Bình Định là tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, có tổng diện tích 6.050 km2, dân số 1.487.903 người sinh sống tại 11 huyện, thị xã, thành phố (trong đó có 3 huyện miền núi) và 159 xã, phường, thị trấn (với 53 xã thuộc ba khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi, 18 xã bãi ngang, ven biển, hải đảo).
Hiện tại, lực lượng trong độ tuổi lao động toàn tỉnh là 869.135 người. Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế là 843.930 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là 56%.
Theo báo cáo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định về tác động của dịch COVID-19 đến thị trường lao động, trước ngày 01/5/2021, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tuy có gặp khó khăn, nhưng vẫn hoạt động tương đối ổn định do tỉnh chưa có dịch COVID-19. Tổng số doanh nghiệp hoạt động toàn tỉnh là 6.496 doanh nghiệp với số 156.084 lao động.
Tính từ ngày 28/6/2021 đến nay (khi dịch bệnh tái phát), Bình Định có 147 doanh nghiệp giảm quy mô, có 167 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, với 14.732 lao động ngưng việc, 157 lao động chấm dứt hợp đồng lao động. Toàn tỉnh có 33 doanh nghiệp hoạt động theo hình thức “3 tại chỗ”, với 3.163 lao động đang làm việc.
Khi dịch bệnh bùng phát, các doanh nghiệp thuộc những ngành, lĩnh vực đã, đang và sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất là chế biến thủy sản, chế biến thức ăn gia súc gia cầm, chế biến gỗ, ngành may mặc, giày da, khai thác khoáng sản…
Hiện nay, do dịch bệnh trên địa bàn tỉnh còn đang tiếp diễn biến phức tạp, việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, việc thực hiện “3 tại chỗ” sẽ không thể kéo dài lâu. Việc áp dụng phương án “3 tại chỗ” làm phát sinh nhiều chi phí cho doanh nghiệp như: bố trí ăn 3 bữa, mua sắm đồ dùng, bố trí chỗ nghỉ lại cho người lao động, thực hiện test nhanh kháng nguyên. Ngoài ra, mặt bằng diện tích sản xuất không rộng (chỉ đủ để sản xuất); nhiều doanh nghiệp không có chỗ bố trí cho công nhân ở lại doanh nghiệp để sản xuất, cũng không có đủ trang thiết bị cung ứng cho sinh hoạt hàng ngày như nhà vệ sinh.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có lao động bị F0, F1 phải cách ly tạm dừng hợp đồng lao động nhưng doanh nghiệp chưa được cấp có thẩm quyền yêu cầu tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch COVID-19. Do đó, số lao động này không được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, trong khi đó doanh nghiệp không muốn vay trả lương cho đối tượng người lao động này.
Ngoài ra, tỉnh Bình Định có 9.348 hộ kinh doanh với 16.459 lao động, thì hầu hết đều bị ảnh hưởng của dịch Covid- 19. Song thực hiện chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh, tính đến ngày 10/9/2021, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã xét duyệt, thẩm định với 1.262 với kinh phí hỗ trợ 3,786 tỷ đồng.
Tiếp đó, tổng số 241 hợp tác xã ở Bình Định với 3.832 lao động thì đã có 31 đơn vị giảm quy mô hoạt động, 1 đơn vị ngừng hoạt động do dịch bệnh; số lao động đang làm việc là 2.621 người, số lao động ngưng làm việc là 1.096 người và chấm dứt hợp đồng lao động là 115 người.
Do tác động của dịch bệnh, tỉnh Bình Định cũng có 28.650 lao động phi chính thức (lao động tự do, không có giao kết hợp đồng lao động) bị ảnh hưởng. Đến nay, 11/11 huyện, thị xã, thành phố đã rà soát, lập danh sách đối tượng đủ điều kiện hưởng chính sách là 19.121/28.650 người (đạt 66,7% kế hoạch), kinh phí hỗ trợ là 28,6815 tỷ đồng. Các địa phương đã thực hiện chi trả cho 15.078 người với tổng số tiền 22,617 tỷ đồng…
Có thể thấy, dịch bệnh COVID-19 đã và đang diễn biến hết sức phức tạp, gây ảnh hưởng nặng nề đến thị trường lao động của tỉnh Bình Định. Từ khi xảy ra dịch đến nay, số người được tư vấn giới thiệu việc làm trên địa bàn tỉnh là 1.404 người; trong đó có 472 lao động từ các địa phương khác về. Hiện tại, hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động của tỉnh có nhiều hạn chế, mặc dù các đơn vị có chức năng tư vấn, giới thiệu việc làm đã chủ động tư vấn thông qua hình thức online…
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho người lao động, ngoài các nhóm đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19, tỉnh Bình Định cũng cần xem xét đối tượng ưu tiên tiếp theo dành cho người lao động đang làm việc trong các công việc cấp thoát nước, điện, vệ sinh môi trường đô thị và các cơ sở kinh doanh các mặt hàng thiết yếu. Trước mắt, cần tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng phương án tái sản xuất kinh doanh trong tình hình dịch bệnh và sau khi dịch bệnh được kiếm soát tốt; có chính sách vay vốn ưu đãi đối với doanh nghiệp đang duy trì hoạt động trong tình hình dịch bệnh và doanh nghiệp có nhu cầu tái sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh.