Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn (Agribank) chi nhánh Tây Hà Nội vừa phát đi thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty cổ phần sản xuất bao bì và hàng xuất khẩu Promexco.
Khoản nợ này được hình thành từ gói tín dụng do Agribank chi nhánh Tây Hà Nội cấp cho Promexco theo hợp đồng tín dụng ký ngày 04/05/2010. Tính đến thời điểm Agribank quyết định bán, khoản nợ có tổng giá trị là gần 90,2 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc hơn 46,9 tỷ đồng và nợ lãi gần 43,3 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, khoản vay này không có tài sản đảm bảo và được ngân hàng chào bán với giá hơn 54,2 tỷ đồng.
Giá khởi điểm trên chưa bao gồm các lại thuế, phí, lệ phí và nghĩa vụ tài chính khác phải nộp theo quy định của pháp luật khi thực hiện mua khoản nợ. Người trúng đấu giá phải chịu các lại thuế, phí, lệ phí và nghĩa vụ tài chính khác khi thực hiện mua Khoản Nợ theo quy định của pháp luật.
Phiên đấu giá dự kiến diễn ra vào ngày 09/12/2022 tại trụ sở Công ty Đấu giá Hợp danh Quốc Gia.
Trước đó, Agribank cũng từng rao bán khoản nợ này vào cuối tháng 2 với giá khởi điểm hơn 76,3 tỷ đồng. Như vậy, giá khởi điểm cho khoản nợ trên đã được Agribank giảm tới 22 tỷ đồng, tương đương gần 30%.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty cổ phần sản xuất bao bì và hàng xuất khẩu Promexco từng là một doanh nghiệp Nhà Nước trực thuộc Bộ Thương Mại. Ra đời vào năm 1973, ban đầu Công ty có tên là Xí nghiệp Liên Hợp sản xuất Bao Bì và Hàng Xuất khẩu. Đến năm 1991, một bộ phận nhỏ của Xí nghiệp tách ra hoạt động độc lập và đổi tên thành Xí nghiệp bao bì và xuất khẩu 2 Hà Nội.
Năm 1996, Bộ Thương mại đổi tên thành Công ty sản xuất bao bì và hàng xuất khẩu Promexco. Ngành nghề kinh doanh gồm: Sản xuất, gia công, chế biến các sản phẩm cao cấp từ nguyên liệu gỗ, Sản xuất chế biến bao bì và các mặt hàng lâm sản khác, Xuất nhập khẩu, kinh doanh khách sạn.
Sau khi cổ phần hóa, Promexco không kinh doanh các ngành nghề cốt lõi mà chuyển sang lĩnh vực bất động sản. Một số dự án đình đám của Promexco có thể kể đến như Chung cư Rose Town Hà Nội (Hoàng Mai, Hà Nội), Promexco Móng Cái (Quảng Ninh).
Ngân hàng Agribank rao bán hàng loạt bất động sản thế chấp
Thời gian qua, Agribank liên tục rao bán các bất động sản thế chấp từ vài tỷ đồng đến trăm tỷ đồng để nhanh chóng thu hồi nợ xấu.
Mới đây nhất, Agribank thông báo bán đấu giá 02 tài sản bảo đảm cho khoản vay của Công ty TNHH Taphaco US. Cụ thể là thửa đất số 669 và số 670, theo Tờ bản đồ số 35 Phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức (nay là TP Thủ Đức), TP HCM.
Giá khởi điểm của 2 tài sản là 41,6 tỷ đồng. Thời gian tổ chức đấu giá là ngày 9/12/2022.
Ngoài ra, Agribank thông báo bán đấu giá khoản nợ có tài sản bảo đảm của Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng PMC. Tổng giá trị khoản nợ đến ngày 31/05/2021 là 32,2 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 13,7 tỷ đồng và nợ lãi là 18,5 tỷ đồng. Tiền lãi tiếp tục phát sinh kể từ ngày 31/05/2021 cho đến khi doanh nghiệp thanh toán hết nợ gốc tiền vay tại ngân hàng.
Tài sản bảo đảm cho khoản vay của Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng PMC là Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại 1915 đường trước trường mầm non (nay là số 11 Bùi Thế Mỹ theo biên bản bàn giao tài sản bảo đảm ngày 17/12/2019), Phường 10, Quận Tân Bình. Giá khởi điểm đấu giá khoản nợ là 16,5 tỷ đồng. Thời gian tổ chức đấu giá là ngày 7/12/2022.
Ngân hàng Agribank cũng thông báo đấu giá tài sản đảm bảo của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Xuất nhập khẩu Quốc tế Thái Dương với giá khởi điểm là 155 tỷ đồng.
Tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, tọa lạc tại 309 Bình Quới, phường 28, quận Bình Thạnh, TP HCM.
Hai tài sản bảo đảm cho khoản vay của Công ty TNHH Cửu Long Phát cũng được Agribank rao bán với giá khởi điểm là 63,2 tỷ đồng.
Theo thống kê, từ giữa tháng 11/2022 đến nay, các chi nhánh của Agribank đã có hơn 40 thông báo về việc phát mại các tài sản thế chấp tại ngân hàng này.
Cho vay là hoạt động mang lại nguồn thu chủ yếu cho ngân hàng nhưng đây cũng là hoạt động chứa đựng nhiều rủi ro và phức tạp. Tài sản bảo đảm tại các ngân hàng hiện nay rất đa dạng từ bất động sản, động sản, tiền gửi, vàng, đá quý, giấy tờ có giá như cổ phiếu, trái phiếu, phương tiện vận chuyển, máy móc thiết bị, hàng tồn kho, khoản phải thu,….Tuy nhiên, tài sản chủ yếu nhất vẫn là bất động sản.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2021, tại ngày 31/12/2021, giá trị sổ sách các tài sản thế chấp của khách hàng tại ngân hàng Agribank đạt hơn 2,28 triệu tỷ đồng, tăng gần 13% so với cuối năm 2020.
Trong đó, riêng tài sản thế chấp là bất động sản tại Agribank đã có giá trị trên 2,01 triệu tỷ đồng, chiếm 88% tổng giá trị tài sản thế chấp và tăng gần 10% so với cuối năm 2020. Kéo theo tỷ lệ tài sản thế chấp/dư nợ cho vay khách hàng của Agribank ở mức gần 174%, tương ứng cứ mỗi đồng cho vay được đảm bảo bởi 1,74 đồng tài sản thế chấp và riêng bất động sản thế chấp là 1,53 đồng.
Tuy nhiên, trong báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2022, số liệu về phần tài sản thế chấp không được Agribank đề cập đến.
Về tình hình nợ xấu, tính đến ngày 30/6/2022, tổng nợ xấu tại Agribank là gần 30.000 tỷ đồng, tăng hơn 22% so với đầu năm.
Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) chiếm đến 64,6% nợ xấu với 19.375 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 1,87% đầu năm lên 2,15%.
Đáng chú ý, nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) tại Agribank có xu hướng tăng mạnh so với đầu năm. Cụ thể, tăng từ 28.446 tỷ đồng hồi đầu năm lên 41.285 tỷ đồng, tương đương tăng 45% so với đầu năm. Đây là nhóm nợ có xu hướng sẽ trở thành nợ xấu trong điều kiện không thanh toán được đúng hạn các khoản vay.