức tốt việc kiểm tra, giám sát thì cũng như "ngọn đèn pha, bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm chúng ta đều biết rõ; kiểm tra có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên... do đó mà góp phần vào việc củng cố Đảng về tư tưởng, về tổ chức"[4].

Theo Hồ Chí Minh, kiểm tra, giám sát là công cụ hữu hiệu của Đảng để từ đó các cấp nắm chắc được tình hình lãnh đạo; nắm rõ ai làm tốt, ai làm chưa đúng; chính sách đúng hay sai, có phù hợp hay không; cán bộ có nỗ lực hay không; có nhận được sự đồng tình của nhân dân hay không. Người nhắc nhở: "Có kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của mỗi cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời"[5].

Hồ Chí Minh chỉ rõ nội dung công tác kiểm tra, giám sát cần thực hiện nắm được tình hình thi hành nghị quyết, chỉ thị trong thực tiễn, từ đó rút ra ưu điểm và khuyết điểm của các mệnh lệnh và nghị quyết. Người thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên: "Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hoá ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng"[6]. Đối với Người, kiểm tra, giám sát như ngọn đèn "pha", nếu làm tốt sẽ soi rõ những ưu điểm và khuyết điểm; từ đó ngăn ngừa những khuyết điểm, sai lầm và kịp thời phát hiện, phổ biến những kinh nghiệm tốt, khắc phục những khuyết điểm.

Về đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ phải chọn lựa những cá nhân có uy tín, có đạo đức, có năng lực tổ chức và thực hiện. Thực tiễn chỉ đạo cách mạng, Người đã lựa chọn, ký Sắc lệnh bổ nhiệm nhiều vị lãnh đạo có uy tín, và danh vọng giữ chức vụ đứng đầu tổ chức thanh tra như cụ Bùi Bằng Đoàn - nguyên Chánh nhất Tòa Thượng thẩm Hà Nội và ông Cù Huy Cận - Bộ trưởng Bộ Canh nông vào Ban Thanh tra đặc biệt (năm 1945); cụ Tôn Đức Thắng (Ban Thanh tra đặc biệt năm 1947); cụ Hồ Tùng Mậu (Ban Thanh tra Chính phủ năm 1949); đồng chí Nguyễn Lương Bằng (Ban Thanh tra Chính phủ năm 1956); đồng chí Nguyễn Thanh Bình (Ủy ban Thanh tra Chính phủ năm 1969). Khi gặp gỡ và giao nhiệm vụ cho cụ Bùi Bằng Đoàn và ông Cù Huy Cận, Người căn dặn: "Ban Thanh tra không cần nhiều người, lúc này 2 người là đủ. Một vị cao tuổi và là vị quan có tiếng liêm khiết của triều đình cũ, là cụ Bùi; một người thanh niên hăng hái mà cả nước ai cũng biết là chú. Người già, người trẻ dựa vào nhau mà làm việc, nhất định việc thanh tra sẽ làm tốt và cần làm ngay"[7].

Bên cạnh lựa chọn cán bộ có tài, đức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn kiểm tra, giám sát đúng quy định, có kết quả cao thì công tác kiểm tra, giám sát phải khoa học có tính hệ thống, thường xuyên thực hiện. Người chỉ rõ: phải kiểm tra, giám sát từ trên xuống, tức là người lãnh đạo kiểm tra, giám sát kết quả những công việc của cán bộ mình. Đồng thời, phải kiểm tra, giám sát từ dưới lên, tức là quần chúng và cán bộ kiểm tra, giám sát sự sai lầm của người lãnh đạo và bày tỏ cải cách sửa chữa sự sai lầm đó. Hay nói tổng quát nhất, phương pháp kiểm tra, giám sát phải khoa học, có hệ thống và phải "khéo kiểm soát".

2. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về kiểm tra, giám sát nhằm xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong Công an nhân dân hiện nay

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát, thời gian qua, Đảng ủy Công an Trung ương đã quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết, kết luận, quyết định, quy chế, quy định của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, qua đó đạt được nhiều kết quả quan trọng, thiết thực. Cụ thể:

Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã bám sát chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của đơn vị, cụ thể hóa bằng chương trình, kế hoạch hành động với mục tiêu là đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần quan trọng trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất, kỷ luật, kỷ cương, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng bộ Công an Trung ương và đảng bộ các cấp trong Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh; xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng của Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy CATW, cấp ủy, UBKT đảng ủy Công an các đơn vị, địa phương luôn bám sát vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng; tiếp tục được triển khai, thực hiện với tinh thần kiên quyết, kiên trì, gắn với triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận số 34 của Bộ Chính trị về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030 và Quy định số 131 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng ủy Công an Trung ương và cấp ủy các cấp đã tham mưu Trung ương Đảng và trực tiếp ban 22 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng; thực hiện 120 kế hoạch kiểm tra, giám sát chuyên đề; xem xét, thi hành kỷ luật 3 tổ chức đảng và 89 đảng viên; tiếp nhận, xử lý, giải quyết 310 lượt đơn thư tố cáo, kiến nghị, khiếu nại kỷ luật đảng; cấp ủy và ủy ban kiểm tra đảng ủy các đảng bộ thuộc Đảng bộ Công an Trung ương tiến hành 2.050 kế hoạch kiểm tra, giám sát chuyên đề; xem xét thi hành kỷ luật 3 tổ chức đảng và 1.391 đảng viên; phối hợp với tỉnh ủy, thành ủy và ủy ban kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy thuộc Trung ương thực hiện 209 kế hoạch kiểm tra, giám sát chuyên đề đối với 293 tổ chức đảng và 149 đảng viên; 36 kế hoạch giải quyết tố cáo, khiếu nại kỷ luật đảng ở đảng bộ công an địa phương[8]. Con số trên đã thể hiện sự nỗ lực vượt trội so với nhiệm kỳ 2015-2020 (trong giai đoạn này, Ban thường vụ và UBKT các cấp trong Đảng bộ Công an Trung ương đã tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 148 đảng viên và 34 tổ chức đảng; tiến hành kiểm tra chuyên đề 1.199 TCĐ và 1.182 đảng viên; giám sát chuyên đề 713 TCĐ và 975 đảng viên[9]).

Tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng trong Công an nhân dân vẫn còn những hạn chế, bất cập, như: có nơi, có thời điểm lãnh đạo công tác kiểm tra chưa quyết liệt, chủ động, thường xuyên, chưa đủ sức để giáo dục, răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, tiêu cực trong nội bộ; công tác nắm tình hình, việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý vi phạm trong nội bộ vẫn là khâu yếu; còn tình trạng khuyết điểm, sai phạm của tổ chức đảng, đảng viên chậm được phát hiện, xử lý; việc khắc phục sửa chữa khuyết điểm, vi phạm sau kết luận kiểm tra, giám sát có việc chưa triệt để. Chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm còn chưa cao, chưa đủ sức góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, khuyết điểm, vi phạm kỷ luật trong nội bộ. Nhiều khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên chậm được phát hiện, thậm chí không được phát hiện để kiểm tra, xử lý nên kỷ cương, kỷ luật ở một số tổ chức đảng chưa nghiêm; một số cấp ủy thiếu sự đoàn kết, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, buông lỏng lãnh đạo dẫn đến vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật, tác động tiêu cực đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Công an nhân dân.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, thiếu sót trên, trước hết là trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát, chưa coi đây là chức năng, nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Công an nhân dân; một số quy định của Đảng, Nhà nước còn thiếu đồng bộ để áp dụng thực hiện; việc phát huy trách nhiệm của các tổ chức đảng trong Công an nhân dân đối với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng còn hạn chế; trình độ, năng lực, bản lĩnh, kinh nghiệm và phương pháp công tác của một bộ phận cán bộ kiểm tra Đảng chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới.

Để khắc phục thực trạng này, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong Công an nhân dân, góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW, chúng tôi đề xuất một số nhiệm vụ cần quán triệt, thực hiện tốt sau về vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác kiểm tra, giám sát:

Một là, nâng cao nhận thức của đông đảo cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò, tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác kiểm tra, giám sát theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong đó, chú trọng quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò, mục đích, ý nghĩa, tác dụng của công tác kiểm tra, giám sát để tiếp tục tăng cường công tác xây dựng đảng, xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh: tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng các cấp về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến, quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta về kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, gắn với quán triệt, phổ biến Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các văn bản của Trung ương Đảng, Đảng ủy Công an Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng đến cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp. Cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra và trực tiếp là người đứng đầu các cấp phải thật sự gương mẫu, tiên phong trong thực hiện kiểm tra, giám sát. Cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong các tổ chức đảng từ cấp cơ sở để công tác phát hiện, đấu tranh với tham nhũng có chuyển biến rõ rệt, sâu rộng, tránh tình trạng "trên nóng, dưới lạnh". Tổ chức thực hiện toàn diện, đồng bộ nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo phương châm, nguyên tắc, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, quy trình, quy định của Đảng. Cấp ủy, UBKT Đảng ủy Công an đơn vị, địa phương cần chủ động hơn nữa trong công tác giám sát thường xuyên, nắm tình hình địa bàn; tăng cường "tự soi", "tự sửa"; kịp thời phát hiện từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên để chấn chỉnh, nhắc nhở.

Hai là, quán triệt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của cán bộ: "cán bộ là cái gốc của mọi công việc"[10]. Cần làm tốt công tác cán bộ, lựa chọn những cán bộ thật sự "cần, kiệm, liêm, chính", có đủ năng lực, trình độ, phương pháp làm việc khoa học, công tâm, khách quan, thận trọng và "khéo kiểm soát" trong thực hiện công tác kiểm tra, giám sát. Tập trung đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra Đảng đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng, có bản lĩnh, liêm chính, năng lực, uy tín và chuyên môn giỏi; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu chiến lược về công tác kiểm tra, giám sát; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh nghiên cứu lý luận - thực tiễn, sơ kết, tổng kết các chuyên đề về kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng và đảm bảo kinh phí, trang bị kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng trong Công an nhân dân. Có cơ chế bảo vệ, khuyến khích những người làm công tác kiểm tra, giám sát, trong phát hiện, xử lý và đấu tranh với tham nhũng, đồng thời xử lý nghiêm những người lợi dụng chống tham nhũng, lãng phí để vu khống, gây mất đoàn kết nội bộ.

Ba là, có kế hoạch kiểm tra, giám sát những lĩnh vực nhạy cảm, trọng điểm dễ phát sinh tiêu cực trong lực lượng Công an nhân dân. Trong đó, chú trọng những đơn vị thuộc những lĩnh vực liên quan đến kinh phí, chính sách và thường xuyên có mối liên hệ trong công tác với nhân dân. Cần thực hiện công tác kiểm tra, giám sát bài bản, đúng quy trình, xử lý nghiêm, đề cao tính kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, từ đó có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe để cán bộ, chiến sĩ "không dám" tham nhũng. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: kiểm tra, giám sát phải gắn với kỷ luật; cần tăng cường tính tích cực, chủ động và nhận thức việc xử lý kỷ luật trong Công an nhân dân là tất yếu và rất cần thiết để giữ vững kỷ cương của Đảng; đồng thời, khi xem xét, thi hành kỷ luật luôn bảo đảm tính dân chủ, lòng bao dung, độ lượng. Tổ chức đảng, đảng viên phải có ý thức chấp hành kỷ luật đảng và kỷ luật đảng phải được thi hành từ trên xuống dưới, mọi đảng viên phải tuyệt đối chấp hành "kỷ cương, phép nước" và đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng.

Bốn là, Quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn"[11], công tác kiểm tra, giám sát trong Công an nhân dân cần có sự giúp đỡ của quần chúng nhân dân. Trong quan điểm của Hồ Chí Minh, nhân dân là lực lượng có vai trò và sức mạnh to lớn, Người nhiều lần chỉ rõ, Công an phải thật thà hoan nghênh nhân dân phê bình, giúp đỡ Công an tiến bộ. Do đó, phải coi trọng và phát huy tốt vai trò của các tổ chức quần chúng và Nhân dân tham gia xây dựng Đảng trong Công an nhân dân. Tăng cường và phát huy mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cán bộ, đảng viên Công an với Nhân dân; thực hiện tốt việc phát huy trí lực của nhân dân vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh; xây dựng, thực hiện các quy chế để tạo thuận lợi cho Nhân dân tham gia đóng góp ý kiến và thực hiện quyền giám sát với công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Công an nhân dân.

Năm là, từng bước ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ thông tin, gắn với cải cách thủ tục, lề lối làm việc, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát trong Công an nhân dân. Ngoài việc thụ hưởng các phần mềm của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Công an, cấp ủy các cấp cần quan tâm đầu tư, tạo điều kiện về nguồn lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật, phương tiện làm việc bảo đảm cho hoạt động của UBKT các cấp. Tiếp tục thực hiện tập trung xây dựng và hoàn thiện Đề án "Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ toàn diện công tác kiểm tra, giám sát trong Công an nhân dân", xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin, tuyên truyền và quản lý hồ sơ kiểm tra, giám sát theo quy định; tiếp tục tăng cường đầu tư các nguồn lực phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng trong CAND./.

Thượng tá, TS Nguyễn Thanh Trung

Phó Trưởng Khoa KTHS, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân

Tài liệu tham khảo

  1. 1. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 
  1. 2. Tô Lâm (2020), Xây dựng Đảng trong Công an nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 
  1. 3. Tô Lâm (2020), "Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay", Tạp chí Cộng sản, số 02/2020. 
  1. 4.  Kỷ yếu hội thảo khoa học cấp Bộ: Quán triệt, vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại vào năm 2030

Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, t.5, tr.481. 

Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, t.5, tr.637. 

Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, t.5, tr.638. 

Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, t.14, tr.326. 

Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, t.5, tr.636. 

Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, t.5, tr.289. 

Xem: Chuyện cụ Bùi Bằng Đoàn: Trưởng Ban thanh tra đặc biệt. Nguồn: https://tienphong.vn/chuyen-cu-bui-bang-doan-truong-ban-thanh-tra-dac-biet-post1140791.tpo. 

Xem: Lê Văn Tuyến, Kỷ yếu hội thảo khoa học cấp Bộ: Quán triệt, vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại vào năm 2030, tr. 311. 

Xem: Tô Lâm (2020), "Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay", Tạp chí Cộng sản, số 2/2020, tr.8. 

Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.309. 

 

Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.7, tr.270.