[Infographic] Báo cáo đầu tiên về hiện trạng bụi PM 2.5 toàn quốc

Ngô Hà

06/12/2021 18:19

Theo dõi trên

Ngày 1/12, một nhóm nhà khoa học đã công bố báo cáo về hiện trạng bụi PM2.5 cho tất cả 63 tỉnh/thành trên cả nước trong giai đoạn 2019-2020, chỉ ra các tỉnh thành có nồng độ bụi trung bình năm vượt quá quy chuẩn quốc gia.

Theo đó, năm 2020 Việt Nam có 10/63 tỉnh, thành phố có nồng độ bụi PM2.5 vượt quy chuẩn quốc gia là (theo thứ tự giảm dần): Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Hà Nam, Ninh Bình, Vĩnh Phúc.

Năm 2019, con số này là 13 tỉnh thành, bao gồm 11 tỉnh thành tại miền Bắc, và 2 tỉnh thành tại miền Nam.

Chất lượng không khí toàn quốc năm 2020 có phần cải thiện so với năm 2019, một phần do tác động của giãn cách xã hội. Tuy nhiên, khi so sánh hai năm, các nhà nghiên cứu chỉ ra, có một số vùng và địa phương vẫn thường xuyên phải gánh chịu nồng độ bụi PM2.5 cao, phần lớn ở đồng bằng sông Hồng và một số tỉnh ven biển miền Trung và Đông Nam Bộ.

Báo cáo “Hiện trạng bụi PM2.5 ở Việt Nam giai đoạn 2019-2020 sử dụng dữ liệu đa nguồn” tổng hợp nhiều nghiên cứu độc lập khác nhau nhằm đưa ra bức tranh đầy đủ nhất về ô nhiễm bụi PM2.5 tại Việt Nam. Trong đó, phần nghiên cứu hiện trạng bụi PM2.5 do các nhà khoa học thuộc Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội thực hiện trong năm 2020, còn phần nghiên cứu về nguồn thải PM2.5 được tổng hợp từ hai nghiên cứu do các nhóm khoa học khác thực hiện.

Hai nghiên cứu này xác định, trong năm 2018, các nguồn thải ô nhiễm bụi PM2.5 lớn nhất cả nước là đốt bỏ phụ phẩm nông nghiệp (40%), đun nấu dân sinh (17%), giao thông đường bộ (13%), cháy rừng (12,7%), hoạt động công nghiệp và làng nghề (11%). Tổng phát thải bụi mịn cả năm là 600.000 tấn.

Với Hà Nội, các nguồn phát thải cơ bản là hoạt động công nghiệp (48,3%), giao thông đường bộ (21,3%) và đốt bỏ phụ phẩm nông nghiệp (20,2%). Tổng phát thải bụi mịn ở Hà Nội năm 2018 là 20.000 tấn.

Trong khi đó, ở TPHCM, năm 2017, giao thông đường bộ chiếm 34% tổng mức phát thải bụi; hoạt động công nghiệp từ dệt may, thực phẩm - gần 20%; và đun nấu dân sinh, đun nấu thương mại - trên 20%.

Các nhà khoa học lưu ý rằng những đóng góp trên mới chỉ tính đến bụi PM2.5 sơ cấp - tức loại phát thải trực tiếp từ nguồn thải. Trên thực tế, nồng độ ô nhiễm bụi PM2.5 còn có thể đến từ nguồn thứ cấp - tức bụi PM2.5 được hình thành trong không khí từ các tiền chất như NOx, SOx và VOC, chủ yếu đến từ hoạt động giao thông và công nghiệp.

Dữ liệu đa nguồn cho bức tranh tổng thể

Đây là báo cáo đầu tiên cung cấp thông tin hiện trạng bụi PM2.5 không chỉ tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mà của tất cả 63 tỉnh/thành phố, với dữ liệu được tổng hợp và phân tích từ trạm quan trắc tiêu chuẩn, thiết bị cảm biến tới dữ liệu vệ tinh.

