Từ khóa: Kênh Techo Funan, nguồn nước sông Mê Kông, quản lý nguồn nước sông Mê Kông, pháp luật quốc tế
Abstract: On August 5, 2024, the Government of the Kingdom of Cambodia lauched historic Funan Techo Canal construction. One year before, Cambodia sent a notice to the Secretariat of the International Mekong River Commission (MRC) about the Funan Techo inland waterway project according to PNPCA procedures. This project aims at socio-economic development for 1.6 million people living along the banks of the canal, and create ro water roade for 4 provinces of Cambodia: Kandal, Takeo, Kampot and Kep, reducing dependence on the route to the sea through Vietnam. The project raises conflicting opinions of internationl scolars about the obligation of countries to enforce international law in the management of international water resources. This article clarifies the main features related regarding the importance of the Mekong River, the international and regional legal framework on sustainable management of international water resources in the Mekong sub-region, the application of the legal framework on international water resources to the Mekong River basin and present cooperative mechanisms, and Cambodia-Vietnam cooperation.
Keywords: Techo Funan Canal, Mekong River water resources, Mekong River water resource management, international law
1. Tổng quan vị trí chiến lược và vai trò của Tiểu vùng sông Mê Kông
Sông Mê Kông, là con sông dài nhất ở Đông Nam Á, thứ 7 ở châu Á và thứ 12 trên thế giới. Sôngcó chiều dài khoảng 4350 km, chia làm hai khu vực Mê Kông thượng (1,955 km từ Tây Tạng (Trung Quốc đến biên giới Trung Quốc - Lào - Myanmar) và Mê Kông hạ (2,390 km từ biên giới Lào - Myanma qua Campuchia, Việt Nam tới biển).[4] Sông cung cấp môi trường sống, nguồn lợi thủy sản, thủy điện và giao thông đường thủy.[5]
Sông cung cấp môi trường sống, nguồn lợi thủy sản, thủy điện và giao thông đường thủy. Kênh đào Funan Techo nằm trong tiểu vùng Mê Kông hạ. Sông Mê Kông, là con sông dài nhất ở Đông Nam Á, thứ 7 ở châu Á và thứ 12 trên thế giới. Sông có chiều dài khoảng 4350 km, chia làm hai khu vực Mê Kông thượng (1,955 km từ Tây Tạng (Trung Quốc đến biên giới Trung Quốc - Lào - Myanmar) và Tiểu vùng sông Mê Kông hay Mê Kông hạ, có vai trò quan trọng trong phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Thứ nhất, đây là vùng đồng bằng, tập trung nhiều dân cư sinh sống tập trung quanh khu vực lưu vực sông, có nhiều cơ hội và khả năng để phát triển kinh tế. Dân cư lưu vực sông Mê Kông trên 60 triệu, trong đó Lào 5,2 triệu, Campuchia 13 triệu, Việt Nam 18,7 triệu và Thái Lan 23 triệu.[6]
Thứ hai, tiểu vùng sông Mê Kông có vị trí địa chiến lược quan trọng, là điểm nối giữa Tiểu Á và Đông Nam Á hay giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình dương qua lục địa châu Á và nằm ở cửa ngõ eo biển Malacca. Mê Kông cũng là cửa ngõ cho vùng Tây Nam của Trung Quốc liên kết với ASEAN và khu vực. Cả Mỹ và Trung Quốc đều có những sáng kiến quan trọng triển khai tại đây như Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở hay Một Vành đai - Một con đường. Mỹ có căn cứ quân sự ở Thái Lan và Trung Quốc giúp Campuchia xây dựng căn cứ hải quân ở Ream.[7]
Thứ ba, tiểu vùng sông Mê Kông được đánh giá là một trong những khu vực đa dạng sinh học lớn nhất thế giới do các đặc điểm tự nhiên mùa nước nổi, phù sa trù phú. Lưu vực sông Mê Kông là vựa lúa nước lớn nhất thế giới, với hơn 10 triệu ha có thể canh tác 2-3 vụ/năm, là một trong những vựa cá nước ngọt lớn nhất của thế giới với 850 loài và một trong số đó là Biển Hồ Tonle Sap (Cămpuchia) và có hệ sinh thái rừng phong phú như Rừng U Minh (Việt Nam).[8]
Thứ tư, đây là một trong những nơi trên thế giới chịu tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu. Việt Nam với đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong 10 nước bị tác động tiêu cực của BĐKH và một trong nước phải đương đầu với nguy cơ lớn nhất của nước biển dâng.[9] Với mực nước biển dâng cao +1m, các vùng có nguy cơ ngập lụt là Tonle Sáp ở Campuchia và Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Việt Nam sẽ mất 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 97% lượng phù sa về ĐBSCL đối với kịch bản phát triển năm 2040,[10] ảnh hưởng nặng đến an ninh lương thực và cuộc sống của người dân, gây ra những sự di dân xáo trộn lớn. Thành phố Hồ Chí Minh là 1 trong 10 thành phố lớn của thế giới đang chìm dần do bị tác động cộng hưởng của nước biển dâng và sử dụng không hợp lý nguồn nước ngầm.[11]
Thứ năm, đây là khu vực đang phát triển mạnh mẽ, có nhiều dự án kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài. Các dự án đều xoay quanh hoặc liên quan đến vấn đề quản lý sông Mê Kông.
Thứ sáu, đây là nơi có nhiều cơ chế hợp tác nhất như Ủy hội sông Mê Kông (MRC), cơ chế Mê Kông - Lan Thương, Cơ chế Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (Greater Mekong Subregion (GMS), Đối tác Mê Kông - Mỹ (MUSP), Cơ chế Tam giác phát triển Campuchia, Lào, Việt Nam (CLV), Cơ chế hợp tác bốn nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam (CLMV), Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong (ACMECS), ASEAN và cơ chế hợp tác với các đối tác khác... Các cơ chế này cho thấy thách thức trong phân mảnh, thiếu sự hợp tác minh bạch, chia sẻ thông tin và thiếu chiến lược chung và phân tán nguồn lực trong giải quyét các vấn đề xuyên biên giới.
Thứ bảy, mặc dù có cam kết nhưng các nước lưu vực sông Mê Kông chưa thực sự tuân thủ luật quốc tế về môi trường cũng như quản lý các nguồn nước quốc tế, làm giảm hiệu lực của luật quốc tế trong giải quyết các vấn đề toàn cầu và khu vực.
2. Khung pháp lý quốc tế và khu vực về quản lý bền vững các nguồn nước quốc tế tại tiểu vùng sông Mê Kông
Vì Mê Kông là sông liên quốc gia và là đối tượng chịu tác động lớn của BĐKH nên phần này tập trung giới thiệu khung pháp lý quốc tế chính liên quan đến sử dụng và quản lý các nguồn nước quốc tế trong khuôn khổ đối phó và thích ứng với BĐKH cũng như các cơ chế hợp tác.
Điều ước quốc tế bảo vệ tài nguyên nước quan trọng có thể kể đến là Công ước Hensilki năm 1992 về bảo vệ và sử dụng các nguồn nước xuyên biên giới và các hồ quốc tế; Công ước của Liên hợp quốc (LHQ) về Luật Sử dụng các nguồn nước liên quốc gia vì mục đích phi giao thông thủy (Công ước New York 1997 có hiệu lực năm 2014); Hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông (1995). Các thoả thuận quốc tế này là kết quả của việc điều ước hóa nhiều nguyên tắc, quy phạm đã hình thành dưới hình thức tập quán quốc tế và được xây dựng trên cơ sở hoặc dẫn chiếu tới các nguyên tắc được nêu trong Tuyên bố Rio 1992 về Môi trường và Phát triển.
Các nguyên tắc này cần được thực hiện trong tổng thể, liên hệ chặt chẽ với nhau. Nguyên tắc 4 của Tuyên bố Rio năm 1992 quy định: “Để thực hiện được sự phát triển bền vững, bảo vệ môi trường nhất thiết sẽ là một bộ phận cấu thành của quá trình phát triển và không thể xem xét tách rời quá trình đó”. Khái niệm phát triển bền vững chỉ rõ (1) sự cần thiết phải tính đến lợi ích của các thế hệ tương lai (nguyên tắc công bằng giữa các thế hệ tức quyền được phát triển phải được thực hiện sao cho đáp ứng một cách bình đẳng những nhu cầu về phát triển và môi trường của các thế hệ hiện tại và tương lai); (2) Nghĩa vụ của mỗi quốc gia khai thác sử dụng các tài nguyên của họ một cách bền vững (nguyên tắc phát triển bền vững và chủ quyền vĩnh viễn đối với tài nguyên thiên nhiên); (3) Khi làm việc đó, nghĩa vụ của mỗi quốc gia phải tính đến lợi ích của các quốc gia khác (nguyên tắc sử dụng công bằng, nguyên tắc phải thông báo và kịp thời cung cấp thông tin cho các quốc gia có khả năng bị ảnh hưởng về những hoạt động ảnh hưởng xấu đáng kể đến môi trường xuyên biên giới, tham khảo sớm ý kiến của các quốc gia này và có thiện ý, nguyên tắc công bằng giữa các thế hệ và trong cùng một thế hệ); (4) Nghĩa vụ của các quốc gia hợp tác với các quốc gia khác và đưa các cân nhắc môi trường vào trong các chính sách phát triển của mình (nguyên tắc hợp tác và nguyên tắc tích hợp).[12]
Nguyên tắc 21 của Tuyên bố Stockholm và Nguyên tắc 2 của Tuyên bố Rio năm 1992 nhấn mạnh: “Phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và những nguyên tắc của luật pháp quốc tế, các quốc gia có chủ quyền khai thác những tài nguyên của mình theo những chính sách về môi trường và phát triển của mình, và có trách nhiệm bảo đảm rằng những hoạt động trong phạm vi quyền tài phán và kiểm soát của mình không gây tác hại gì đến môi trường của các quốc gia khác hoặc của những khu vực ngoài phạm vi quyền tài phán quốc gia”.
Khi thực hiện các dự án kinh tế xuyên quốc gia, nguyên tắc ngăn ngừa yêu cầu các hành động phải được tiến hành ngay từ giai đoạn sớm nhất và nếu có thể, trước khi tác hại xảy ra. Nguyên tắc tiếp cận đề phòng (nguyên tắc 15 của Tuyên bố Rio năm 1992) còn nhấn mạnh: “Để bảo vệ môi trường, các quốc gia cần áp dụng rộng rãi phương pháp tiếp cận đề phòng tuỳ theo năng lực của mình, ở chỗ nào có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng hay không thể khắc phục được, việc thiếu căn cứ khoa học chắc chắn minh chứng không được sử dụng như là lý do để trì hoãn áp dụng các biện pháp hữu hiệu dựa trên công thức chi phí - hiệu quả để ngăn chặn sự suy thoái môi trường”.
Các Nguyên tắc này được nhấn mạnh không chỉ trong các văn bản quốc tế mà trong cả các phán quyết cũng như Ý kiến tư vấn của các cơ quan tài phán quốc tế.
Tiếp cận đề phòng (due diligence) được hiểu một quốc gia cần phải ngăn ngừa việc sử dụng lãnh thổ của mình cho những hành động tác động xấu tới quyền và lợi ích của quốc gia khác và có thể gây tổn hại cho quốc gia khác. Trong Vụ Eo biển Corfu năm 1949, Toà án Công lý quốc tế (ICJ) đã khái quát nghĩa vụ của quốc gia vô tình cho phép sử dụng lãnh thổ nước mình cho các hành vi chống lại quốc gia khác.[13]. Trong vụ Pulp Mills on the River Uruguay (Argentina/Uruguay, Toà, kết luận nghĩa vụ ngăn ngừa xuất phát từ nguyên tắc tiếp cận đề phòng được yêu cầu quốc gia trên lãnh thổ của mình.[14] Tiếp cận đề phòng là cầu nối giữa trách nhiệm quốc gia như một thành viên của cộng đồng quốc tế với việc thực hiện chủ quyền, quyền của chủ quyền trong phạm vi lãnh thổ của mình.[15] Ý kiến tư vấn của Toà trọng tài Luật biển quốc tế (ITLOS) ngày 21/5/2024 nhấn mạnh các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của due diligence phải được các nước áp dụng trong bối cảnh BĐKH. Các nước áp dụng quan điểm phòng ngừa chủ động trong việc tiến hành các biện pháp ngăn chặn các tổn hại môi trường ngay cả khi phải đối mặt với sự chưa rõ ràng của các số liệu và dự báo khoa học. Các biện pháp này cần được đánh giá trên cơ sở khoa học tốt nhất có thể.[16] Nguyên tắc hợp tác yêu cầu các quốc gia cần phải làm việc cùng nhau trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức quốc tế có thẩm quyền một cách liên tục, có ý nghĩa và thiện chí để đối phó với các vấn đề xuyên biên giới.
Các điều khoản của Công ước Hensilki năm 1992 về bảo vệ và sử dụng các nguồn nước xuyên biên giới và các hồ quốc tế; Công ước của Liên hợp quốc (LHQ) về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia vì mục đích phi giao thông thủy, Hiệp định sông Mê Kông đều thể hiện các nguyên tắc chính của Luật quốc tế về môi trường như Phát triển bền vững, Nguyên tắc ngăn ngừa, Tiếp cận đề phòng, Nguyên tắc trách nhiệm không gây tác hại, Nguyên tắc hợp tác, Nguyên tắc đồng ý trên cơ sở được thông báo trước, Đánh giá tác động môi trường, nguyên tắc bên gây ô nhiễm phải trả tiền và Nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng khác biệt, Nguyên tắc tham gia của cộng đồng cũng như Nguyên tắc công bằng giữa các thế hệ.
Ví dụ Lời mở đầu và điều 5 của Mục tiêu cơ bản của Công ước New York 1997 yêu cầu các thành viên sử dụng các nguồn nước quốc tế một cách công bằng và hợp lý nhưng không gây hại đáng kể tới các quốc gia liên quan thông qua việc thực hiện các biện pháp, cơ chế thông báo, trao đổi thông tin, số liệu, tham vấn và giải quyết các tranh chấp phát sinh giữa các quốc gia. [17] Điều 7 quy định “Nghĩa vụ không gây ra những tổn hại đáng kể” nhấn mạnh mới quan hệ giữa chủ quyền quốc gia với nguyên tắc tiếp cận đề phòng. Nó yêu cầu các quốc gia khi sử dụng nguồn nước quốc tế trên lãnh thổ của họ..thì phải áp dụng các biện pháp hợp lý để ngăn ngừa gây ra tổn hại đáng kể cho các quốc gia khác dùng chung nguồn nước quốc tế và phải bồi thường cho bất kỳ tổn hại nào đối với quốc gia chia xẻ nguồn nước”. Trong trường hợp có xảy ra các tổn hại đáng kể cho quốc gia chung nguồn nước khác, trong khi chưa có các thoả thuận về việc sử dụng này, thì quốc gia gây tổn hại phải tiến hành các biện pháp phù hợp, có tham vấn với quốc gia bị tổn hại, nhằm hạn chế và loại bỏ tổn hại và khi thích hợp thảo luận với quốc gia bị tổn hại về bồi thường.
