Sau hai năm xây dựng và triển khai, ngày 24-8, UBND TP Hà Nội, Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan đã khai trương dịch vụ xe đạp điện, xe đạp công cộng trên địa bàn thành phố.
Đây là Đề án được Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam làm chủ đầu tư và Sở Giao thông vận tải trình UBND TP Hà Nội từ đầu năm 2021, tổng mức đầu tư cho cả 2 giai đoạn là hơn 130 tỷ đồng. Với tổng số 600 xe (500 xe đạp cơ, 100 xe đạp điện) đã được đặt ở 79 vị trí trong 6 quận trung tâm, bao gồm: Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân.
Ước mong từ trời Tây đã về đất Việt
Nhiều lần trải nghiệm loại hình xe đạp công cộng tại Australia, Pháp, Hà Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc…, anh Vũ Văn Nam (29 tuổi, quê Phú Thọ) luôn mong mỏi Việt Nam sẽ có được một mô hình như vậy tại các thành phố lớn, nhất là Thủ đô Hà Nội.
Anh Nam cho biết: "Mô hình xe đạp công cộng sẽ thỏa mãn được nhu cầu của người dân Hà Nội, bởi việc di chuyển bằng xe đạp sẽ giảm thiểu ô nhiễm môi trường, toàn bộ người dân sẽ cùng nhau chung tay hướng tới mục tiêu xây dựng Hà Nội xanh - sạch - đẹp. Hơn nữa mô hình này còn thúc đẩy các hoạt động thể dục - thể thao, đặc biệt là đối với người cao tuổi".
Theo anh Nam, tại Pháp, người dân hay du khách có thể dễ dàng sử dụng dịch vụ xe đạp công cộng, bởi có hướng dẫn sử dụng bằng 8 thứ tiếng khác nhau, và du khách sẽ tiến hành thanh toán qua thẻ tín dụng. Để khuyến khích người dân, chính phủ Pháp đã đưa ra chính sách, trong 30 phút đầu sẽ hoàn toàn miễn phí, từ phút 31 đến phút thứ 60 là 1 euro (tương đương hơn 25.000 đồng).
Từ TP Hồ Chí Minh ra tham quan, khi được trải nghiệm dịch vụ xe đạp công cộng này, bạn Nguyễn Việt Thanh Thảo (sinh năm 1992) chia sẻ: "Mình sẽ được chủ động về mặt thời gian ở các điểm tham quan trong phố cổ, chưa kể xe đạp cũng rất dễ di chuyển. Chi phí thuê cũng rất rẻ, chỉ 5.000 đồng/lượt 30 phút với xe đạp cơ, 10.000 đồng/lượt 30 phút đối với xe đạp điện; cả ngày 60.000 đồng với xe đạp cơ và 120.000 đồng với xe đạp điện”.
Để duy trì hoạt động hiệu quả, lâu dài
Thực tế cho thấy, tại giai đoạn 1, Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam đưa ra 79 điểm trạm đều gần với các điểm trung chuyển của hệ thống giao thông công cộng như: Bến xe bus, tàu điện ngầm kết nối với các khu đông dân cư, điểm du lịch nổi tiếng, công viên… Điều này đã cho thấy khát vọng giảm thiểu phương tiện xả khói di chuyển trong nội đô, khuyến khích người dân sử dụng xe đạp của thành phố.
Tuy nhiên, nhiều người dân cũng quan ngại khi dự án này sẽ rơi vào tình trạng “sớm nở tối tàn”. Trước đó, mô hình xe đạp công cộng đã xuất hiện lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2014 do Công ty Cổ phần Môi trường cây xanh đô thị (VPT) thí điểm tại Hà Nội. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, mục tiêu “Vì một Hà Nội xanh - sạch - đẹp” đã thất bại.
Bài học nước láng giềng Trung Quốc cho thấy, rào cản và chính sách sẽ là 2 thách thức vô cùng lớn đối với mô hình này. Theo đó, mô hình xe đạp công cộng tại Trung Quốc cũng được hình thành từ năm 2014. Tuy nhiên sự tăng trưởng nhảy vọt của nền kinh tế tỉ dân đã kéo theo số lượng ô tô tăng tốc chóng mặt, diện tích vỉa hè, làn đường dành cho người đi xe đạp bị hạn chế. Chính quyền các địa phương luôn phải đau đầu giải quyết dứt điểm tình trạng trên, xe đạp công cộng cũng rơi vào quên lãng và ít được sử dụng.
Cách Việt Nam hơn 9.600km, Hà Lan được ví như một “Vương quốc xe đạp”, bởi đất nước hơn 17 triệu dân này đang sở hữu cho riêng mình tới hơn 20 triệu chiếc xe đạp, 35.000km đường dành riêng cho những người đi xe đạp.
Văn hóa đi xe đạp của người Hà Lan đã được bà Melissa và ông Chris Bruntlett, người Canada viết thành cuốn “Xây dựng thành phố xe đạp: Kế hoạch chi tiết về sức sống đô thị của Hà Lan”.
Ông Chris Bruntlett chia sẻ: “Chưa đến 0,5% người Hà Lan đội mũ bảo hiểm, tức là cứ 200 người thì có một người đội mũ bảo hiểm. Hầu như tất cả mọi người, từ trẻ em đến người già đều không cần phải dùng tới mũ bảo hiểm. Mũ bảo hiểm không hiện diện trong văn hóa giao thông của người Hà Lan, bởi vì họ đã cùng chính phủ nỗ lực xây dựng văn hóa đi xe đạp hằng ngày và xây dựng những con đường an toàn”.
Để cho thấy sự phát triển hệ thống kết nối xe đạp công cộng, ông Chris Bruntlett đã chỉ rõ, từ thành phố Arnhem đến thành phố Nijmegen dài khoảng 14-15 km. Bạn sẽ không phải đặt chân xuống đất trong toàn bộ chuyến đi, việc di chuyển sẽ diễn ra liên tục mà không gặp bất cứ cản trở nào.
"Không có lúc nào trong chuyến đi đó, bạn phải đặt chân xuống. Bạn đạp xe liên tục, không bị gián đoạn. Làn đường dành cho xe đạp đều được lát bằng gạch màu đỏ dễ nhận biết, xe ô tô sẽ bị giới hạn tốc độ không quá 30km/giờ".
Quay trở lại với kỳ vọng tốt hơn, mô hình xe đạp công cộng tại Việt Nam đang được triển khai đồng loạt ở nhiều địa phương như TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế, Vũng Tàu... cũng đã có dấu hiệu tích cực ban đầu, cho thấy nỗ lực của Chính phủ cùng người dân nhằm thay đổi văn hóa tham gia giao thông.
Xe đạp công cộng phiên bản 2023 như làn gió mới thay thế cho phiên bản 2014 đã từng thất bại. Người dân Thủ đô đều kỳ vọng sự khởi sắc về giải pháp giao thông mang tính bền vững cho đại đô thị. Hành trình đi tìm lời giải cho bài toán này sẽ nằm ở việc hoàn thiện các chính sách, tạo mọi điều kiện để mô hình này tồn tại và có “sức khỏe” như các nước châu Âu.