"Nếu như trước kia, khi nói đến ô nhiễm không khí, chúng ta chỉ nghĩ đến hai thành phố lớn Hà Nội và TPHCM thì giờ đây bằng kết quả bản đồ trực quan, mọi người có thể dễ dàng nhận thấy rằng rất nhiều tỉnh thành khác cũng đang gặp vấn đề ô nhiễm tương tự mà không được biết đến hoặc không được quan tâm đúng mực", chị Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc Live&Learn, tổ chức đồng tác giả của nghiên cứu, chia sẻ trong buổi công bố trực tuyến ngày 1/12.

Đánh giá về những khám phá này, TS. Hoàng Dương Tùng (Chủ tịch Mạng lưới Không khí Sạch Việt Nam - VCAP), người không trực tiếp tham gia vào các nghiên cứu nhưng đóng góp khá nhiều ý kiến cho báo cáo, nói rằng đây là một cách tiếp cận "đáng lưu ý", không chỉ vì nó cung cấp độ phủ rộng lớn về vấn đề chất lượng không khí trên toàn quốc mà còn ở việc sử dụng dữ liệu.

"Trước đây, các báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường mới chỉ dựa vào số liệu từ trạm quan trắc liên tục và quan trắc định kỳ, còn báo cáo này đã sử dụng số liệu vệ tinh cùng với số liệu mặt đất để cho ra bức tranh tương đối tổng thể về chất lượng không khí trên toàn Việt Nam, chi tiết tới từng tỉnh hay từng quận/huyện", TS. Hoàng Dương Tùng chỉ ra.

Ông nhấn mạnh, việc tiếp cận kết hợp số liệu vệ tinh, số liệu trạm truyền thống và cảm biến chi phí thấp là hướng đi đã và đang được ứng dụng ở nhiều quốc gia.

Báo cáo do Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) xuất bản dưới sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) trong dự án “Chung tay vì không khí sạch”.

Dưới đây là một vài con số trích rút từ báo cáo:

1-1638789396.jpg
 
2-1638789396.jpg
 
3-1638789396.jpg
 

 

Dựa trên kết quả của báo cáo và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, báo cáo đưa ra 5 khuyến nghị:

* Tiếp cận đa nguồn dữ liệu: Việt Nam nên xem xét cách tiếp cận mở, sử dụng nhiều nguồn dữ liệu khác nhau và các dữ liệu mô hình tính toán từ ảnh vệ tinh trong giám sát chất lượng không khí nhằm đưa ra bức tranh về hiện trạng môi trường không khí ở cấp quốc gia, vùng miền và tỉnh, thành.

* Xây dựng bản đồ chi tiết: Đối với các tỉnh thành có ô nhiễm bụi PM2.5, các địa phương nên xây dựng bản đồ phân bố bụi chi tiết tới cấp quận/huyện để nắm được hiện trạng và có các biện pháp quản lý chất lượng không khí thích hợp.

* Xác định nguồn thải: Đẩy mạnh các nghiên cứu để xác định đóng góp nguồn thải bụi PM2.5 và cho các chất ô nhiễm không khí khác, đặc biệt ở các tỉnh, thành phố đang bị ô nhiễm.

* Tăng cường mạng lưới trạm quan trắc chất lượng không khí tiêu chuẩn của nhà nước trên phạm vi toàn quốc để bổ sung dữ liệu. Nên ưu tiên các trạm cho các tỉnh, thành phố có ô nhiêm không khí.

* Ứng dụng công nghệ mới: Thúc đẩy ứng dụng công nghệ như cảm biến và vệ tinh trong quan trắc bụi PM2.5 và các chất ô nhiễm không khí khác.

 

 

Bạn đang đọc bài viết "[Infographic] Báo cáo đầu tiên về hiện trạng bụi PM 2.5 toàn quốc" tại chuyên mục Môi trường. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com