Hiệp định sông Mê Kông 1995 - (Điều 3-10) chỉ nêu các nguyên tắc, trong đó kết hợp tôn trọng chủ quyền kinh tế của quốc gia có dự án và quyền được thông báo, tham vấn của các quốc gia liên quan nhằm bảo đảm việc sử dụng nguồn nước quốc tế (hoặc liên quốc gia) một cách công bằng, hợp lý và phát triển bền vững, không làm ảnh hưởng quyền lợi chính đáng của các quốc gia liên quan:
+ Các quốc gia ven nguồn nước phải sử dụng nguồn nước liên quốc gia trong lãnh thổ của mình một cách công bằng, hợp lý, phát triển bền vững nguồn nước, đồng thời có tính tới lợi ích của các quốc gia có chung nguồn nước;
+ Các quốc gia ven nguồn nước phải hợp tác trên cơ sở bình đẳng về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, cùng có lợi và thân thiện để đạt được việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước hợp lý, hiệu quả;
+ Khi chuẩn bị thực hiện hoặc cho phép thực hiện các dự án có khả năng gây tác hại tới các quốc gia có chung nguồn nước thì phải trao đổi thông tin, số liệu và thực hiện thông báo, tham vấn với các quốc gia liên quan;
+ Khi sử dụng nguồn nước liên quốc gia thuộc lãnh thổ nước mình, các quốc gia ven nguồn nước phải có các biện pháp thích hợp để phòng ngừa việc gây ra thiệt hại đáng kể cho các quốc gia ven nguồn nước khác.
+ Các quốc gia ven nguồn nước phải xác định tất cả các yếu tố liên quan, nguyên nhân, mức độ thiệt hại và trách nhiệm gây hại của quốc gia đó, phù hợp với các nguyên tắc của luật quốc tế về trách nhiệm quốc gia, và xem xét, và giải quyết mọi vấn đề, khác biệt và bất đồng một cách thân thiện và kịp thời thông qua các biện pháp hoà bình quy định tại các Điều 34 và 35 của Hiệp định này, và phù hợp với Hiến chương Liên hiệp quốc.[18]
Để làm rõ các quy định trong điều 3-10 của Hiệp định sông Mê Kông 1995, Uỷ ban sông Mê Kông (MRC) đưa ra các giải thích về cơ chế hợp tác:
Thông báo được áp dụng cho các dự án trên các nhánh sông chính về việc sử dụng nguồn nước và không yêu cầu tham vấn. Đây là trường hợp dự án xây dựng đập thủy điện trên nhánh sông Sê Kông A của Lào. Tháng 8/2022, Lào đã thực hiện thông báo cho Ban Thư ký MRC và các nước liên quan về dự án, bảo đảm tính công khai và hợp tác giữa các quốc gia liên quan, tránh các ảnh hưởng tới nguồn nước liên quốc gia. Lào cũng chủ động đề xuất với Campuchia, Việt Nam và các nước liên quan khác triển khai báo cáo Đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới TbEIA (Transboundary Environmental Impact Assessment).
Thủ tục tham vấn trước được áp dụng cho các dự án trên sông chính, sử dụng nước trong cả hai mùa khô và mùa mưa hoặc các dự án chuyển nước từ sông Mê Kông vào mùa khô sang lưu vực sông khác. Thủ tục tham vấn trước bao gồm cung cấp thông tin, thảo luận và đánh giá các tác động của dự án. Tuy nhiên thủ tục này không phải là sử dụng quyền phủ quyết veto dự án từ các quốc gia khác. Nó cũng không ủng hộ quyền được đơn phương sử dụng nguồn nước mà không tính tới quyền lợi của các quốc gia khác. Nó được áp dụng nhằm mục đích làm cho việc sử dụng nguồn nước của dự án được hợp lý và công bằng. Thủ tục này đòi hỏi sự hợp tác thiện chí từ hai phía. Khi Lào xây dựng nhà máy thuỷ điện Don Sahong với 6 đập thuỷ điện trên dòng chảy chính, nước này đã thực hiện thủ tục tham vấn trước để đáp ứng các yêu cầu từ phía Việt Nam và Campuchia thay cho thủ tục thông báo. Thủ tục thông báo trước mới được áp dụng từ năm 2014, theo đó cần phải có một thông báo chính thức từ nước có dự án cho Ban Thư ký MRC về ý định tham vấn trước. Thông báo áp dụng thủ tục tham vấn trước phải được tiến hành ít nhất 7 tháng trước khi dự án khởi công. Ban Thư ký sẽ thông báo cho các nước liên quan và chủ trì hợp tác giữa các bên tiến hành tham vấn nhằm đánh giá kỹ thuật dự án, thúc đẩy thảo luận về các quan ngại do các nước liên quan cũng như các chuyên gia môi trường nêu ra. Kết quả cuối cùng sẽ sự hợp tác tích cực nhằm bảo đảm phát triển bền vững có trách nhiệm, vừa bảo đảm phát triển kinh tế, bảo đảm môi trường và mối quan hệ của cả cộng đồng sử dụng nguồn nước liên quốc gia.
Thủ tục Thoả thuận đặc biệt được áp dụng cho các dự án điều chuyển nước từ nguồn chảy chính của sông Mê Kông tới lưu vực sông khác trong mùa khô. Các dự án này cần được sự đồng thuận của các quốc gia thành viên Hiệp định 1995. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có dự án nào áp dụng thủ tục này.[19]
3. Việc áp dụng khung pháp lý về nguồn nước quốc tế (liên quốc gia) cho lưu vực sông Mê Kông và các cơ chế hợp tác hiện có
Phát triển bền vững Tiểu vùng sông Mê Kông trong điều kiện biến đổi khí hậu, nhất là với các dự án xuyên quốc gia đòi hỏi các quốc gia láng giềng phải hành động phù hợp với các nguyên tắc của luật quốc tế về môi trường, đặc biệt là nguyên tắc phát triển bền vững, ngăn ngừa, tiếp cận đề phòng, đánh giá tác động môi trường, bên gây ô nhiễm phải trả tiền và hợp tác. Việc áp dụng các điều ước quốc tế này để quản lý nguồn nước ở tiểu vùng sông Mê Kông có những thách thức sau:
Thứ nhất, Không có nước nào ở lưu vực sông Mê Kông cũng như ASEAN ngoài Việt Nam là thành viên của Công ước của Liên hợp quốc về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy, Trung Quốc còn bỏ phiếu chống khi thông qua mở ký năm 1997. Việt Nam là một trong số 38 quốc gia tham gia Công ước này (Việt Nam phê chuẩn ngày 19/5/2014). Công ước có hiệu lực từ ngày 17/8/2014) với điều khoản bảo lưu dựa trên Tuyên bố kèm theo Quyết định 818/2014/QĐ-CTN: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố tự quyết định lựa chọn hình thức phân xử tranh chấp mà không phụ thuộc vào quyết định của quốc gia liên quan hoặc của bên thứ ba trong quá trình giải quyết tranh chấp.
Điều 7 của Công ước 1997 là một điều khoản chứa đựng mâu thuẫn vì nó chứa đựng khả năng cho phép một quốc gia tiến hành các hoạt động liên quan đến nguồn nước quốc tế trên lãnh thổ của mình có thể gây hại cho quốc gia chia xẻ nguồn nước khác miễn là sự tổn hại đó được chứng minh là không đáng kể. Công ước 1997 áp dụng cho việc sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy trong khi các vấn đề tự do giao thông thuỷ, phát triển thuỷ điện, phù sa không thể tách rời trong quản lý sông Mê Kông và với các biện pháp bảo vệ, bảo tồn và quản lý có liên quan đến việc sử dụng các nguồn nước liên quốc gia. Vì các lý do trên Công ước 1997 chỉ có giá trị tham vấn trong đàm phán, đấu tranh hay thỏa thuận giải quyết các vấn đề phát sinh đối với nguồn nước sông Mê Kông.
So với Công ước 1997, số lượng các nước thành viên Hiệp định Mê Kông nhiều hơn, nhưng chỉ tập trung ở các nước hạ nguồn Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam trong khi hai quốc gia ở thượng nguồn là Trung Quốc và Myanmar chưa tham gia. Hiệp định Mê Kông quy định cả tự do giao thông thuỷ và việc sử dụng các dòng chảy chính và nhánh sông Mê Kông cho các mục đích phi giao thông thủy. Sông Mê Kông phải được thông suốt không bị cản trở bởi các chướng ngại, biện pháp, hành vi và hoạt động nào có thể gây ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới khả năng giao thông thủy, cản trở hoặc thường xuyên gây khó khăn đối với quyền này. Việc sử dụng với mục đích giao thông thuỷ không được đặt ưu tiên hơn các mục đích sử dụng khác mà sẽ được lồng ghép trong mọi dự án dòng chính. Các quốc gia ven sông có thể đặt ra các quy định cho đoạn sông Mê Kông thuộc lãnh thổ mình, đặc biệt là các vấn đề về vệ sinh, hải quan, xuất nhập cảnh, cảnh sát và an ninh chung.
Hiệp định sông Mê Kông 1995 quy định các nguyên tắc sử dụng công bằng, tham gia công bằng và không gây hại đáng kể nhưng lại không quy định các biện pháp cụ thể. Việc thực hiện các nguyên tắc hay không là do quốc gia tự quyết định.[20] Bên cạnh đó, Hiệp định có quy định các thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thoả thuận đặc biệt nhưng không đề cập đến quy trình thủ tục bắt buộc đối với quốc gia có dự án nếu các dự án tiềm tàng nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực đến quốc gia ven sông khác cũng như không có cơ chế và quy trình giải quyết tranh chấp rõ ràng và có quyết định cuối cùng ràng buộc về pháp lý.[21] Hiệp định không quy định rõ ràng giữa thủ tục thông báo và tham vấn hay áp dụng cả hai cũng như công trình dự án nào cần thông báo hoặc tham vấn hay Thoả thuận đặc biệt. Tự do đường thuỷ trong Hiệp định Mê Kông chưa gắn với quy định Công ước Basel về kiểm soát vận chuyển chất thải nguy hại qua biên giới và việc tiêu huỷ chúng (1995).
Thứ hai, các nước khu vực sông Mê Kông đều là thành viên của Công ước khung của Liên hợp quốc năm 1992 về biến đổi khí hậu, và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu 2015. Các nước đều cam kết giảm sử dụng năng lượng hoá thạch, giảm dần lượng khí thải nhà kính với lộ trình cụ thể. Thực thi đối phó và thích nghi với BĐKH có thể hạn chế các kịch bản nước biển dâng, lũ lụt hay sa mạc hoá ở đồng bằng sông Mê Kông. Tuy nhiên, cho đến nay mới chỉ có Việt Nam thông qua 2 kịch bản nước biển dâng 1996 và 2020[22]. Theo kịch bản 2020, Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có nguy cơ ngập cao (47,29% diện tích) Cà Mau và Kiên Giang là tỉnh có nguy cơ ngập cao nhất (tương ứng 79,62% và 75,68% diện tích).
Các nước khu vực sông Mê Kông đều là thành viên của Công ước đa dạng sinh học năm 1992, Công ước Ramsar về các vùng đất ngập nước (1971), Nghị định thư Cartagena năm 2000 về An toàn sinh học của Công ước Đa dạng sinh học. Điểm chung của các công ước về BĐKH này là khuyến khích thích ứng với BĐKH như giảm bớt các tác hại của BĐKH hay khôi phục sau thảm hoạ thiên nhiên; bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học trong điều kiện BĐKH, nâng cao năng lực thích ứng của cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng và các viện, cơ sở ở mọi cấp độ, áp dụng các phương pháp thích ứng dựa trên mạng lưới và cơ sở thị trường và một có chế xác định trách nhiệm và bồi thường thiệt hại do tác động của BĐKH.[23] Tuy nhiên, các Công ước này không có điều khoản trực tiếp liên quan sử dụng nguồn nước quốc tế trong khi phòng, chống và thích nghi BĐKH là điều cần tính đến trong quản lý và phát triển bền vững nguồn nước quốc tế.
Để lấp chỗ trống này, nhiều cơ chế hợp tác được phát triển trong khu vực sông Mê Kông. Hiện tại có 9 cơ chế hợp tác như vậy đang tồn tại, trong số đó, MRC là cơ chế hợp tác có hiệu quả nhất.
Ủy hội sông Mê Kông MRC được đánh giá có cơ chế hợp tác tiểu vùng với tổ chức và bộ máy hoạt động thường xuyên đầy đủ nhất. MRC gồm Hội đồng, Ủy ban liên hợp và Ban Thư ký. Tại mỗi nước thành viên đều thành lập Ủy ban sông Mê Kông quốc gia. Hợp tác của Uỷ hội tập trung vào các lĩnh vực phát triển bền vững, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan của lưu vực sông Mê Kông như tưới tiêu, nông nghiệp, thuỷ điện, giao thông thuỷ, phòng lũ, cạn kiệt phù sa, thuỷ sản, giải trí và du lịch.
Để khắc phục việc thiếu hợp tác trong quản lý nguồn nước từ thượng nguồn, MRC có thêm các đối tác là đại diện của Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc, Bộ Môi trường Myanmar và đại diện các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ.[24] MRC đã phát triển Chiến lược Phát triển Lưu vực dựa trên Quản lý tổng hợp Tài nguyên nước cho các giai đoạn 2011-2015, 2016-2020, 2021-2030, hoàn thành xây dựng Bộ Quy chế chung sử dụng nước gồm 5 thủ tục (1- Trao đổi và Chia sẻ thông tin số liệu; 2-Thông báo, Tham Vấn trước và Thoả thuận; 3- Giám sát sử dụng nước và Duy trì dòng chảy trên dòng chính; 4- Chất lượng nước; 5- Các hướng dẫn kỹ thuật).
Tuy nhiên, hạn chế của MRC là 1) không thể đạt được hợp tác quản lý nguồn nước toàn diện trên sông Mê Kông khi phụ thuộc vào thiện chí của các nước thượng nguồn; 2) Không có các nguyên tắc pháp lý và cơ chế điều tiết cụ thể quản lý dòng chảy nhánh dẫn tới khó định ra và giám sát thực thi các tiêu chuẩn kỹ thuật duy trì dòng chảy trên dòng chính và Chất lượng nước; 3) Chưa thực sự xây dựng hiệu quả Bộ Cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước và Bộ công cụ phân tích và đánh giá tác động và lựa chọn các kịch bản phát triển nhất là với các dự án phát triển kinh tế như thuỷ điện hoặc giao thông thuỷ tác động tới khối lượng và chất lượng nguồn nước; 4) Thiếu cơ chế và quy định cụ thể về giải quyết tranh chấp ngoài việc kiến nghị và kêu gọi tham vấn; 5) Thiếu nguồn tài chính độc lập, phải dựa vào nguồn từ các đối tác nước ngoài hơn là các nước thành viên nên khó có thể tiếp cận chủ động việc quy hoạch và quản lý sông Mê Kông một cách tổng hợp và toàn diện.
