“Ý kiến thành lập Quỹ bình ổn giá thép không phải ý kiến chính thức của Bộ Công Thương"

PV

07/06/2021 19:06

Theo dõi trên

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời phóng viên, liên quan đến thông tin Bộ Công Thương đề xuất thành lập Quỹ bình ổn giá thép.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, ngay từ đầu năm 2021, giá thép nguyên liệu và thành phẩm đã tăng cao, trước tình hình đó, ngay từ đầu năm, ngày 5/2/2021 Bộ Công Thương đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình cung cầu, biến động giá thép của năm 2020 cũng như dự báo năm 2021. Trong đó, Bộ phân tích các nguyên nhân, đề xuất giải pháp ổn định cung cầu, giá thép trong thời gian tới.

Thực tế cho thấy, gần đây, giá thép tiếp tục tăng cao với biên độ lớn, ảnh hưởng nhiều đến các doanh nghiệp trong ngành xây dựng hay doanh nghiệp sử dụng thép làm đầu vào cho sản xuất.

hop chinh phu
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021 )

Ngày 8/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã có chỉ đạo về công tác điều hành giá năm 2021, trong đó giao Bộ Công Thương "nghiên cứu, có các biện pháp thúc đẩy, tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước, hướng tới đáp ứng được cơ bản nhu cầu trong nước; nghiên cứu điều chỉnh sự mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường để ưu tiên thị trường trong nước thông qua điều chỉnh, cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm".

Ngày 15/5, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tiếp tục yêu cầu các bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương, báo cáo tình hình sản xuất, nhập khẩu và tiêu thụ thép; kèm theo đó là đề xuất, kiến nghị các biện pháp kiểm soát, giảm tác động của việc tăng giá thép làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh thép để nắm bắt tình hình, lắng nghe những đề xuất kiến nghị của doanh nghiệp.

Ngày 20/5, Bộ Công Thương đã có báo cáo chính thức gửi lãnh đạo Chính phủ và các cơ quan có liên quan về tình hình sản xuất, nhập khẩu và tiêu thụ thép. Trong báo cáo, Bộ Công Thương đã đưa ra đánh giá tình hình cung cầu thép và giá thép trên thế giới, khu vực và tại Việt Nam; đề xuất những kiến nghị để tác động tích cực đến giá thép, góp phần chia sẻ, giảm bớt khó khăn của các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.

“Trong báo cáo chính thức này, không hề có đề xuất kiến nghị thành lập Quỹ bình ổn thép. Ý kiến thành lập Quỹ bình ổn giá thép không phải ý kiến chính thức của Bộ Công Thương", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Theo Bộ Công Thương, Bộ cũng đã có văn bản gửi Hiệp hội Thép Việt Nam và một số doanh nghiệp sản xuất thép lớn ngày 11/5/2021, đề nghị rà soát, xem xét các vấn đề liên quan đến nguyên liệu đầu vào, tiết giảm chi phí sản xuất, nhằm hạ giá thành sản phẩm, có biện pháp tăng công suất sản xuất thép để đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước, tăng nguồn cung, đồng thời hạn chế xuất khẩu các mặt hàng thép trong nước đang có nhu cầu.

Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ về việc triển khai nghiên cứu, xây dựng các hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng; chủ động triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép phù hợp với các quy định thương mại và luật pháp quốc tế.

Cũng tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021, trả lời câu hỏi về việc sửa đổi biểu giá điện, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Chính trị có Nghị quyết 08 ngày 16/1/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chỉ đạo hoàn thiện chính sách giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất. Sau đó Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Công Thương chủ trì sửa đổi các quy định tại Quyết định số 28 ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo phù hợp thực tế tiêu dùng điện.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong các năm 2018, 2020, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định tại Quyết định 28 trên. Nhưng việc sửa đổi biểu giá bán lẻ điện cho các cơ sở lưu trú du lịch từ giá bán lẻ trong kinh doanh sang sản xuất sẽ làm tăng giá bán cho ngành sản xuất; việc cải tiến điều chỉnh số bậc thang của khách hàng sinh hoạt sẽ làm tăng giá của một nhóm khách hàng sinh hoạt để đảm bảo cân đối giá bán lẻ điện bình quân chung.

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Quyết định 28, để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tại thời điểm phù hợp trong năm 2021, khi tình hình dịch COVID-19 đã được kiểm soát và nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi, để không ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, bảo đảm các cân đối lớn và ổn đinh kinh tế vĩ mô. Từ đó, có cơ sở tiếp tục nghiên cứu cải tiến biểu giá điện bán lẻ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực EVN hoàn thiện đề án, đồng thời đề xuất phương án phân bổ chi phí cho các nhóm khách hàng, đánh giá tác động của phương án đến các nhóm khách hàng tiêu thụ điện so với biểu giá bán lẻ điện hiện hành.

Bạn đang đọc bài viết "“Ý kiến thành lập Quỹ bình ổn giá thép không phải ý kiến chính thức của Bộ Công Thương"" tại chuyên mục Sự kiện. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com