Vụ hành hung bé trai ở sân chung cư New Horion: Tạm giữ nghi phạm

Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Hoàng Mai, Hà Nội - đang tạm giữ Nguyễn Tiến Đạt, nghi phạm hành hung bé trai ở sân chung cư New Horion.

Tạm giữ hình sự đối tượng hành hung bé trai ở sân chung cư New Horion

z5778459759181-17814f20a0432ef7bbeb68d5aa777941-922-0904-1725010331.jpg

Đối tượng Nguyễn Tiến Đạt.

Theo điều tra ban đầu, khoảng 16h ngày 18/8, cháu N.H.M. (SN 2012) tham gia đá bóng cùng cháu N.T.Đ. (SN 2013) tại sân chơi chung cư 87 Lĩnh Nam, phường Mai Động, quận Hoàng Mai.

Trong quá trình chơi, cháu M. và Đ. xảy ra mâu thuẫn, được các bạn can ngăn nên Đ. mang bóng đi về nhà tại số 19 ngõ 50 Lĩnh Nam thì gặp bố của Đ. là Nguyễn Tiến Đạt (SN 1990; trú tại Số 19 ngõ 50 đường Lĩnh Nam, phường Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội). Đạt hỏi con tại sao bị tím mặt nên Đ. nói bị bạn đánh.

Tức tối thấy con bị đánh, Đạt bảo Đ. đi chỉ người đánh và dùng xe máy chở Đ. ra chung cư 87 Lĩnh Nam. Khi ra đến trước tòa N02, Đạt dừng xe, Đ. chỉ M. là bạn đã đánh mình.

Đạt xuống xe đi lên vỉa hè trước tòa N02 chỗ cháu M. đang chơi và dùng tay tóm tóc ghì xuống, tay phải đấm vào mặt cháu M. Cháu M. bị đánh ngã xuống đất và Đạt tiếp tục dùng chân phải đá liên tiếp vào vùng mặt của cháu làm cháu M. bị chảy máu.

Thấy vậy, nhân viên bảo vệ chung cư và người đi đường can ngăn nên Đạt dừng lại, lấy xe máy chở con về.

Cháu M. về nhà, được gia đình đưa đi khám tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Ngày 19/8, gia đình cháu M. đến Công an phường Mai Động trình báo sự việc.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, chỉ huy Công an quận Hoàng Mai đã chỉ đạo đội Điều tra tổng hợp vào cuộc, phối hợp cùng Viện Kiểm sát và Công an phường Mai Động tiến hành các bước điều tra theo đúng quy định pháp luật.

Với sự vận động của cơ quan công an, ngày 28/8, Nguyễn Tiến Đạt đã đến Công an quận Hoàng Mai đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi của bản thân.

Cơ quan CSĐT - CAQ Hoàng Mai đã ra Quyết định tạm giữ hình sự Nguyễn Tiến Đạt để tiếp tục điều tra làm rõ về hành vi cố ý gây thương tích.

Hành vi bạo hành trẻ em sẽ bị pháp luật xử lý như thế nào?
Theo quy định tại khoản 3, Điều 6 Luật Trẻ em 2016, bạo lực đối với trẻ em là một trong số các hành vi bị cấm. Do đó, hành vi bạo hành trẻ em sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Tuỳ vào từng mức độ vi phạm mà hành vi bạo hành trẻ em có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xử phạt hành chính đối với hành vi bạo hành trẻ em
Điều 22 Nghị định 130/2021/NĐ-CP
quy định về mức xử phạt đối với hành vi bạo lực trẻ em như sau:

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

+ Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em;

+ Gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em;

+ Cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em;

+ Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.

- Biện pháp khắc phục hậu quả:

+ Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi vi phạm nêu trên;

+ Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe trẻ em đối với hành vi thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.

Bạo hành trẻ em có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Những hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của trẻ em là những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Hầu hết những hành vi gây ra thương tích cho trẻ em đều bị xử lý hình sự. Bộ luật Hình sự quy định hành vi xâm phạm đến trẻ em là các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự hoặc có thể cấu thành tội danh độc lập.

Người có hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% đối với người dưới 16 tuổi thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, theo quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Với hành vi đánh đập trẻ em có khả năng dẫn đến nạn nhân tử vong, đối tượng hành hung trẻ em có thể xử lý hình sự về tội "Giết người" với tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là giết người dưới 16 tuổi. Điểm b, khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự quy định: "Người nào giết người dưới 16 tuổi thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình."

Vì vậy, hành vi hành hung, đánh đập trẻ em dù vì bất kỳ lý do gì, người thực hiện hành vi này cũng sẽ bị xã hội lên án, cơ quan chức năng cũng sẽ khẩn trương vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi và đánh giá hậu quả đã gây ra đối với nạn nhân để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Nếu hành vi được xác định là cố ý gây thương tích, dù thương tích chỉ một vài phần trăm thì cơ quan điều tra cũng vẫn sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can để xử lý đối với người đã gây thực tích cho trẻ em về tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự.