Hãng đã mở lại 95% cửa hàng sau một thời gian đóng cửa do lệnh giãn cách xã hội. Dự đoán, tăng trưởng doanh số năm 2021 của Adidas sẽ tăng khoảng 30%, khách hàng ở lứa tuổi thanh thiếu niên chiếm phần lớn ở Trung Quốc, châu Á và Châu Mỹ Latinh.
Cổ phiếu của Adidas tăng 3,2% trong năm nay, mức tăng lớn nhất đối với chỉ số blue-chip của Đức.
Khi cửa hàng bị đóng cửa do đại dịch, Adidas đẩy mạnh bán hàng trực tuyến do nhiều người lựa chọn chạy bộ, đi bộ và tập yoga trong nhà ở thời gian giãn cách.
Nike, thương hiệu thời trang thể thao lớn nhất thế giới, cho biết khách hàng chủ yếu lựa chọn các ứng dụng thể thao và cửa hàng trực tuyến, giúp doanh số bán hàng online của hãng cao hơn đáng kể trong năm qua.
Adidas sẽ đầu tư hơn 1 tỷ euro vào quá trình chuyển đổi trực tuyến vào năm 2025, trong đó, giúp chuỗi cung ứng của hãng trở nên linh hoạt hơn, cung cấp các đơn đặt hàng trực tuyến nhanh chóng hơn.
Ông Kasper Rorsted, Tổng Giám đốc điều hành Adidas cho biết thương mại điện tử sẽ chiếm hơn 40% doanh số , tốc độ phát triển trực tuyến nhanh hơn ba lần so với mở cửa hàng trực tiếp trong năm 2025. Hiện hãng có hơn 150 triệu thành viên khách hàng trực tuyến.
Đồng thời, Adidas sẽ chi thêm 1 tỷ euro vào năm 2025, so với năm 2021, cho thương hiệu, bao gồm cả việc tiếp thị và tài trợ khi ra mắt các sản phẩm phong cách sống lấy cảm hứng từ thể thao, cùng với hiệu suất hiện có và các danh mục thời trang Originals.
Giống như các đối thủ Puma và Nike, Adidas sẽ tập trung nhiều hơn vào sản phẩm dành cho nữ giới. Hãng thông báo hợp tác với Peloton, công ty cung cấp các lớp học thể thao trực tuyến có số người đăng ký tham gia kỷ lục trong đại dịch.
Bên cạnh đó, 9 trên 10 các sản phẩm của hãng sẽ là sản phẩm bền vững, sử dụng nhiều vật liệu tái chế và phân hủy sinh học cũng được chú trọng. Trong đó dẫn đầu là giày tennis Stan Smith phiên bản làm từ chất liệu nấm thay vì da, dự kiện ra mắt vào cuối năm 2021. Ông Rorsted cũng chia sẻ thêm, hơn 70% khách hàng cho rằng tính bền vững là yếu tố quan trọng cần cân nhắc khi mua hàng.
Trung Quốc được coi là thị trường tăng trưởng nhanh nhất của hãng do đó, Adidas sẽ quản lý khu vực này tách biệt với phần còn lại của châu Á.
Thu nhập ròng của Adidas dự kiến tăng lên 1,25-1,45 tỷ euro vào năm 2021, tăng từ 429 triệu euro vào năm 2020 nhưng vẫn dưới 1,9 tỷ euro năm 2019.
Được thành lập bởi Adi Dassler vào năm 1949, Adidas đã chuyển phần lớn sản xuất từ châu Âu sang châu Á và hiện phụ thuộc vào hơn một triệu công nhân trong các nhà máy đối tác gia công, chủ yếu ở Trung Quốc và Việt Nam.
Adidas hiện có hơn 100 nhà cung cấp cho hãng trên toàn cầu. Các thương hiệu đồ thể theo lớn như Adidas gần như không trực tiếp sở hữu các nhà máy. Hai khâu mà họ trực tiếp nắm giữ là nghiên cứu, phát triển mẫu mã mới và làm thương hiệu. Các công đoạn còn lại, họ đặt các nhà máy gia công giày, chủ yếu đến từ Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Tại Việt Nam, công ty Pou Chen (Quận Bình Tân, TP.HCM) và Tae Kwang (Cái Răng, Cần Thơ) là hai nhà máy gia công giày lớn nhất cho Adidas.
Pou Chen đầu tư sản xuất từ năm 1994, hiện là nhà sản xuất giày lớn nhất xét về quy mô sản xuất. Họ sử dụng 150.000 công nhân, gấp khoảng bốn lần quy mô lao động của công ty nội địa lớn nhất trong ngành da giày. Năm 2019, Pou Chen sản xuất gần 323 triệu đôi giày cho Nike, Adidas, New Balance… chiếm khoảng 20% giá trị của ngành trên toàn cầu (sản phẩm có thương hiệu).
Trong khi đó, Tae Kwang là công ty Hàn Quốc hiện sở hữu bốn nhà máy sản xuất giày tại Việt Nam. Tae Kwang nằm trong top 10 nhà sản xuất giày lớn trên thế giới sử dụng gần 56.000 lao động ở Việt Nam, chiếm khoảng 2/3 số lao động tập đoàn tuyển dụng trên toàn cầu.