Vận hành hiệu quả cơ chế phối hợp 3 bên trong đào tạo nghề

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã được đổi mới, phát triển dựa trên các tiêu chuẩn kỹ năng nghề; đào tạo chất lượng cao được đẩy mạnh; cơ chế phối hợp 3 bên: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp bắt đầu hình thành và vận hành có hiệu quả trong thực tiễn.
Vận hành hiệu quả cơ chế phối hợp 3 bên trong đào tạo nghề- Ảnh 1.

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngành giáo dục nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng được đánh giá là "có nhiều chuyển biến" - Ảnh: VGP/TC

Ngày 9/9, tại Hà Nội, Ban cán sự đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 6/6/2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao (Chỉ thị số 37-CT/TW).

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngành giáo dục nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng được đánh giá là "có nhiều chuyển biến". Tỷ lệ lao động có chứng chỉ và văn bằng tăng dần, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp Phạm Vũ Quốc Bình, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về đào tạo nhân lực có tay nghề cao bước đầu đã đạt được một số kết quả, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền,cán bộ, đảng viên và xã hội về đào tạo nhân lực có tay nghề cao đã được nâng lên, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ, tham gia của nhân dân đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao.

Tính đến tháng 6/2024 đã có 141 văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật GDNN, từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách cho GDNN và đào tạo nhân lực có tay nghề cao. Các bậc trình độ đào tạo GDNN được hình thành theo hướng mở, liên thông, phù hợp với hệ thống GDNN các nước trên thế giới. Mạng lưới trường cao đẳng chất lượng cao được hình thành, tiếp cận trình độ khu vực và quốc tế.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề có bằng cấp, chứng chỉ đạt 27,6%

Kết quả tuyển sinh trong thời gian qua cũng đạt được các kết quả nổi bật. Số lượng tuyển sinh giai đoạn 2014 - 2023 đạt 21.238 triệu người, trong đó trình độ cao đẳng đạt 1,716 triệu người (chiếm 8,1%), trình độ trung cấp đạt 2,4 triệu người (chiếm 11,6%). Quy mô đào tạo tăng góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ của cả nước năm 2023 đạt 27,6%.

Chương trình đào tạo được đổi mới, phát triển dựa trên các tiêu chuẩn kỹ năng nghề. Các cơ quan liên quan đã xây dựng và ban hành 300 bộ khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng cho 300 nghề để các trường tự chủ làm căn cứ xây dựng, điều chỉnh, ban hành chương trình đào tạo của trường đạt chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Đào tạo chất lượng cao được đẩy mạnh, đào tạo thí điểm theo các bộ chương trình chuyển giao từ Australia, CHLB Đức; đào tạo nghề cho lao động nông thôn được đẩy mạnh.

Bên cạnh đó, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GDNN tăng nhanh về số lượng, chất lượng, từng bước đạt chuẩn; chương trình đào tạo từng bước được đổi mới theo yêu cầu của doanh nghiệp; chuyển giao, áp dụng các chương trình đào tạo tiên tiến của nước ngoài (Australia, CHLB Đức, Pháp, Hàn Quốc...). Chính sách tôn vinh, khen thưởng đối với giáo viên và cán bộ quản lý và các nghệ nhân ở các làng nghề tích cực tham gia đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nhân lực tay nghề cao được đẩy mạnh.

Nhiều chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp khi tham gia hoạt động đào tạo được sửa đổi, bổ sung tạo động lực cho doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển GDNN. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực GDNN được đẩy mạnh cả về quy mô và đa dạng hóa về nội dung, hình thức.

Các cơ sở GDNN đã gắn kết hơn với doanh nghiệp và cơ sở sử dụng lao động trong tổ chức đào tạo, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp; cơ chế phối hợp 3 bên: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp và cơ sở sử dụng lao động bắt đầu hình thành và vận hành có hiệu quả trong thực tiễn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, nhận thức về đào tạo nhân lực có tay nghề cao ở một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương còn chưa thống nhất và đầy đủ; chưa chú trọng tuyên truyền các mô hình, cá nhân điển hình lập thân, lập nghiệp, tạo việc làm bền vững từ công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao; chưa làm tốt công tác dự báo nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, việc thực hiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDNN triển khai chậm. Trình độ học vấn của lực lượng lao động qua đào tạo ở Việt Nam thấp, chủ yếu là trung học cơ sở (67%). Trình độ đào tạo sơ cấp, dưới 3 tháng còn chiếm tỷ lệ cao (80%). Nhiều cơ sở GDNN chưa đủ điều kiện đào tạo nhân lực tay nghề cao, việc đào tạo nhân lực có tay nghề cao chưa đáp ứng nhu cầu thực tế về nguồn nhân lực của thị trường lao động.

Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, góp ý cho dự thảo báo cáo Tổng kết và dự thảo Tờ trình trình Ban Bí thư về tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW. Cùng với đó, các tham luận đã tập trung vào các nội dung: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát và sơ kết, tổng kết thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW; Thực trạng đào tạo nhân lực có tay nghề cao hiện nay; Những giải pháp để đẩy mạnh đào tạo nhân lực có tay nghề cao trong thời gian tới.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh đánh giá, trong 10 năm qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW được thực hiện đồng bộ từ Trung ương tới địa phương. Công tác học tập, quán triệt, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ đảng viên ở các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân được triển khai khá đồng bộ với sự tham gia, vào cuộc và phối hợp của nhiều cấp, nhiều ngành.

"Thời gian vừa qua Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 4/5/2023 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 10/7/2024 về đổi mới đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Ban cán sự đảng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất Ban Bí thư quan tâm chỉ đạo thực hiện hiệu quả các Chỉ thị, kết luận nêu trên, không ban hành Chỉ thị mới trong thời gian này" – Thứ trưởng cho biết

Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW và ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự Hội nghị là cơ sở để Ban cán sự đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp trình Thủ trưởng Chính phủ và trình Ban Bí thư trong tháng 10/2024.