Xây dựng 5 vùng nguyên liệu nông sản trên cả nước

Mai Ngọc

19/08/2021 21:30

Theo dõi trên
Để có vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, làm cho ngành nông nghiệp trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang xây dựng đề án thí điểm xây dựng 5 vùng nguyên liệu được trải dài từ Bắc vào Nam.

Một nghịch lý tồn tại nhiều năm nay trong sản xuất và tiêu thụ nông sản đó là, trong khi nông sản trong nước ùn ứ dư thừa phải đổ bỏ, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu thì lại gặp khó do nguồn cung không đảm bảo hoặc không đáp ứng đủ. Diện tích vùng nguyên liệu nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tính liên kết vẫn đang là rào cản với doanh nghiệp quy mô lớn.

Với 89% sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam là xuất khẩu dưới dạng thô, chưa qua chế biến, dư địa để các doanh nghiệp đầu tư ngành nông nghiệp vô cùng lớn.

Do vậy, Bộ NN&PTNT đang gấp rút xây dựng đề án thí điểm phát triển 5 vùng nguyên liệu nông sản trên cả nước, với tổng diện tích khoảng 160.000 ha. Theo kế hoạch quý 4/2021, đề án sẽ được thực thi và vận hành thí điểm trong 5 năm.

Bà Phạm Thị Hà Anh, Giám đốc Công ty cổ phần lương thực Bình Minh chia sẻ: Công ty từng thất bại khi bao tiêu nông sản cho bà con ở Lai Châu bởi vùng nguyên liệu chuyên canh quá xa, thu mua tốn thêm nhiều chi phí nhân công và logistic.

Hiện Bộ NN&PTNT đang xây dựng đề án thí điểm xây dựng năm vùng nguyên liệu với sự hỗ trợ về khuyến nông, cơ sở hạ tầng. Mỗi vùng nguyên liệu ứng với một đề án riêng, phù hợp với đặc trưng của từng vùng với mỗi loại nguyên liệu.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, cho biết: “Đề án phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và tiêu thụ nông lâm sản giai đoạn 2021-2025” đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt về chủ trương và đang tích hợp thêm những hợp phần về khuyến nông, bảo hiểm nông nghiệp và tín dụng.

Đề án có tổng vốn hơn 1.500 tỷ đồng, với mục tiêu tạo ra 5 vùng nguyên liệu chuyên canh trên tổng diện tích khoảng 160.000 ha. Theo đó, đề án sẽ xây dựng vùng nguyên liệu phát triển chanh leo, dứa, xoài lên tới 14.000 ha tại các tỉnh Sơn La, Hòa Bình.

Vùng Duyên hải miền Trung, thuộc tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, sẽ xây dựng vùng chuyên canh diện tích 22.900 ha, phát triển gỗ rừng trồng.

Vùng chuyên canh lúa gạo với diện tích 50.000 ha tại Kiên Giang, An Giang

Tại các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk sẽ xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh về cà phê dự kiến thiết lập trên diện tích 11.200 ha

Vùng chuyên canh lúa gạo với diện tích 50.000 ha tại Kiên Giang, An Giang
Vùng chuyên canh lúa gạo với diện tích 50.000 ha tại Kiên Giang, An Giang)

Khu vực Tứ giác Long Xuyên, thuộc các tỉnh Kiên Giang, An Giang sẽ phát triển vùng chuyên canh lúa gạo với diện tích 50.000 ha. Vùng Đồng Tháp Mười, thuộc tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An, diện tích 60.200 ha, phát triển cây ăn quả.

vung nong san 3
Các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An phát triển về cây ăn quả)

Bộ NN&PTNT cũng sẽ phối hợp các địa phương xây dựng hạ tầng, bao gồm đường giao thông, hệ thống thủy lợi, hệ thống kho lạnh, nhà sơ chế… tại 5 vùng nguyên liệu. Nông dân đóng góp sức lao động và ruộng đất. Các doanh nghiệp ban đầu sẽ đóng vai trò then chốt trong dẫn dắt chuỗi giá trị nông sản, cam kết bao tiêu sản phẩm, đầu tư vật tư sản xuất.

Để triển khai xây dựng các đề án, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đã gửi đề cương tới 11 tỉnh liên quan. Nội dung đề án gồm 5 hợp phần chính là: Đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết vùng nguyên liệu; Củng cố, nâng cao năng lực cho hợp tác xã và thành viên; Khuyến nông, chuyển giao khoa học công nghệ; Ứng dụng công nghệ thông tin quản lý vùng nguyên liệu phục vụ liên kết gắn với truy xuất nguồn gốc;  Thí điểm và triển khai áp dụng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu phục vụ liên kết.

Riêng hợp phần kết cấu hạ tầng vùng nguyên liệu được xác định là trọng tâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hỗ trợ 440 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025. Khi triển khai, hợp phần sẽ cải tạo 132 km đường giao thông phục vụ sản xuất nông nghiệp, nâng cấp hệ thống thủy lợi cho hơn 4.000 ha cây lúa và ăn quả.

Về phía địa phương, các tỉnh cam kết bố trí 347,9 tỷ đồng vốn đối ứng để nạo vét 31,5 km kênh mương và hỗ trợ trang thiết bị, máy móc cho hợp tác xã. Phía các  doanh nghiệp,  hợp tác xã cũng hứa đối ứng 40,6 tỷ đồng vốn đối ứng và 20,8 tỷ đồng vốn vay tín dụng.

Ông Lê Đức Thịnh cho hay từ nửa đầu năm 2021, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đã tổ chức các đoàn khảo sát thực tế về triển vọng các mô hình. Bước đầu, 10/11 tỉnh đã phê duyệt và gửi Đề án chính thức. Khi đi vào thực tiễn, 17 doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản, 250 hợp tác xã và 185.000 hộ nông dân sẽ hưởng lợi trực tiếp từ đề án.

Bạn đang đọc bài viết "Xây dựng 5 vùng nguyên liệu nông sản trên cả nước" tại chuyên mục Kinh tế. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com