Hợp tác GMS thu hút được sự tham gia rộng hơn của các nước thượng nguồn (ngoài các nước Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam còn có Myanmar, Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc). Hợp tác này có cách tiếp cận dựa trên các dự án cụ thể trong ba lĩnh vực – 3 C (Kết nối hạ tầng – Connectivity; Tăng cường khả năng cạnh tranh – Competiveness và Kết nối cộng đồng – Community). Môi trường và thích ứng với BĐKH chỉ là một phần nhỏ trong 3 trụ cột này và Hợp tác GMS tập trung phát triển kinh tế hơn là quản lý nguồn nước mặc dù GMS cũng có sáng kiến “Vận tải xanh”, Sáng kiến các hành lang bảo tồn đa dạng sinh học. Hợp tác GMS đã thông qua Khung chiến lược Chương trình hợp tác kinh tế tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng giai đoạn 2012-2022 và Kế hoạch hành động Hà Nội 2018-2022. Các nhà lãnh đạo cũng đưa ra “Kế hoạch ứng phó đại dịch Covid-19 và phục hồi của GMS giai đoạn 2021-2023” và “Khung chiến lược Chương trình Hợp tác kinh tế GMS 2030” về một khu vực GMS hội nhập, thịnh vượng và phát triển bền vững và bao trùm. Tầm nhìn 2030 nhấn mạnh các mục tiêu: (1) Tận dụng cuộc cách mạng số để nâng cao cao hiệu quả và tính bao trùm của nền kinh tế; (2) Cải thiện cách tiếp cận không gian trong phát triển với việc xây dựng mạng lưới các hành lang kinh tế, gắn kết khu vực biên giới, các thành phố lớn và khu vực nông thôn; (3) Thúc đẩy kết nối năng lượng, hướng đến hình thành thị trường năng lượng khu vực cạnh tranh; (4) Tăng cường đối thoại về chính sách và quy định, chú trọng các giải pháp dựa trên tri thức và nâng cao năng lực; (5) Phát huy tiềm năng và năng lực của khu vực tư nhân; (6) Nỗ lực bảo đảm bình đẳng giới trong quá trình phát triển; và (7) Xây dựng GMS là cơ chế hợp tác mở, phối hợp, bổ trợ các cơ chế khu vực khác.[25] Hợp tác GMS góp phần thúc đẩy hội nhập khu vực, mở rộng kết nối hạ tầng và động viên các nguồn vốn doanh nghiệp và cá nhân ngoài các nguồn vốn nhà nước. Song GMS cũng cho thấy thách thức trong chênh lệch trình độ phát triển, nguồn vốn và nhân lực giữa các thành viên.
Hợp tác sông Mê Kông cũng nằm trong mục tiêu phát triển của Cộng đồng ASEAN, trong Hiến chương ASEAN, các cơ chế Diễn đàn ASEAN về phát triển tiểu vùng, Hội đồng điều phố ASEAN về phát triển tiểu vùng (ACC). Điều này khắc phục sự thiếu quan tâm của ASEAN cho khu vực này khi các nước ASEAN tiểu vùng sông Mê Kông chiếm 37,5% dân số, 43,2% diện tích đất liền của khối nhưng chỉ đóng góp được 29% GDP.[26] Các mục tiêu của ASEAN như đối phó hiệu quả với các thách thức xuyên biên giới, thúc đẩy thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước trong nội khối thông qua mở rộng kết nối hạ tầng và hội nhập và phát triển bền vững đều liên quan đến quản lý hiệu quả nguồn nước sông Mê Kông. Tuy nhiên, vấn đề Mê Kông không phải là vấn đề ưu tiên hàng đầu của tất cả các thành viên ASEAN. Nó cũng dễ bị lu mờ bới vấn đề Biển Đông và cạnh tranh Mỹ Trung.
Với khoảng các cơ chế hợp tác cả nội khối, ngoại khối như hiện nay, sông Mê Kông đang gặp thách thức lớn không có đầu mối quản lý hiệu quả, toàn diện để vừa cân bằng lợi ích quốc gia từng nước, lợi ích khu vực và quốc tế trước nhu cầu cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường trong điều kiện BĐKH. Cần có một cuộc cách mạng, cải tổ các hệ thống cơ chế hợp tác này để phát huy các điểm mạnh, hạn chế các điểm yếu của từng cơ chế vì một Mê Kông thịnh vượng và phát triển bền vững. Điều này chỉ có thể đạt được khi thực thi hiệu quả các nguyên tắc của luật quốc tế về môi trường.
4. Vấn đề kênh đào Funan Techo và hợp tác Campuchia - Việt Nam
Dự án “Funan Techo Canal” – tức kênh đào Phù Nam, nhằm nối sông Bassac – một trong hai phân lưu của sông Mekong đến vịnh Thái Lan (cảng biển tỉnh Kampot, Kép). đã được Chính phủ Campuchia đề xuất với Ủy hội sông Mê Kông vào tháng 8/2023 và đã khởi công vào tháng 8/2024. Với chi phí hơn 1,7 tỷ USD, thời gian hoàn thành trong vòng 4 năm. Kênh đào Funan Techo sẽ rộng đến 100 m ở thượng lưu và 80 m ở hạ lưu, với độ sâu khoảng 5,4 m và chiều dài toàn tuyến là 180 km, sẽ có 2 làn tàu thuyền, giúp lưu thông 2 chiều cùng lúc và cần xây 3 cổng chặn, 11 cầu và 208 km đường sá mới ở 2 bên bờ. Kênh đào Funan Techo được kỳ vọng giúp gia tăng năng lực vận chuyển hàng hóa xuất khẩu như thủy sản, gạo, dệt may, giày dép, và nông sản của Campuchia đến các thị trường quốc tế và tiếp nhận máy móc; thiết bị; nhiên liệu, hàng tiêu dùng; phát triển các cảng biển mới ở Kép, và Kampot; tạo công ăn việc làm cho người dân trong vùng, tạo các cơ sở du lịch, đặc khu kinh tế mở tại tỉnh Kandal, Takeo, Kampot và Kép, góp phần thu hút các nguồn FDI, nhà đầu tư nước ngoài, tạo động lực cho chuyển giao công nghệ và phát triển các ngành nghề kĩ thuật cao cho Campuchia. Kênh này được kỳ vọng tạo ra tuyến giao thông thuỷ độc lập cho Cănpuchia, không đi qua các cảng biển Việt Nam, góp phần tăng cường an ninh cũng như sự chủ động trong khả năng vận chuyển của Campuchia. Đóng góp của kênh cho kinh tế Campuchia là 80 triệu USD năm đầu tiên vận hành và 570 triệu USD cho mỗi năm tiếp theo cho đến 2050 và tạo ra 50.000 việc làm mới.[27]
Việc thực hiện dự án này là phù hợp với chính sách phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường riêng của Campuchia, phù hợp với chủ quyền của Campuchia, với các mục tiêu của GMS, với các văn bản hợp tác xuyên biên giới như Biên bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia; Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến thương mại 2019 – 2020. Hai trong 6 đề xuất của Việt Nam trong Hội nghị GMS gần đây nhất năm 2021 có thể được Campuchia hay Việt Nam dẫn chiếu cho dự án này là (iii) Tạo đột phá về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là giao thông và năng lượng để nâng cao tính liên kết và sức cạnh tranh của các nền kinh tế. Mục tiêu là hoàn thiện mạng lưới giao thông, các cửa khẩu, cảng biển GMS; thúc đẩy vận tải đa phương thức; chuyển đổi sang nền năng lượng phát thải thấp một cách hài hòa, hợp lý; nâng cao năng lực mua bán điện năng qua biên giới, vận hành hệ thống lưới điện liên kết, và phát triển cơ sở hạ tầng ngành điện và (v) Xây dựng một GMS xanh, an toàn và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu. GMS cần trở thành hình mẫu hợp tác khu vực về tăng trưởng xanh, an toàn và bền vững, chú trọng nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai và tăng cường hợp tác trong quản lý, khai thác và sử dụng bền vững các dòng sông ở khu vực, đặc biệt là sông Mê Kông.
Tuy nhiên, trong khi thực hiện những dự án như vậy, Campuchia có trách nhiệm bảo đảm rằng các hoạt động nằm trong lãnh thổ của mình không được gây tác hại tới môi trường của quốc gia khác. Các nguyên tắc này đã được thừa nhận trong các Tuyên bố về Môi trường và Phát triển, trong Công ước 1997, trong các phán quyết của Toà án và trọng tài quốc tế như đã phân tích ở phần 2. Tuy nhiên, Hiệp định sông Mê Kông 1995 mới là văn bản có tính bắt buộc với hai nước Việt Nam và Campuchia, nơi tác động của kênh là lớn nhất.
Đây cũng là nội dung mà Bộ Ngoại Giao Việt Nam nhiều lần khẳng định: “Đối với dự án kênh đào Phù Nam Techo, Việt Nam "rất quan tâm và tôn trọng lợi ích chính đáng của Campuchia" theo tinh thần của Hiệp định Mê Kông năm 1995, phù hợp với các quy định liên quan của Ủy hội sông Mê Kông và quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống giữa hai nước”.[28]
Hiệp định sông Mê Kông nhấn mạnh các quốc gia lưu vực sông Mê Kông phải hợp tác trên cơ sở bình đẳng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trong sử dụng và bảo vệ các nguồn nước của lưu vực sông Mê Kông (điều 4) và khi sử dụng nguồn nước sông Mê Kông một cách hợp lý và công bằng trên các lãnh thổ tương ứng của họ, kể cả các sông nhánh và Tonle Sáp, các quốc gia cần thông báo cho Uỷ hội biết. (điều 5).[29]
Campuchia đã thực hiện nghĩa vụ thông báo này tháng 8/2024. Việt Nam thông qua MRC đã bày tỏ sẵn sàng hợp tác với Campuchia để thực hiện dự án thông qua cơ chế tham vấn trước vào tháng 9/2023 và tháng 3/2024. Tuy nhiên, chính quyền Campuchia cho rằng đây là công việc nội bộ, không cần đàm phán với các quốc gia khác và đã chính thức triển khai dự án. Lý do Campuchia tự tin thực hiện dự án có thể là do kênh đào Funan Techo lấy nước từ nhánh sông Bassac, không phải nguồn chính sông Mê Kông. Tuy nhiên, sông Bassac (tên Việt Nam - sông Hậu) là phân lưu dẫn nước sông Mê Kông ra biển nên đã được MRC và các nước nhất trí coi là nhánh chính của sông Mê Kông và việc đào kênh Funan Techo sẽ điều chỉnh nước từ sông Mê Kông ra Vịnh Thái Lan. Các nước ven sông liên quan hoàn toàn có thể yêu cầu MRC và Campuchia thực hiện chế độ tham vấn trước, thậm chí Thoả thuận đặc biệt khi nước được lấy sang lưu vực khác vào mùa khô.
Kể cả khi dự án đã triển khai, quốc gia có dự án vẫn cần thực hiện nghĩa vụ đánh giá tác động môi trường và tính khả thi của dự án trong suốt quá trình thi công và chia sẻ thông tin với các nước láng giềng. Về phía Việt Nam, bên có lợi ích ảnh hưởng trực tiếp, cần phải chủ động yêu cầu và hợp tác chặt chẽ với phía Campuchia trong đánh giá tác động môi trường của dự án trên cơ sở các số liệu bạn cung cấp, đồng thời cung cấp các số liệu của các tỉnh đồng bằng sông Mê Kông để có đánh giá một cách khách quan nhất các tác động môi trường trước và sau khi có kênh. Hai bên cũng có thể đề nghị Ban thư ký Uỷ hội sông Mê Kông (MRC) tiến hành nghiên cứu độc lập, lắng nghe các quan ngại từ cộng đồng và các bên liên quan, cũng như các ý kiến phản biện của các chuyên gia để có kết luận công bằng, hợp lý.
Kênh Funan Techo được nhìn nhận như một dự án kết nối hạ tầng giao thông thuỷ nội địa và thúc đẩy phát triển nông nghiệp, thuỷ sản, du lịch của bốn tỉnh Campuchia. Kênh hoàn toàn nằm trên đất Campuchia, thuộc chủ quyền của Campuchia trong khai thác phát triển phù hợp với lợi ích hợp tác và phát triển của nước bạn. Tuy nhiên việc đào kênh không phải là không có tác động tiêu cực tới chính nước bạn và các nước xung quanh, đòi hỏi phải đánh giá cân bằng lợi hại để có quyết định đúng. Các nước có quyền nêu quan ngại, tỏ thiện chí hợp tác để giảm thiểu thấp nhất các tác động xuyên biên giới nhưng không được can thiệp vào công việc nội bộ của Cămpuchia, tôn trọng chủ quyền của Campuchia. Việc xây dựng các kịch bản giảm thiểu các tác động tiêu cực của kênh đào Funan Techo bao gồm cả những trường hợp bất lợi nhất vượt ra ngoài thông báo của phía Campuchia, rất cần sự hợp tác thiện chí của chuyên gia các nước liên quan (ở đây chủ yếu là Việt Nam và Campuchia) dưới sự điều phối của Ban thư ký Uỷ hội sông Mê Kông.
Quan ngại lớn nhất của công chúng hiện nay là kênh đào Funan Techo với 77 triệu m3 nước cần làm đầy có thể làm giảm nguồn nước sông Mê Kông, giảm lượng nước về ĐBSCL dẫn đến suy yếu khả năng và cơ hội của Việt Nam trong việc xây dựng một ĐBSCL bền vững trước biến đổi khí hậu, nhiễm mặn tăng, nước biển dâng, sẽ mất đồng bằng sông Cửu Long, mất vựa lúa trù phú. Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng, lưu lượng nước chảy qua kênh đào Funan Techo không lớn so với tổng lưu lượng sông Mê Kông nên sẽ không có ảnh hưởng đáng kể.[30] Vì vậy để đánh giá đúng tác động của kênh đào Funan Techo, các bên liên quan cần khảo sát, trao đổi số liệu kỹ lưỡng về các kịch bản lưu lượng nước sử dụng cho kênh đào Funan Techo nhằm mục đích giao thông thuỷ hay kết hợp cả giao thông và thuỷ lợi. Việc mở rộng tưới tiêu cho bao nhiêu diện tích lúa, đi qua các tỉnh nào với các thông số địa lý, môi trường khác nhau cần có sự đánh giá phân tích chính xác và xây dựng mô hình thuỷ lực khoa học để chứng minh bao nhiêu phần trăm nguồn nước tưới tiêu được lấy từ sông lớn Mê Kông, Bassac, Tonle Sáp hay kênh Funan Techo.
Việc đào kênh Funam Techo có tác động trực tiếp tới Campuchia. Việc lấy nước từ dòng chính sông Mê Kông và sông Bassac, có thể sẽ hạ thấp mực nước sông Mê Kông tại chính thủ đô Phnom Penh và đe doạ khô hạn tại thủ đô và vùng lân cận. Con kênh sẽ chia đôi và cắt đứt một vùng đồng bằng ngập nước rộng lớn ở tỉnh Takeo, nơi sản xuất một số loại gạo ngon nhất thế giới, làm phần đồng bằng phía nam của dòng kênh sẽ bị khô, trong khi phần phía bắc sẽ bị ngập nhiều hơn so với bình thường. Mực nước ở hồ Tonle Sáp cũng có thể ảnh hưởng làm suy kiệt nguồn cá nước ngọt. Kênh sẽ tạo điều kiện cho nước mặn xâm nhập xa hơn khi triều cường không chỉ dừng tại đồng bằng sông Cửu Long như hiện nay. Trong trường hợp xấu, Tonle Sáp cũng có thể bị nhiễm mặn. Tác động của nhiễm mặn, của sa mạc hoá và nước biển dâng cần được nghiên cứu đánh giá đúng mức. Các yếu tố này ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững và tổn hại môi trường không chỉ của Cămpuchia mà cả khu vực.
Nhìn từ khía cạnh khác, việc xây dựng kênh đào Funan cũng có thể là cơ hội cho Việt Nam. Việc mở kênh đào tạo thuận lợi không chỉ cho hàng hoá của Campuchia mà cả các tỉnh ĐBSCL lưu thông tới Thái Lan, Nam ASEAN, Ấn Độ và Pakistan. Ngoài con đường ra biển truyền thống, Việt Nam sẽ có một con đường ra biển thứ hai. Kết hợp nạo vét sông Tiền, sông Hậu sẽ cho phép tàu vận tải cỡ lớn từ thành phố HCM ra thẳng Vịnh Thái Lan. Phú Quốc có thể trở thành điểm trung chuyển hàng hải trong tam giác phát triển mới ở Vịnh Thái Lan (Kênh Funan Techo - Phú Quốc - kênh Kra từng được dự định nhiều năm nay). Việc thực hiện kênh đào này cũng là dịp để Việt Nam xem xét điều chỉnh các chiến lược phát triển bền vững của mình, chủ động xây dựng các hồ chứa nước phục vụ cho tưới tiêu đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô, có chiến lược khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn nước ngầm, tránh thất thoát.
Việt Nam cần tận dụng vai trò thành viên MRC để chủ động có nghiên cứu trao đổi bàn bạc với Cămpuchia và tranh thủ sự hợp tác trong Uỷ hội sông Mê Kông cũng như các cơ chế hợp tác Mê Kông - Lan Thương và các cơ chế khác để tìm ra các giải pháp quản lý phù hợp, đạt được mục đích sao cho vừa phát triển kinh tế bền vững, vừa bảo đảm môi trường, không làm tổn hại tới lợi ích của các láng giềng cũng như an ninh khu vực. Việt Nam cũng cần phát huy vai trò chủ động của mình trong việc xây dựng và phát triển các cơ chế hợp tác vùng, tiểu vùng liên quan đến sông Mê Kông, đưa ra các sáng kiến và vận động các nước liên quan ủng hộ thực thi nhằm khắc phục các hạn chế trong các cơ chế hợp tác hiện có. Việt Nam và Cămpuchia có thể tham khảo thêm kinh nghiệm quản lý các nguồn nước quốc tế tại sông Nile, sông Danube, sông Rhein. Tuân thủ các nguyên tắc của luật quốc tế về môi trường sẽ tạo động lực tốt nhất cho các nước tiểu vùng Sông Mê Kông phát triển thịnh vượng, lành mạnh, vì lợi ích của thế hệ hôm nay và mai sau.
5. Kết luận
Quản lý và sử dụng hợp lý các nguồn nước quốc tế là quyền lợi và nghĩa vụ của tất cả các nước cùng chia sẻ nguồn nước trong đó nguyên tắc hợp tác là hòn đả tảng để bảo vệ môi trường và bảo đảm các mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, không chỉ đối với từng nước mà với cả lưu vực nguồn nước quốc tế. Trong việc tự do lựa chọn, phát triển các dự án kinh tế - xã hội hay an ninh quốc phòng trên cơ sở chủ quyền, mỗi nước có nghĩa vụ bảo đảm các dự án đó không làm tổn hại tới lợi ích của các láng giềng cũng như an ninh khu vực. Các nước cần hợp tác từ đầu thông qua thông báo, tiếp thu phản hồi của các nước liên quan, bàn bạc tìm kiếm một giải pháp vừa tôn trọng chủ quyền và lợi ích của quốc gia triển khai dự án vừa bảo đảm quyền lợi của các quốc gia khác không bị tổn hại. Mỗi vụ việc đều có những đặc thù của mình nên việc áp dụng hiệu quả nguyên tắc hợp tác của luật quốc tế phụ thuộc vào thiện chí và sự đoàn kết giữa các quốc gia thông qua sự trung gian điều hành của các tổ chức quốc tế và khu vực có thẩm quyền mà cả hai đều là thành viên.
Việt Nam và Campuchia nên phối hợp chặt chẽ với nhau và với các nước trong Ủy hội sông Mê Kông trong tất cả các giai đoạn thi công và vận hành dự án kênh đào Funan Techo để chia sẻ thông tin, đánh giá đầy đủ tác động đối với nguồn nước, tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực tiểu vùng sông Mê Kông cùng các biện pháp quản lý phù hợp. Những việc này nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông Mê Kông cũng như quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước và tài nguyên nước quốc tế, vì sự phát triển bền vững của lưu vực, tình đoàn kết gắn bó giữa các quốc gia ven nguồn nước quốc tế, vì lợi ích của thế hệ hôm nay và tương lai của các thế hệ mai sau.
GS.TS. Nguyễn Hồng Thao
Nguyên Phó Trưởng Ban Biên giới của Chính phủ, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia, hiện là thành viên của Ủy ban pháp luật quốc tế Liên Hợp quốc.
1. Bùi Thanh Tuấn, Giá trị địa - chiến lược của Tiểu vùng sông Mekong, Tạp chí Cộng sản 2018, htps://tapchicongsan.org.vn/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/825693/gia-tri-dia---chien-luoc-cua-tieu-vung-song-mekong.aspx
2. Đinh Thanh Tú-Trịnh Thị Hoa, Tiểu vùng sông Mekong trong “Chính sách hướng Nam mới” của Hàn Quốc và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam hiện nay”,
Tạp chí Cộng sản, https://tapchicongsan.org.vn/tin-binh-luan/-/asset_publisher/DLIYi5AJyFzY/content/tieu-vung-song-mekong-trong-chinh-sach-huong-nam-moi-cua-han-quoc-va-nhung-van-de-dat-ra-doi-voi-viet-nam-hien-nay
3. 1. LÊ HẢI BÌNH, TẬP HỢP LỰC LƯỢNG TRONG THẾ KỶ XXI: XU HƯỚNG, TÁC ĐỘNG VÀ ĐỐI SÁCH CỦA VIỆT NAM, NXB CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT, HÀ NỘI (2020)
4. Lê Trung Kiên, Sự gia tăng ảnh hưởng của một số nước lớn tại tiểu vùng Mê Công thông qua các cơ chế hợp tác đa phương và một số đề xuất cho Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, 933/2020.
5. Nguyễn Thị Quế, Nguyễn Thị Phương Anh, Chính sách của Trung Quốc đối với tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng hiện nay, Lý luận chính trị, số 10/2018.
6. Trần Ngọc Dũng, Cạnh tranh ảnh hưởng của Trung Quốc và Mỹ ở Tiểu vùng sông Mekong trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI, 27/07/2023, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á, ttps://www.inas.gov.vn/1342-canh-tranh-anh-huong-cua-trung-quoc-va-my-o-tieu-vung-song-mekong-trong-hai-thap-nien-dau-the-ky-xxi.html
7. Tiểu vùng Mekong và Lịch sử các cơ chế hợp tác ACMECS, CLMV, Vietnamplus, 21/10/2016, https://www.vietnamplus.vn/tieu-vung-mekong-va-lich-su-cac-co-che-hop-tac-acmecs-clmv-post412150.vnp
8. Hợp tác kinh tế tiểu vùng Mekong mở rộng và sự tham gia của Việt Nam, Vietnamplus, 08/09/2021, htps://www.vietnamplus.vn/hop-tac-kinh-te-tieu-vung-mekong-mo-rong-va-su-tham-gia-cua-viet-nam-post739510.vnp
9. Tô Văn Trường, Kênh đào Funan Techo Campuchia và bài học hợp tác khai thác sông Mê Kông,Trí thức Nông dân, 25/04/2024
10. Andrew Wells-Dang, Is the Climate Crisis Leading to ‘Rupture’ in Southeast Asia’s Mekong? December 15, 2022, https://www.usip.org/publications/ 2022/ 12/climate-crisis-leading-rupture-southeast-asias-mekong
11. B. Eyler (et all) (2020), The Mekong matters for America, America matters for the Mekong, East-West center, Stimson.
12. East-West Center: “The Mekong Matters for America”, 1/1/2020,https//www.jstor.org/stable/resrep25016,
13. International Centre for Environmental Management: “Mekong Delta Climate Change Forum 2009”, 11-2009
14. Lohita Solanki, Addressing Climate Change in the Mekong-Ganges Region, The Diplomat, August 09, 2021, htps://thediplomat.com/2021/08/addressing-climate-change-in-the-mekong-ganges-region/
15. Marty Natalegawa: “Does ASEAN Matter? A View from Within”, ISEAS - Yusof Ishak Institute, 2018, tr. 148
16. V. Brilingaite (2017), China’s transboundary river governance: The case of the Lancang-Mekong River, Master’s Programme in Asian Studies, Lund University.
