“Xảo trá” thị trường thực phẩm chức năng – Bài 6: Những “kẽ hở” quản lý

Những “kẽ hở” trong công tác quản lý thực phẩm chức năng hiện nay khiến các loại sản phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng được bán tràn lan… gây mất lòng tin, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng…

Như Diễn đàn Doanh nghiệp thông tin trong những bài viết trước, thị trường thực phẩm chức năng với các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, hỗ trợ điều trị bệnh đang ngày càng phát triển mạnh do nhu cầu của người dân tăng cao. Lợi dụng điều này hàng loạt loại thực phẩm chức năng ra đời, số lượng tăng vọt “thật giả lẫn lộn”, trong khi đó năng lực quản lý và nhận thức của người tiêu dùng lại không tương xứng với nhau… dẫn đến thị trường bị “thả nổi”.

mot-so-co-so-san-xuat-kinh-doanh-pld-1690457675.jpeg
Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh đã lợi dụng hình ảnh người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm có tác dụng như thuốc nhưng không phải là thuốc.

Quảng cáo “mập mờ”

Theo đó, chỉ cần lướt qua trên trang mạng xã hội, không khó để tìm kiếm những món thực phẩm chức năng thông dụng trên Facebook với nhiều mức giá khác nhau, tùy theo từng trang phân phối. Tất cả đều được quảng cáo là hàng chính hãng xách tay, do người thân, bạn bè, tiếp viên hàng không mua về. Muốn mua số lượng bao nhiêu cũng có, mua càng nhiều, giá càng rẻ. Đơn cử như Vitamin E, viên bổ não, dầu cá, thuốc sụn khớp, vi cá mập…, những loại thực phẩm chức năng có xuất xứ nhập ngoại là loại sản phẩm mà rất nhiều người dân tìm mua sử dụng.

Cũng chính vì nhu cầu cao như vậy, nên những kênh online bán các sản phẩm này đua nhau mọc ra, nhưng không phải chịu bất cứ sự kiểm soát nào. Người bán ngang nhiên bán, người mua vô tư mua, giá bán thì … “loạn”.

Đáng chú ý, quảng cáo thực phẩm chức năng mặc dù đã được kèm với câu “Đây không phải là sản phẩm thay thế thuốc chữa bệnh” nhưng mô típ cũng giống hệt các quảng cáo về thuốc.

Cụ thể, các clip quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội cũng theo một kịch bản giống nhau đến… phản cảm. Mở đầu thường là hình ảnh người bệnh bị đau đầu, đau bụng, đau đại tràng, ho rũ rượi, hen suyễn, biếng ăn, cảm cúm, đau nhức các khớp xương… Sau một hồi quằn quại, vật vã, nhăn nhó với nhiều dáng vẻ khác nhau, họ cùng uống thực phẩm chức năng, sản phẩm chưa trôi khỏi miệng, người bệnh đã cười nói với vẻ mặt hớn hở, mãn nguyện chẳng khác nào “thần dược”, “biệt dược”.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng lộn xộn, bát nháo trong thị trường thực phẩm chức năng thời gian qua, các chuyên gia cho rằng, chủ yếu do hiện nay việc quản lý mặt hàng thực phẩm chức năng còn khá lỏng lẻo, công tác thanh kiểm tra chưa bắt kịp thực tế. Cùng với đó, chế tài xử phạt vi phạm chưa đủ mạnh để răn đe đối với những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kém chất lượng.

Bên cạnh đó, dù đã có một số văn bản về quản lý, quảng cáo thực phẩm chức năng, song việc áp dụng và thi hành trên thực tế vẫn chưa thật sự quyết liệt và hiệu quả. Nguy hiểm hơn, tình trạng giả danh bác sĩ, dược sĩ để tư vấn bán hàng qua điện thoại với những thông tin không đúng sự thật về các mặt hàng thực phẩm chức năng đang khá phổ biến. Các loại thực phẩm chức năng được quảng cáo bị “thổi phồng” so với công dụng, hiệu quả thực tế của sản phẩm. Thí dụ như một số loại thực phẩm chức năng được quảng cáo có tác dụng với một số bệnh, thậm chí là với bệnh nan y.

Cũng theo các chuyên gia, về nguyên tắc thực phẩm chức năng chỉ đơn giản là hỗ trợ điều trị và bổ sung vi chất, bổ trợ sức khỏe, không thể thay thế thuốc chữa bệnh. Cách quảng cáo mập mờ này khiến người tiêu dùng hiểu nhầm, và mất tiền oan. Thêm vào đó, tình trạng kinh doanh thực phẩm chức năng “xách tay” chưa được kiểm soát đang là kẽ hở cho những đối tượng buôn bán thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái trên thị trường.

san-pham-vien-uong-xuyen-tam-lien-cv19-logo-toan-loc-pld-1690457675.jpg
Sản phẩm viên uống Xuyên Tâm Liên CV19 logo TOÀN LỘC (vỏ hộp màu đỏ) và viên uống Xuyên Tâm Liên CV19 logo NHẤT LỘC (vỏ hộp màu xanh) từng được Bộ Y tế cảnh báo “giả mạo”.

Luật chưa theo kịp thực tiễn

Xung quanh vấn đề này, ông Trần Việt Hùng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, sai phạm chủ yếu là doanh nghiệp mua sản phẩm rời từ nước ngoài về Việt Nam đóng hộp tiêu thụ nhưng không qua kiểm tra chất lượng. Để đánh lạc hướng sự chú ý cơ quan chức năng, đối tượng sản xuất thực phẩm chức năng giả mạo nhãn hiệu, kém chất lượng đã lợi dụng sự quản lý an ninh chặt chẽ của khu chung cư, hoặc chọn những căn nhà nằm ở ngoại thành, xa trung tâm để hoạt động sản xuất hàng giả. Để xóa dấu vết nơi sản xuất, mọi thông tin, giao dịch mua hàng đều thực hiện thông qua mạng xã hội, vận chuyển thông qua ship code.

Cũng theo ông Hùng, nguyên nhân về vấn đề này chủ yếu do luật chưa theo kịp thực tiễn, đôi lúc các cơ quan quản lý tự mâu thuẫn trong việc kiểm tra, giám sát mặt hàng này. Đối với thực phẩm chức năng nhập khẩu chỉ kiểm tra nguồn gốc xuất xứ trên giấy tờ, nên chưa thể ngăn chặn hiện tượng trà trộn hàng giả, kém chất lượng vào hàng thật khi tiêu thụ.

“Từ năm 2010, Quốc hội đã thông qua Luật ATTP, trong đó có đề cập đến quản lý thực phẩm chức năng nhưng việc kiểm tra, xử lý không hề dễ dàng, bởi chưa có Nghị định về quản lý thực phẩm chức năng mà chỉ có Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định việc thi hành một số điều luật của Luật An toàn thực phẩm. Ngay cả Bộ Y tế, cơ quan quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng này cũng chỉ có Thông tư số 43/2014/TT-BYT quy định về quản lý thực phẩm chức năng, điều này đã gây khó cho lực lượng QLTT trong việc giám sát hoạt động sản xuất, buôn bán sản phẩm này “, ông Hùng thông tin.

Ở một góc nhìn khác, ông Trần Đáng  – Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam cho biết, hiện internet phát triển mạnh, người tiêu dùng dễ dàng tiếp nhận thông tin và mua bán thực phẩm chức năng. Lợi dụng vấn đề này, đơn vị sản xuất thực phẩm chức năng phát triển mạnh bởi lợi nhuận từ mặt hàng này lớn, trong khi điều kiện để cấp phép lưu hành sản phẩm trên thị trường đơn giản hơn so với thuốc tân dược.

Còn nữa…