2 kịch bản tăng trưởng kinh tế cho 6 tháng cuối năm

Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ ngày 1/7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2021. Theo đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% thì quý 3/2021 kinh tế phải đạt mức tăng trưởng là 7% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,3 điểm phần trăm) và quý 4/2021 tăng 7,5% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,8 điểm phần trăm).
Ngày 1/7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6/2021, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021.

Phiên họp tập trung thảo luận về 4 nội dung: Bối cảnh, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, những kết quả đạt được, những hạn chế, các nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và dự báo tình hình, mục tiêu, phương hướng, quan điểm chỉ đạo, các nhiệm vụ, giải pháp trong 6 tháng cuối năm; các nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ khó khăn liên quan tới công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19; một số nội dung liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong thời gian qua.

Anh 1
Toàn cảnh cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2021)

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ: Trong 6 tháng đầu năm, kinh tế thế giới chứng kiến sự phục hồi không đồng đều. Các quốc gia phát triển phục hồi khá mạnh mẽ, các quốc gia đang phát triển phục hồi chậm. Các biến chủng mới COVID-19 như Delta và Delta plus đang lây lan nhanh ở nhiều quốc gia, một số quốc gia phải tái lập các biện pháp phòng chống dịch bệnh; các ảnh hưởng làm hạn chế nguồn cung, khó khăn trong giao thương đã làm tăng giá cả hàng hóa và lạm phát, các quốc gia phải cân bằng giữa kiềm chế lạm phát, nợ công và duy trì chính sách tài khóa, tiền tệ nới lỏng để phục hồi kinh tế.

Nền kinh tế trong nước cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức, chủ yếu đến từ các đợt bùng phát với biến chủng mới của COVID-19, tăng giá bất động sản, hàng hóa, nguyên vật liệu, chi phí vận tải, rủi ro thương mại quốc tế…

Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chung sức đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến tích cực, vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tổ chức thành công các sự kiện chính trị lớn của đất nước như Đại hội XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

NHA MAY 2
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Nghị quyết 68 với 12 chính sách hỗ trợ người lao động, người chịu ảnh hưởng bởi dịch với số tiền khoảng 26.000 tỷ đồng.)

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ những kết quả chủ yếu về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm. Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế khả quan dù chịu tác động từ dịch bệnh. Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,64%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020. Lạm phát ở mức thấp; chỉ số CPI bình quân 6 tháng tăng 1,47% so với cùng kỳ năm 2020, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36%; khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng tích cực, đạt 3,69%, cao nhất trong 5 năm qua. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt trên 316 tỷ đô la, trong đó xuất khẩu ước đạt 157,63 tỷ đô la, tăng 28,4%. Tiến độ thu ngân sách tích cực, lũy kế 6 tháng đạt 57,7% dự toán, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Công tác an sinh xã hội được chú trọng. Các phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020 - 2021 trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp được rà soát, chuẩn bị kỹ lưỡng.

An ninh lương thực được đảm bảo, dù một số quốc gia đang thiếu lương thực và giá cả tăng cao do dịch COVID-19. Giữ vững an ninh năng lượng, vận hành ổn định thị trường điện,...

Những kết quả bước đầu trong thực hiện mục tiêu kép, bảo đảm an ninh - quốc phòng và đẩy mạnh đối ngoại thời gian qua đã giúp tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tại buổi họp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng xây dựng 2 kịch bản trong 6 tháng cuối năm để thực hiện mục tiêu tăng trưởng đã được Quốc hội và Chính phủ giao:

Kịch bản 1: Dịch COVID-19 ở Việt Nam cơ bản được khống chế trong tháng 7/2021, không có các ổ dịch lớn tại các khu công nghiệp và các tỉnh, thành phố trọng điểm kinh tế không bị giãn cách xã hội, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng Quốc hội đề ra đạt 6,0%.

Với kịch bản 1, ước tính GDP năm 2021 tăng 6,0% so với năm trước (thấp hơn 0,5 điểm phần trăm so với Nghị quyết 01), trong đó quý 3 tăng 6,2% (thấp hơn 0,5 điểm phần trăm); quý 4 tăng 6,5% (thấp hơn 0,2 điểm phần trăm).

Kịch bản 2: Dịch COVID-19 ở Việt Nam cơ bản được khống chế trong tháng 6/2021, không có các ổ dịch tại các khu công nghiệp và các tỉnh, thành phố không bị giãn cách xã hội, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng theo Nghị quyết 01/NQ-CP đạt 6,5%.

Với kịch bản 2, ước tính GDP năm 2021 tăng 6,5% so với năm trước, trong đó quý 3 tăng 7% (cao hơn 0,3 điểm phần trăm); quý 4 tăng 7,5% (cao hơn 0,8 điểm phần trăm Nghị quyết 01).

Anh 2
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp.)

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tới thời điểm này, chúng ta vẫn chưa thay đổi mục tiêu đã đề ra, nhưng phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hài hòa giữa phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, có nơi, có lúc phải ưu tiên cho nhiệm vụ phòng chống dịch, có nơi, có lúc phải ưu tiên cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, có nơi, có lúc phải cân bằng cả hai mục tiêu, nhiệm vụ này.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm để nghiên cứu, thảo luận, phân tích kỹ, làm rõ thêm về các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong thời gian tới, tập trung vào: Phòng chống dịch bệnh; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm các cân đối lớn; hoạt động xuất nhập khẩu; phát triển công nghiệp và xây dựng; phát triển nông nghiệp; phát triển các ngành dịch vụ (như đẩy mạnh chuyển đổi số, thương mại điện tử); thu hút các nguồn lực, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, huy động nguồn vốn xã hội; bảo đảm lao động, việc làm, an sinh xã hội; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đổi mới, cải cách, hoàn thiện thể chế; bảo đảm quốc phòng - an ninh và đẩy mạnh đối ngoại, thúc đẩy hội nhập sâu rộng; theo dõi, đôn đốc kiểm tra, khen thưởng, xử lý kỷ luật; tuyên truyền và vận động nhân dân...

Liên quan đến vấn đề vaccine, tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, dự kiến từ quý 3/2021, số lượng vaccine phòng COVID-19 về Việt Nam tương đối lớn (khoảng 30 triệu liều trong quý 3). Các bộ, cơ quan đang tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine trong nước.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn sàng cho việc thực hiện chiến dịch tiêm chủng trên quy mô toàn quốc, phấn đấu đạt 70 - 75% người dân được tiêm vào cuối năm 2021, đầu năm 2022.

Tính đến ngày 29/6, cả nước đã có hơn 3,61 triệu liều vaccine được tiêm, trong đó có gần 200.000 người được tiêm đủ 2 liều.

Về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ngay trong chiều ngày 1/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Nghị quyết 68 với 12 chính sách hỗ trợ người lao động, người chịu ảnh hưởng bởi dịch với số tiền khoảng 26.000 tỷ đồng.

Gói này dự kiến hỗ trợ trực tiếp nhóm đối tượng bị ảnh hưởng sâu, không có khả năng lao động và không có khả năng phục hồi, đặc biệt là những người phải nghỉ việc, ngừng việc, giãn việc do yêu cầu của cấp thẩm quyền; hỗ trợ tín dụng để doanh nghiệp trả lương, phục hồi sản xuất.