17. Y. Hidetaka, The United States, China, and Geopolitics in the Mekong region, Asian Affairs: An American Review, 42/20157.
18. USAID, Mekong adaptation and réilience to climate change, 2015, https://2017-2020.usaid.gov/asia-regional/fact-sheets/mekong-adaptation-and-resilience-climatechange#:~:text=The%20study%20found%20that%20by%202050%2C%20the%20region,impact%20crops%2C%20livestock%2C%20fisheries%20and%20non-timber%20forest%20products.
19. UNDP 2021, 55% of Mekong Delta population affected by climate change by 2100,https://www.undp.org/vietnam/55-mekong-delta-population-affected-climate-change-2100
20. Transport Minister-Funan Techo Canal project to begin construction in late 2024, https://www.khmertimeskh.com/501425184/transport-minister-funan-techo-canal-project-to-begin-construction-in-late-2024/, truy cập ngày 17/5/2024
[1] Cambodia launches historic Funan Techo Canal construction, Khmer Times on August 5, 2024, https://www.khmertimeskh.com/501535280/cambodia-launches-historic-funan-techo-canal-construction/, truy cập ngày 6/8/2024
[2] MRC Procedures for Notification, Prior Consultation, and Agreement (PNPCA), https://archive.iwlearn. net/mrcmekong.org/ISH/Developers-Meeting-PNPCA-22-11-9.pdf
[3]Kmer Times, Transport Minister: Funan Techo Canal Project to Begin Construction in Late 2024, khmertimeskh.com, 18/1/2024, https://www.khmertimeskh. com/501425184/transport-minister-funan-techo-canal-project-to-begin-construction-in-late-2024/, truy cập ngày 2/5/2024
[4] Mekong River, Britanica, ttps://www.britannica.com/place/Khone-Falls, access on 25 January 2024
[5] Bùi Thanh Tuấn, Giá trị địa - chiến lược của Tiểu vùng sông Mekong, Tạp chí Cộng sản 2018, htps://tapchicongsan.org.vn/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/825693/gia-tri-dia---chien-luoc-cua-tieu-vung-song-mekong.aspx
[6] Mekong River Commission (MRC). 2010. State of the Basin Report 2010. http://www.mrcmekong.org/assets/Publications/basin-reports/MRC-SOB-report-2010full-report.pdf
[7] Chinese Deployment to Ream Naval Base Not Permanent, Cambodia Says, The Diplomat May 9th, 2024, https://thediplomat.com/2024/05/chinese-deployment-to-ream-naval-base-not-permanent-cambodia-says/
[8] Supra Note 5
[9] Socialist Republic of Vietnam, Strategy for Sustainable Development of the Vietnamese Marine Economy up to 2030, with A Vision toward 2045, VGP News, Jan. 30, 2019, available at http://news.chinhphu.vn/Home/Partys-Resolutionon-strategy-for-sustainable-development-of-marine-economy/20191/35784.vgp
[10] Phát biểu của bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới Tại Việt Nam Thay Mặt Nhóm Đối tác Phát Triển Công tác về Đồng Bằng Sông Cửu Long, Hội nghị Lần Thứ 3 về Phát triển Bền vững ĐBSCL Thích Ứng Với Biến đổi Khí hậu, Thành phố Cần Thơ, Việt Nam 2021
[11] Sea Level Rise Projections: 10 Cities at Risk of Flooding CRISIS - SEA LEVEL RISE BY MARTINA IGINIAM- ERICAS ASIA EUROPE JUN 4TH 2022, https://earth.org/sea-level-rise-projections/ ). 10 thành phố được kể tên là Bangkok (Thailand), Amsterdam (Netherlands), Ho Chi Minh City (Vietnam), Cardiff (United Kingdom), New Orleans (US), Manila (Philippines), London (United Kingdom), Shenzhen (China), Hamburg (Germany) and Dubai (United Arab Emirates)
[12] P. Sands, Principles of International Environmental Law, Cambridge University Press, 2003, p. 253
[13] Corfu Channel (United Kingdom of Great Britain and Northern Ireland v. Albania), Judgment of 9 April 1949, I.C.J. Reports (1949) p. 15 at p. 22.
[14] Pulp Mills on the River Uruguay (Argentina/Uruguay) supra n. 5, para. 101.
[15] See Arbitrator Max Huber, Case of the Island of Palmas (Netherlands v. USA), supra n. 3 at p. 839: “Territorial sovereignty … involves the exclusive right to display the activities of a State. This right has as corollary a duty: the obligation to protect within the territory the rights of other States …”.
[16] Request for an advirosy opinion submitted by the Commission of Small Island States on Climate Change and International Law, Case 31 of ITLOS on 21 May 2024, https://www.itlos.org/fileadmin/itlos/documents/cases/ 31/Advisory_Opinion/C31_Adv_Op_21.05.2024_orig.pdf, paragraphs 235-242.
[17] Convention on the Law of the Non-navigational Uses of International Watercourses 1997 (Công ước Liên hợp quốc về Luật Sử dụng các nguồn nước liên quốc gia vì mục đích phi giao thông thủy 1997), htps://legal. un.org/ilc/texts/instruments/english/conventions/8_3_1997.pdf.
[18] Hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công (1995), https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Hiep-dinh-hop-tac-phat-trien-ben-vung-luu-vuc-song-Me-Cong-162891.aspx
[19] Supra Note 2
[20] Sneddon, Chris ; Fox, Coleen, Rethinking transboundary waters: A critical hydropolitics of the Mekong basin, Political geography, Oxford, : Elsevier Ltd, 2006-02, Vol.25 (2), p.181-202
[21] IUCN (2015), Hiệp định Mê Công và Công ước về Nguồn nước của Liên Hợp Quốc Phân tích so sánh, https://nature.org.vn/vn/wp-content/uploads/2015/11/201115_Conguocnguonnuoc.pdf
[22] Kịch bản biến đổi khí hậu phiên bản cập nhật năm 2020,
[23] McDonald, J., The Role of Law in Adapting to Climate Change, Wiley Interdisciplinary Reviews: Climate Change 2: 283–295 (2011)
[24] Tô Minh Thu, Uỷ hội sông Mê Kông và vai trò quan trọng trong bảo vệ nguồn nước, trong TIỂU VÙNG SÔNG MÊ CÔNG: HỢP TÁC NĂNG ĐỘNG VÌ THỊNH VƯỢNG, AN NINH VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG, NXB Thế giới 2021, tr. 88-108.
[25] Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Xây dựng tầm nhìn 2030 cho Tiểu vùng Mê Kông mở rộng, kinhtvadubao.vn, https://kinhtevadubao.vn/xay-dung-tam-nhin-2030-cho-tieu-vung-me-kong-mo-rong-19238.html
[26] Shawn Ho & Kaewkamol Pitakdumrongkit, Can ASEAN Play a Greater Role in the Mekong Subregion?, The Diplomat, January 30, 2019.
[27] Yen Samnang, Funan Techo Canal: A Mega Project for Economic Growth, Khmer Times on August 5th, 2024, https://www.khmertimeskh.com/501535158/funan-techo-canal-a-mega-project-for-economic-growth
[28] Tuổi Trẻ Online, Việt Nam lên tiếng trước các phát biểu của Campuchia về kênh đào Phù Nam Techo https://tuoitre.vn/viet-nam-len-tieng-truoc-cac-phat-bieu-cua-campuchia-ve-kenh-dao-phu-nam-techo-20240505194607525.htm
[29] MRC, The 1995 Mekong Agreement and Procedures, https://www.mrcmekong.org/assets/Publications/MRC-1995-Agreement-n-procedures.pdf
[30] Tô Văn Trường, Kênh đào Funan Techo - Cùng hợp tác để phát triển, Tuàn Vietnam, 02/05/2024